Trong đó, người già và trẻ em là nhóm chưa được trang bị các kỹ năng tự bảo vệ trên Internet, dễ gặp các nguy cơ trong môi trường mạng.
Ứng dụng, phần mềm chứa mã độc
Một số ứng dụng trên smartphone được thiết kế dưới dạng trò chơi dành cho trẻ em, nhưng thực chất là ứng dụng ăn cắp thông tin cá nhân. Nếu để trẻ tự do cài đặt ứng dụng, các em có thể vô tình cấp quyền truy cập vào dữ liệu trên điện thoại. Theo Techcrunch, Google đã phải xóa nhiều ứng dụng như vậy trong thời gian qua. Các ứng dụng ăn cắp dữ liệu trên điện thoại và bán cho một bên thứ ba. Trước khi bị xóa, các ứng dụng này đã thu hút hàng chục triệu lượt tải.
Lợi dụng sự tò mò của trẻ em, đối tượng xấu có thể mời truy cập vào những website độc hại dưới mác tặng quà, chơi trò chơi miễn phí... Chỉ cần bấm vào đường link, các phần mềm chứa mã độc có thể được cài lên máy, từ đó đánh cắp dữ liệu, nghe lén hoặc phá hoại máy tính của cha mẹ.
Tin giả, website mạo danh
Nhóm người già và trẻ em khá dễ dàng tin vào thông tin trên Internet. Lợi dụng điều này, kẻ xấu có thể tấn công các thông tin giả hoặc mang tính dọa dẫm.
Chẳng hạn đối tượng xấu sẽ thông báo máy tính bị hỏng và đề nghị tải phần mềm sửa chữa, nhưng thực chất là phần mềm chứa mã độc; mạo danh cơ quan thực thi pháp luật, gọi điện cho nạn nhân, thông báo họ đang liên quan đến những vụ việc nghiêm trọng. Để giải quyết, người đó cần tải phần mềm do kẻ xấu chỉ định, nhập thông tin tài khoản ngân hàng... Nếu cả tin và lo sợ rồi làm theo, người dùng có thể vô tình cài phần mềm độc hại lên điện thoại, máy tính hoặc cung cấp dữ liệu cho kẻ xấu.
![phụ huynh nên giáo dục trẻ em lẫn người già về ý thức bảo vệ thông tin cá nhân trên Internet](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2021/08/06/child-5976952-1920-3153-1628268722.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=IDd0Of-QtIKzaGEVQ2VEKw)
Trẻ em lẫn người già cần được hướng dẫn cách bảo vệ thông tin cá nhân trên Internet. Ảnh: Pixabay.
Tiếp xúc với bạn xấu trên mạng xã hội
Nhiều người già, trẻ em ngày nay được tiếp xúc với mạng xã hội cũng như các phần mềm nhắn tin. Lợi ích của việc này là giúp mọi người tăng tính kết nối. Nhưng ngược lại, đây cũng là môi trường để tiếp cận nạn nhân, thực hiện hành vi xấu.
Với công nghệ giả danh deepfake ngày càng phát triển, kẻ xấu còn có thể giả làm người thân, bạn bè, sau đó kết bạn và nói chuyện hàng ngày. Khi đã có sự tin tưởng, chúng có thể khai thác thông tin từ nạn nhân, chẳng hạn đề nghị mở camera để quan sát xung quanh, hỏi thông tin gia đình, địa chỉ nhà hay dụ dỗ cài phần mềm độc hại, tiết lộ các thông tin cá nhân khác.
Đăng thông tin nhạy cảm lên mạng xã hội
Một số người dùng sử dụng mạng xã hội nhưng chưa biết cách bảo vệ thông tin khi đưa lên các nền tảng này. Dẫn đến việc trẻ em có thể đăng nhiều thông tin tưởng như vô hại như các chuyến bay đi chơi của gia đình kèm theo thời gian di chuyển, mã vé... Lúc này kẻ xấu có thể nắm được lịch trình, hoặc thậm chí tìm ra các thông tin của bố mẹ.
Khai thác trang mạng xã hội của trẻ, tin tặc còn có thể nắm bắt tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại hay sở thích, mối quan tâm của các em. Chẳng hạn nếu biết các em thích một món đồ chơi nào đó, kẻ xấu có thể mạo danh công ty đồ chơi gửi quà tặng qua một đường link. Nếu bấm vào, máy tính của cha mẹ có thể sẽ dính mã độc và bị khai thác thông tin hoặc tống tiền.
![Người lớn tuổi cần được hướng dẫn cách chọn lọc thông tin trên Internet. Ảnh: Freepik.](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2021/08/07/z2667586799531-063a95c3e385130-9857-5003-1628317034.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=zbAZGSZM756EE6sUf-rCew)
Người lớn tuổi cần được hướng dẫn cách chọn lọc thông tin trên Internet. Ảnh: Freepik.
Để giảm thiểu nguy cơ trên, phụ huynh nên giáo dục trẻ em lẫn người già về ý thức bảo vệ thông tin cá nhân trên Internet, các hành vi lừa đảo mạng. Các gia đình cũng có thể áp dụng các biện pháp ngăn chặn về mặt kỹ thuật chẳng hạn cài đặt lớp bảo vệ từ modem truy cập mạng, tạo tài khoản riêng cho người già, trẻ em khi dùng chung máy tính...
Minh Huy