Nội dung
Marvel và DC Comics là hai nhà sản xuất truyện tranh hàng đầu nước Mỹ với "đặc sản" là những siêu anh hùng, vì vậy không có gì lạ khi Captain America đi theo mô-tip phim hành động chủ nghĩa anh hùng cá nhân, cũng là "đặc sản" phim hành động Mỹ. Được chuyển thể từ bộ truyện tranh cực kỳ đình đám những năm 1940, hình ảnh anh hùng áo cờ hoa không còn lạ với những người yêu thích truyện tranh. Marvel cũng cực kỳ "cao tay" khi đã tự đứng ra thành lập một xưởng sản xuất riêng để phục vụ cho những siêu anh hùng của mình.
Họ đã đạt được kết quả mỹ mãn! Nội dung phim bám khá sát với truyện tranh gốc, đồng thời khéo léo kèm theo những hình bóng của những siêu anh hùng khác khiến người xem cảm thấy thân quen và phấn khích. Những pha cháy nổ, chiến đấu đúng "chuẩn" Hollywood, cùng với một kịch bản tốt khiến Captain America trở thành "bom tấn" đúng nghĩa như "Thor" hay "Iron Man". Tuy vẫn còn đó vài chi tiết hơi cường điệu quá hoặc chưa hợp lý, nhưng nhìn chung mảng nội dung khó có thể chê trách.
Diễn xuất
Con mắt nhìn người của êkip làm phim không hề sai khi chọn Chris Evans làm Đại uý Mỹ. Cái "thần" của người đại diện cho nước Mỹ toát ra ngay từ khuôn mặt, hình thể. Cùng với những pha hành động đúng chất siêu anh hùng, Chris Evans đã hoàn thành xuất sắc vai diễn của mình. Không thể không nhắc đến Tommy Lee Jones và Hugo Weaving. Nếu T.L. Jones trở lại màn ảnh vẫn với một hình ảnh thân quen và phong cách lão luyện, tuy không còn hợp với những bộ phim hành động, thì H. Weaving thật sự đã đưa được hình ảnh Red Skull lên màn ảnh.
Cũng cần phải nhắc tới những vai diễn của Hayley Atwell, Sebastian Stan,Dominic Cooper... Chính dàn diễn viên này đã khẳng định đẳng cấp của bộ phim.
Tuy nhiên khen nhiều không đồng nghĩa với hoàn hảo. Như những bộ phim siêu anh hùng khác của Marvel, diễn xuất của các nhân vật không yêu cầu quá nhiều suy nghĩ hay đấu tranh nội tâm kiểu The Dark Knight, nên để xếp Captain America vào mức "tuyệt phẩm" thì chưa đến.
Thể hiện
Nếu Marvel Studios nhúng tay vào thì coi như phần hình ảnh là không phải bàn cãi. Từ những chi tiết nhỏ như son môi, huân chương... cho đến trang phục, vũ khí... đều mang đậm chủ đề Thế chiến II. Tôi đặc biệt thích thú với hình ảnh Captain America trên sàn diễn với những vũ công xinh đẹp và các bước nhảy "thuần chất Mỹ" những năm 40 của thế kỷ trước, hay góc quay khi 400 lính trở về mà chỉ có thể tìm thấy ở những bộ phim cũ. Nó chính là một sự tưởng niệm lịch sử hào hùng của nền điện ảnh lớn nhất thế giới!
Tuy vậy tôi hơi thất vọng với cách thể hiện các vũ khí tối tân. Trông chúng như những sản phẩm bước từ Star Wars ra chứ không phải do con người tạo ra. Cách phóng đại quá đà này không những làm giảm độ "chất" của bộ phim, mà còn làm cho những pha chiến đấu đông người trở nên bớt hoành tráng.
Một điểm trừ nhỏ nữa là đôi lúc những cảnh hành động bị cắt - dựng theo một phong cách nào đó khiến phim bị đứt quãng. Tuy không ảnh hưởng đến tổng thể nhưng tôi vẫn băn khoăn không biết đây là dụng ý của dựng phim hay chỉ là những sai sót?
Âm nhạc
Khán giả sẽ được nghe lại những âm hưởng 1940 - 1945 đầy sôi động của thời kỳ tuyển lính. Âm nhạc trong phim thực sự phù hợp và khiến khán giả chìm sâu vào trong bối cảnh của bộ phim. Tuy vậy nhưng các nhà soạn nhạc không quên lồng ghép khéo léo chất mạnh mẽ của âm nhạc đương đại vào những cảnh hành động. Có thể nói âm nhạc đã hoàn thành tốt vai trò của mình.
Tổng kết
Đây là một "bom tấn" hay khác của Marvel, nối tiếp chuỗi thành công của X-Men series, The Hulk, Spider Man series, Thor... Nếu bạn yêu thích siêu anh hùng hay chỉ đơn giản là muốn tìm một bộ phim hành động hay thì đừng bỏ qua Captain America: The First Avenger.
Lưu Thượng Dũng