Bởi vì hệ thống mua sắm qua mạng như Amazon, Ebay… luôn làm cho người mua thoải mái vì hàng tốt, giá phải chăng, dễ dàng lựa chọn và dịch vụ vận chuyển nhanh chóng. Và điều quan trọng nhất là dưới mỗi món hàng, chúng tôi luôn tìm ra những thông tin hữu ích qua hệ thống đánh dấu sao và phản hồi của người mua. Nếu món hàng nào càng được người tiêu dùng chấm nhiều sao nhất (5 sao) tức là người mua sau khi sử dụng đã rất hài lòng với chất lượng của nó. Thêm nữa, các ý kiến phản hồi cởi mở của người tiêu dùng dưới mỗi sản phẩm có thể giúp chúng tôi biết rõ cái hay, cái dở của món hàng, cách phục vụ, giá cả. Và nếu lượng ý kiến phản hồi càng nhiều, càng chứng tỏ người bán hàng đã có mặt lâu năm trên mạng và đáng tin cậy. Dù hệ thống đánh dấu sao và cho phép đưa ý kiến phản hồi là của chính các công ty kinh doanh mạng, nhưng những gì hiện diện trên đó đều là ý kiến thực từ người mua.
Cách làm này không chỉ dừng trong việc mua sắm mà còn ở rất nhiều lĩnh vực khác trong đời sống nước Mỹ, chẳng hạn như y tế, giáo dục, dịch vụ công, chọn lựa nghề nghiệp, tìm điểm du lịch, nhà hàng, khách sạn…
Ví như trước khi chọn trường cho con tôi học tại Mỹ, ngoài tìm thông tin trên website và Facebook của trường, tôi đã vào đọc đánh giá về trường qua một website đánh giá chất lượng các trường. Đây là trang cho phép người đọc có thể đọc được ý kiến của các phụ huynh và học sinh về các trường trung học ở Mỹ, bao gồm cả khen và chê. Ngoài ra, các học sinh còn có hệ thống chấm dấu sao cho thày cô mà họ đã từng theo học. Thêm vào đó, chúng tôi còn có thể biết thứ bậc của trường qua website nổi tiếng khác chuyên chấm điểm, xếp hạng và đánh giá các trường trung học nội trú tại Mỹ. Vì vậy chỉ cần chịu khó chút xíu, gia đình tôi đã có được quyết định đúng đắn khi chọn trường cho con mà chẳng mất công, tốn tiền sang tận nơi để dò la, xem xét.
Làm theo cách này quen, tôi thấy hóa ra ngồi nhà mà muốn chọn lựa mua sắm hay quyết định làm một việc đáp ứng nhu cầu đời sống bên Mỹ còn dễ hơn ở Việt Nam. Bởi ở Việt Nam, trước khi sử dụng dịch vụ gì muốn làm gì tôi phải hỏi quanh hỏi quất qua các mối quan hệ bè bạn, người quen; nếu không được thì tốt nhất là chạy đến tận nơi mà gặp trực tiếp thì họa may mới giải quyết công việc được.
Mặc dù ta hiện nay không thiếu gì nơi đã tạo ra hệ thống đánh giá bằng dấu sao và ý kiến phản hồi của người dân, nhất là các công sở, nhà hàng, ngân hàng, bệnh viện, trường học, công ty du lịch… Nhưng dường như các hệ thống này mới dừng ở hình thức mà chưa đi vào thực chất. Người muốn góp ý, đánh giá thì rất nhiều nhưng khi làm đánh giá, viết góp ý thì ngại. Một là ngại không biết có ai nghe mình nói không. Hai là ngại nhỡ đâu có trù ểm thì hỏng việc. Một số người khác thích góp ý, đánh giá nhưng ưa nặng lời và “quăng” vù một cái lên mạng xã hội. Thành thử hệ thống lập ra tốn không ít công của mà vẫn bỏ không hoặc đôi khi thành cực đoan. Và kết quả có khi chỉ vì một cái cà vạt của học sinh bị càm ràm trên mạng xã hội mà thành chuyện người lớn...
Kinh nghiệm từ các nước phát triển cho thấy, hệ thống này chỉ có thể sử dụng được khi nào tạo đủ điều kiện cho người dân vào tự do đóng góp ý kiến, nhận xét, đánh giá và ghi nhận những ý kiến này dù khen hay chê. Tiếp đó, để tránh “trù dập” hay “nể nang”, thường các đánh giá này chỉ có thể được thực hiện sau khi người dân đã có trải nghiệm thực sự và có thể ẩn danh. Ví như trên các trang như Amazon hay Ebay, người mua hàng chỉ có thể đánh giá và phản hồi nếu đã mua xong. Tương tự, tại các trường học, học sinh tha hồ có thể đánh giá và phản hồi về thày cô nếu kỳ thi đã kết thúc, điểm đã được công bố…
Tôi chỉ ước giá như nước ta có đủ hệ thống thông tin để dễ dàng ra quyết định hằng ngày cho các nhu cầu từ đơn giản đến phức tạp. Nào là thông tin chính thức từ nhà cung cấp sản phẩm - dịch vụ công và tư, hệ thống thông tin đánh giá khách quan từ các tổ chức phi chính phủ, và cuối cùng là hệ thống đánh giá và phản hồi của cộng đồng. Và khi đó chắc chắn sẽ có thêm nhiều người mỗi ngày sẵn lòng chấm mấy dấu sao, viết một phản hồi hữu ích trên mạng để đóng góp cho việc tạo ra những thước đo của công bằng và văn minh.
Nguyễn Anh Thi