Tôi thấy ở Việt Nam có một cuộc tranh cãi khá gay gắt mà rất vô vị là xe của nước nào tốt hơn. Có lẽ phần nhiều những người tham gia cuộc tranh cãi này là những người ít đi xe và ít hiểu biết về xe.
Thứ nhất, mỗi một nước (Đức, Hàn, Nhật, Mỹ...) đều có rất nhiều hãng xe khác nhau. Chất lượng của hãng này không đại diện cho hãng kia. Thậm chí chính các hãng này cũng làm những quảng cáo ác ý, tấn công vào yếu điểm để ngầm hạ thấp đối thủ, có thể thấy các cuộc đối đầu truyền kiếp của Honda, Mazda và Toyota.
Thứ hai, mỗi một hãng cũng có những dòng xe khác nhau phục vụ các phân khúc khách hàng khác nhau. Người chê xe Nhật không đầu tư cảm giác lái bằng xe Đức là vì họ không đi loại xe được sản xuất cho đối tượng yêu cầu cảm giác lái. Trong mười xe cảm giác lái tốt tầm cùng giá tiền trung bình được "Carbuyer" bình chọn thì các hãng xe Nhật có tới ba đại diện.
Thứ ba, ngay cả khi cùng một dòng xe, thì việc khác đời xe và khác nơi sản xuất cũng có thể khác nhau. Trong một đợt triệu hồi xe ở Australia, tôi và đồng nghiệp đi cùng một dòng xe, cùng năm sản xuất, nhưng khi nhập số VIN vào thì xe tôi không bị triệu hồi, còn đồng nghiệp phải trả về đề sửa. Một người bạn tôi biết sau khi học ở Italy quyết định mua một chiếc Fiat, nhưng sau đó phải kiện để được bồi hoàn tiền. Tuy nhiên ngay cả khi như vậy thì cô vẫn nói là cô mua phải một quả chanh tây (lemon – ám chỉ một sản phẩm lỗi), chứ xe Fiat vẫn rất tốt với trải nghiệm của cô ở Italy.
Vậy nên phân loại xe theo nước chỉ mang tính cảm tính, không dựa trên cơ sở khoa học nào và cũng không có bất kỳ sự đảm bảo nào cho sự phân loại này. Phân loại xe theo giá tiền cũng không phải là cách của một người tiêu dùng thông minh. Hãng xe có thể đầu tư rất nhiều vào một tính năng mà bạn không cần. Trong mười tính năng vô dụng nhất được Goliath bình chọn có thể kể đến một tính năng khá đắt đỏ là đèn cảnh báo cách lái xe lãng phí xăng.
Xe tôi đi có hai tính năng rất vô dụng với tôi là cảnh báo lệch làn và cảnh báo va chạm phía sau (không phải cảnh báo lùi xe vào chướng ngại vật). Hãng Mercedes từng tuyên bố một chiếc xe của họ có 6.000 chi tiết tính đến con ốc, trong khi Toyota chỉ có khoảng 3.000. Thế nên Toyota không thể hỏng các chi tiết mà nó không có. Nhưng vấn đề là các chi tiết đó có cần với bạn hay không?
Tôi nghĩ người mua xe nên cân nhắc cụ thể loại xe mình mua dựa trên nhu cầu cá nhân và điều kiện tài chính, hơn là lao vào một cuộc tranh cãi vô bổ. Nếu bạn đỗ song song kém, nên chọn loại có hỗ trợ đỗ xe tự động tốt. Nếu bạn hay phải ra vào cao tốc, hãy chọn loại tăng tốc nhanh để an toàn. Nếu bạn hay bị kẹt trong đô thị, có lẽ chế độ tiết kiệm xăng thông minh sẽ giúp cho bạn.
Không phải hãng xe nào cũng làm được những điều họ cam kết, nên bạn hãy tìm kiếm các đánh giá khách quan và khoa học. Các thông tin về bảo hành hậu mãi cũng rất quan trọng. Hãy nhớ rằng xe ở Việt Nam có thể khác với thế giới, nên hãy tìm cả các đánh giá ở Việt Nam. Và nhớ rằng đừng nghe các đánh giá dựa theo tên nước.
Độc giả Tô Thức