Theo Cục Du lịch quốc gia, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tháng một đạt gần 2,1 triệu lượt, tăng gần 37% so với cùng kỳ năm ngoái và cao nhất tính từ khi Cục bắt đầu công bố số liệu vào năm 2008. Lượng khách đến trong tháng đầu năm nay vượt qua thời điểm hoàng kim của du lịch Việt, tháng 1/2019 và 1/2020.
Số khách đến trong tháng 1 bằng 50% lượng khách quốc tế đến Việt Nam cả năm 2008 và bằng 20% lượng khách năm 2016 - thời điểm bắt đầu bùng nổ khách quốc tế.
Một trong những lý do giúp ngành du lịch đón lượng khách "khủng" là sự quay trở lại của khách Trung Quốc đại lục, với hơn 575.000 lượt, cao nhất trong các thị trường gửi khách đến Việt Nam, theo Cục Du lịch.
Viện trưởng Phát triển Du lịch châu Á Phạm Hải Quỳnh nhận xét tháng 1 trùng thời điểm Tết Nguyên đán, thu hút nhiều khách quốc tế ghé thăm, trải nghiệm truyền thống của người Việt. Trong 9 ngày nghỉ lễ, cả nước đón và phục vụ 12,5 triệu lượt khách nội và quốc tế.
Lượng khách đi du lịch trên thế giới tăng cũng như nhiều hãng mở thêm các đường bay mới cũng là lý do giúp du lịch Việt "làm ăn phát đạt" trong tháng đầu tiên của năm mới.
![Du khách Ba Lan tại TP HCM dịp Tết Ất Tỵ. Ảnh: Quỳnh Trần](https://vcdn1-dulich.vnecdn.net/2025/02/11/233A8291-1737993049-1739257239-2401-1739257298.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=C4dxr3PMk5DgZwmySfRHIA)
Du khách Ba Lan tại TP HCM dịp Tết Ất Tỵ. Ảnh: Quỳnh Trần
CEO AZA Travel Nguyễn Tiến Đạt nhận định tháng một là thời điểm ngành du lịch Việt tận hưởng thành quả của chính sách nới lỏng thị thực visa có hiệu lực từ tháng 8/2023. "Các chính sách visa thường không có hiệu quả ngay, mà có độ trễ nhất định", ông Đạt nói.
Từ 15/8/2023, Việt Nam nâng thời hạn tạm trú từ 15 lên 45 ngày với công dân 13 nước miễn thị thực đơn phương gồm Đức, Pháp, Italy, Tây Ban Nha, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ailen, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan và Belarus. Việt Nam cũng áp dụng cấp thị thực điện tử (e-visa) cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ tại 13 sân bay, 13 cửa khẩu đường biển và 16 cửa khẩu đường bộ; thời gian tạm trú được nâng từ 30 ngày lên 90 ngày và thị thực có giá trị nhập cảnh nhiều lần.
Trước đây, quảng bá - xúc tiến vốn là một trong những điểm yếu của ngành du lịch Việt. Nhưng theo đánh giá của ông Đạt, hiện nay ngành đã làm tốt hơn vấn đề này. Các hoạt động quảng bá đã đa dạng hơn, sâu sát với thị trường khách trọng điểm hơn. "Năm 2024 Việt Nam nhận được nhiều giải thưởng quốc tế, phần nào giúp du khách biết đến nhiều hơn", ông Đạt nói thêm.
Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Phạm Hà, CEO Lux Group, đơn vị chuyên cung cấp các trải nghiệm sang trọng tại Việt Nam, lượng khách đến tháng một dù cao kỷ lục "cũng là điều bình thường" vì đang trong mùa cao điểm khách inbound. "Tháng 3-4 năm nay, lượng khách có thể bằng hoặc cao hơn tháng 1", ông Hà nói.
Phó Tổng giám đốc công ty du lịch Vietravel Huỳnh Phan Phương Hoàng cho biết tháng một công ty đón gần 2.000 lượt khách quốc tế, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, đây chưa phải thời điểm công ty đón lượng khách cao nhất.
Tháng đầu năm, lượng khách quốc tế đến đông nhưng phần lớn là khách Việt kiều về ăn Tết, thăm thân nên giá vé máy bay ở một số điểm đến Âu - Mỹ cao. Nhiều khách sẽ né thời điểm tháng 1 và đặt lịch đến Việt Nam vào tháng 3-4, khi lượng khách Việt kiều không còn đông như trước.
Trong tháng đầu năm, Chính phủ ban hành nghị quyết miễn thị thực cho công dân Ba Lan, CH Czech, Thụy Sỹ đi du lịch theo tour từ ngày 1/3 đến hết năm 2025. Cũng từ ngày 30/1, hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu phổ thông giữa Việt Nam và Belarus chính thức có hiệu lực. Chính sách cởi mở về thị thực được kỳ vọng sẽ tiếp tục là động lực quan trọng thu hút khách quốc tế đến Việt Nam và là một trong những lý do được nhiều người kỳ vọng lượng khách đông trong thời gian sắp tới.
![Khách quốc tế tại một nhà hàng chuyên ẩm thực địa phương và phục vụ món ăn hoàng gia tại Huế. Ảnh: Vị Huế](https://vcdn1-dulich.vnecdn.net/2025/02/11/5-1739253858-2719-1739253966.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=tzClUOFmmHQH75WU9y2EXQ)
Khách quốc tế tại một nhà hàng chuyên ẩm thực địa phương và phục vụ món ăn hoàng gia tại Huế. Ảnh: Vị Huế
Ông Hà cũng chỉ ra vấn đề cần quan tâm hơn hiện nay không phải là số lượng khách, mà là làm sao du lịch Việt không còn mang tính thời vụ và có thể cân bằng được lượng khách đến từ các quốc gia. Trong gần 2,1 triệu lượt khách của tháng một, lượng khách Đông Bắc Á chiếm hơn 50%. Nếu tính tổng lượng khách đến từ châu Á, con số này là 70%, dẫn đến mất cân bằng điểm đến. Trong khi đó, khách ở lâu, tiêu nhiều mới là "đích" du lịch Việt cần hướng tới.
"Cần thu hút khách quốc tế đến Việt Nam mọi tháng trong năm, để tháng nào cũng cao như tháng một, thay vì mang tính mùa vụ như hiện nay", ông Hà nói.
Phương Anh