Kháng sinh là "vũ khí" để tiêu diệt vi khuẩn. Tuy nhiên, sử dụng kháng sinh chưa hợp lý khiến tình trạng kháng kháng sinh ngày càng phổ biến, trở thành gánh nặng kinh tế xã hội và là một trong những mối đe dọa sức khỏe hàng đầu ngày nay.
Trước mối nguy kháng kháng sinh, Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Trần Minh Điển - Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ về tác nhân gây ra các bệnh lý nhiễm trùng hô hấp cấp ở trẻ nhỏ và cách sử dụng kháng sinh hợp lý cho trẻ.
- Các bệnh lý nhiễm trùng hô hấp nào thường gặp ở trẻ, nhất là trong giai đoạn chuyển mùa, thưa bác sĩ?
- Các bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp thường gặp ở trẻ em, nhất là ở trẻ dưới năm tuổi. Tùy theo từng nhóm tuổi, trẻ có những biểu hiện bệnh khác nhau. Ví dụ trẻ dưới một tuổi thường có tình trạng viêm long hô hấp trên, viêm tiểu phế quản, viêm phế quản phổi. Trẻ lớn hơn thường mắc viêm VA, viêm amidan, viêm phế quản, viêm phổi...
Nguyên nhân do virus hoặc vi khuẩn, trong đó căn nguyên vi khuẩn chỉ khoảng 20-25%. Căn nguyên vi khuẩn thường gặp trong cộng đồng như vi khuẩn phế cầu Streptococcus pneumoniae, Hemophilus influenza, Moraxella catarrhalis, Mycoplasma pneumoniae... Tùy theo từng vùng, từng nước mà các vi khuẩn này có những tỷ lệ kháng kháng sinh khác nhau trong cộng đồng.
- Điều trị kháng sinh hiện nay thường gặp những khó khăn gì?
- Điều trị kháng sinh hiện nay gặp nhiều khó khăn hơn khi vi khuẩn dần không còn nhạy cảm với kháng sinh theo thời gian. Để khắc phục khó khăn này, trước khi kê đơn thuốc kháng sinh cần xác định xem trẻ có thực sự bị nhiễm vi khuẩn hay không, nhiễm khuẩn ở bộ phận nào, ví dụ nhiễm khuẩn hô hấp trên (viêm họng, viêm VA, viêm tai giữa) hay nhiễm khuẩn hô hấp dưới (viêm phế quản, viêm phổi, viêm màng phổi). Bác sĩ cũng cần xem xem thêm mức độ nặng nhẹ của nhiễm khuẩn, loại vi khuẩn định hướng theo tuổi, theo ổ nhiễm khuẩn. Từ đó, bác sĩ có thể xây dựng phác đồ điều trị kháng sinh phù hợp cho từng bệnh nhân.
Tốt nhất là bác sĩ kê đơn theo vi khuẩn đã cấy tìm được qua bệnh phẩm, có kháng sinh đồ. Nếu chưa tìm được vi khuẩn hoặc chưa có kháng sinh đồ phải căn cứ vào đặc điểm của dịch tễ vi khuẩn học tại bệnh viện cụ thể, vùng, khuyến cáo quốc gia. Chẳng hạn tại Bệnh viện Nhi Trương ương với những ca nhiễm khuẩn cộng đồng, bệnh viện có hệ dữ liệu về vi sinh trong nhiều năm, từ đó, xác định xem kháng sinh nào còn tác dụng, kháng sinh nào không để đưa khuyến cáo điều trị cho bệnh nhân. Phối hợp với khuyến cáo dữ liệu quốc gia gần đây về vi khuẩn, kháng kháng sinh giúp xây dựng phác đồ điều trị cập nhật với từng nhóm bệnh nhiễm khuẩn cụ thể.
- Những sai lầm nào thường mắc dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh ngày càng tăng?
- Tự mua thuốc kháng sinh hay sử dụng lại đơn thuốc cũ là không đúng. Điều này trước hết ảnh hưởng đến trẻ, iệu đợt mắc này có thực sự bị nhiễm vi khuẩn hay không, sử dụng kháng sinh có ảnh hưởng đến gan, thận do thuốc chuyển hóa và thải trừ tại đây. Do sử dụng không đúng mục tiêu kháng sinh cho vi khuẩn, tình trạng bệnh sẽ khiến bệnh không thuyên giảm.
