
Về trang phục cưới, nhà thiết kế, Nghệ sĩ Ưu tú Đức Hùng cho biết đa số cô dâu miền Bắc thời kỳ này diện áo dài truyền thống bằng vải voan trắng, quần lụa satin, cầm hoa lay ơn, găng tay trắng bằng lụa hoặc vải xuyên thấu, đầu đội khăn voan, cài hoa vải ở đỉnh đầu. Trong khi đó, chú rể mặc suit đen dáng thụng. Ở những gia đình giàu có, cô dâu mặc áo dài gấm, quần lụa. Những cô dâu ở các hộ nghèo mặc sơ mi trắng cổ lá sen cùng quần lụa đen vải Nam Định. Ở giai đoạn 1984 trở đi, cô dâu trong gia đình khá giả có thể diện váy cưới trắng xòe chữ A, xếp bèo bồng bềnh bằng vải satin, đội mũ thời kỳ Victoria (Anh) và kèm khăn voan trắng, găng tay trắng. Trong ảnh là đám cưới một gia đình ở Hà Nội năm 1978.

Về trang phục áo tắm, phụ nữ diện áo bơi một mảnh (trái) phổ biến trên thế giới những năm 1960 hoặc áo tắm cúp ngực retro (phải).

Kiểu tóc phổ biến trong giai đoạn này với nữ giới là tóc dài tự nhiên, chải ngôi giữa hoặc lệch. Họ làm duyên bằng cặp ba lá, nơ to ở đỉnh đầu. Nam giới để tóc mái lệch, mái tỉa thưa che trán hoặc chải ngôi giữa đơn giản.

Giai đoạn 1982 - 1985, phụ nữ Bắc có kiểu tóc đa dạng hơn, chủ yếu là xoăn xù, xoăn sóng nhỏ, tóc chải ngôi giữa, tỉa hai lớp - lớp trên ngắn và phồng hơn lớp dưới. Phần mái để dài hoặc cắt ngắn vén cao hay làm phồng để lộ trán.

Các tiệm cắt tóc Sài Gòn khi ấy sôi động, đông đúc hơn. Do chịu ảnh hưởng của văn hóa phương Tây, phụ nữ Sài Gòn ý thức được việc làm đẹp rõ nét hơn, đồng thời cập nhật các mốt tóc nhanh chóng. Trong ảnh là thợ cắt tóc và các khách hàng ở phố Đồng Khởi năm 1983.

Về trang điểm, với quan niệm chuẩn mực về cái đẹp là "môi trái tim, mũi dọc dừa", phụ nữ thường nhấn vào đôi môi, vẽ hình trái tim, đánh phấn đậm dọc hai bên sống mũi để tạo cảm giác mũi cao hơn.
Ảnh: NVCC, Michel Blanchard