Cha mẹ bệnh nhi sử dụng kháng sinh không đủ liều bác sĩ kê đơn. Để tránh tình trạng này, phụ huynh phải chú ý tính tuân thủ chặt chẽ khi dùng kháng sinh, đúng liều lượng và thời gian thì thuốc mới có tác dụng. Tóm lại, nếu sử dụng sai lầm kháng sinh có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tính mạng của trẻ và xu hướng cộng đồng sẽ bị ảnh hưởng do tình trạng kháng kháng sinh gây ra.
- Bác sĩ có lưu ý gì cho phụ huynh để xử trí khi con mắc các bệnh lý nhiễm khuẩn hô hấp?
- Đầu tiên, phụ huynh cho con đến thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị phù hợp. Khi con bị ho hoặc sốt, chảy mũi... cha mẹ không nên tự ra hiệu thuốc mua thuốc mà cần có sự hướng dẫn của bác sĩ; chú ý tuân thủ trong sử dụng kháng sinh về liều lượng và thời gian. Lưu lại toa thuốc để bác sĩ theo dõi quá trình điều trị cho trẻ trong những lần sau.
![Cách dùng kháng sinh cho bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp ở trẻ em](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2021/04/08/BAC-SI-MINH-DIEN-8316-1617882512.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=cjLVcDq3nPZ8f1uNY8OHsg)
Khi con gặp phải một số tác dụng phụ của thuốc như tiêu chảy, nổi ban, nổi mẩn, bị nôn,... cha mẹ đưa con đi khám lại để bác sĩ xem xét về việc thay đổi kháng sinh hoặc đánh giá lại kháng sinh đang sử dụng.
- Những biện pháp chung để phòng tránh các bệnh hô hấp, bảo vệ sức khỏe cho trẻ là gì thưa bác sĩ?
- Trẻ em là đối tượng có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, bất cứ tác động nhỏ nào từ môi trường bên ngoài đều có thể ảnh hưởng đến sức đề kháng, nhất là dễ dẫn đến các bệnh lý nhiễm khuẩn.
Với thời tiết khó chịu như hiện nay, trẻ dễ bị các bệnh liên quan đến viêm nhiễm đường hô hấp nên bố mẹ càng cần nâng cao ý thức phòng bệnh hơn chữa bệnh. Không cho trẻ chơi đùa ở những nơi có gió lùa, giữ ấm, nhất là ở tay, chân, cổ, đầu. Tất cả bệnh lý nhiễm trùng, nhiễm virus, nếu đã có vaccine nên đưa con đi tiêm phòng để giảm nguy cơ sử dụng kháng sinh.
![Cách dùng kháng sinh cho bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp ở trẻ em - 2](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2021/04/08/BAC-SI-MINH-DIEN-1-5665-1617882512.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=pSLRi56s1M-EvwSvASvLZg)
Khi trẻ đến nhà trẻ, trường học, bố mẹ lưu ý với cô giáo thường xuyên kiểm tra nhiệt độ trong phòng và điều chỉnh nhiệt độ phù hợp. Vệ sinh sạch sẽ chân tay, thường xuyên rửa bằng xà phòng, đồng thời, cần giảm bớt cho trẻ tiếp xúc nơi đông người và thường xuyên đeo khẩu trang khi di chuyển. Bố mẹ cần lưu ý, chế độ dinh dưỡng, nhất là uống đủ lượng nước trong mỗi ngày, tăng lượng đạm và mỡ trong khẩu phần ăn để đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ.
Ngọc An
Chung tay ngăn chăn tình trạng kháng kháng sinh là chương trình giáo dục bệnh dành cho công chúng được phối hợp thực hiện bởi Hội Hô hấp TP HCM và Văn phòng đại diện GSK Việt Nam. Bạn nên tư vấn bác sĩ để hiểu thêm về các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp trong cộng đồng và được chẩn đoán, điều trị thích hợp.