Quốc hội tiếp tục hoạt động chất vấn trong sáng nay, thứ tư 31/10, với các câu hỏi nóng được nêu lên trong nhiều lĩnh vực như văn hoá, giáo dục, kinh tế, điều tra tội phạm...
Trả lời chất vấn của đại biểu Cầm Thị Mẫn về khắc phục hạn chế trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, Bộ trưởng Văn hoá Nguyễn Ngọc Thiện cho hay, ngân sách đầu tư vào lĩnh vực này đang hạn chế trong khi nguồn thu mang lại rất lớn.
Ông Thiện liệt kê, cả nước có trên 40.000 di tích, trong đó 10.000 di tích xếp hạng cấp tỉnh, thành phố; 3.500 di tích xếp hạng quốc gia; 95 di tích quốc gia đặc biệt, 26 di sản được quốc tế công nhận...

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện giải trình trước Quốc hội sáng 31/10. Ảnh: Ngọc Thắng
Thời gian qua đã có khoảng 16 triệu du khách (7 triệu quốc tế, 9 triệu trong nước) đến với các di tích, tạo nguồn thu hơn 2.500 tỷ đồng. Một số di tích, di sản có nguồn thu rất lớn. Ví dụ riêng tiền bán vé ở Vịnh Hạ Long đã thu 1.100 tỷ đồng trong năm 2017, trong khi đó ngân sách đầu tư chỉ 50 tỷ đồng; di tích cố đô Huế thu 320 tỷ đồng, ngân sách đầu tư 47 tỷ đồng; phố cổ Hội An thu 247 tỷ đồng, ngân sách đầu tư 17 tỷ đồng...; chưa kể nguồn thu từ lưu trú, mua sắm, ăn uống gấp nhiều lần tiền bán vé.
"Nếu quan tâm đầu tư cho di tích, di sản như với công trình dự án thì thu hồi rất nhanh, không bị thua lỗ mà bảo tồn được công tình văn hoá. Không có dự án nào có lãi như thế, nhà nước chỉ đầu tư 50 tỷ đồng mỗi năm mà thu hơn 1.000 tỷ", Bộ trưởng Thiện nói.
Video: Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện phát biểu trước Quốc hội.
"Phía sau mỗi lá đơn là số phận của một con người"
Phiên chất vấn sáng nay ghi nhận nhiều trao đổi giữa đại biểu với các trưởng ngành phụ trách lĩnh vực tư pháp.
Đại biểu Phạm Trí Thức tranh luận với Chánh án Toà án nhân dân tối cao. Ông Thức nêu lại thông tin Chánh án Nguyễn Hoà Bình cho rằng trong 2.000 đơn yêu cầu giám đốc thẩm, tái thẩm thì cơ quan chức năng đã giải quyết được 1.000 đơn (chiếm một nửa), trong đó số giám đốc thẩm là 400-500 vụ, tỷ lệ này là rất cao nếu so với thế giới.
Theo ông Thức, giải trình nêu trên của Chánh án Toà tối cao chưa thoả đáng vì “xét xử của Việt Nam khác với các nước".
"Điều quan trọng khi mắc sai lầm là biết sửa chữa, nhưng sai lầm trong xét xử rất khó sửa chữa một cách tuyệt đối", ông Thức nói và dẫn chứng vụ án ông Vũ Bá Phê ở Phú Yên tranh chấp một con bê nhưng toà xử sai, sau đó ông Phê đã tự tử. Vào thời điểm những năm 90 của thế kỷ trước, các cơ quan tư pháp đã tốn kém hàng tỷ đồng để khắc phục nhưng không thể cứu được mạng sống của ông Phê.
"Phía sau mỗi lá đơn là số phận của một con người, một gia đình, dòng họ chứ không phải đơn giản giải quyết được một nửa là tốt lắm rồi", đại biểu Trí Thức nhắn nhủ đến Chánh án Toà tối cao.
Đại biểu tranh luận với nhau trên nghị trường
Không chỉ dừng lại ở việc chất vấn các Bộ trưởng, Trưởng ngành, một số đại biểu còn dành thời gian để tranh luận với nhau trên nghị trường.
Đại biểu Nguyễn Quang Dũng nhận định những năm gần đây việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung của cơ quan tố tụng có chiều hướng giảm; năm 2018 giảm 0,9% và hiện còn 2,6%. Nếu trong năm 2019 giảm 1% thì hết nhiệm kỳ sẽ tiệm cận mức 0%.
Theo ông Dũng, các cơ quan tố tụng đã tiến hành trả hồ sơ để điều tra bổ sung "theo đúng theo quy định của pháp luật".
Đại biểu Nguyễn Bá Sơn đăng đàn không chỉ nêu câu hỏi chất vấn với Chánh án TANDTC hay Viện trưởng VKSNDTC mà để trao đổi với ông Nguyễn Quang Dũng.
Bày tỏ vui mừng trước nỗ lực của các cơ quan tư pháp về tỷ lệ hồ sơ trả lại đã giảm mạnh theo thông tin ông Dũng cung cấp, tuy nhiên ông Sơn nêu 3 câu hỏi cần làm rõ. Đó là có bao nhiêu hồ sơ trả lại ít nhất 2-3 lần; bao nhiêu hồ sơ sau điều tra bổ sung thì kết luận không có gì mới; và có hay không việc các cơ quan tiến hành tố tụng sử dụng quy định của pháp luật về quyền trả hồ sơ để kéo dài thời gian vụ án hoặc bù vào thời gian quá hạn điều tra vụ án.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nêu ý kiến trên nghị trường sáng 31/10. Ảnh: Ngọc Thắng
Trong diễn biến khác, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng khi trao đổi với Bộ trưởng Công an đã cho biết rất ủng hộ "cuộc cách mạng" về sắp xếp lại Tổng cục, Cục trong ngành công an vừa qua. Tuy nhiên, qua báo cáo ông Nhưỡng thấy "vi phạm của cơ quan điều tra rất khủng khiếp, cụ thể: Không thụ lý tin tố giác 94%, chậm gửi quyết định cho viện kiểm sát 86%, vi phạm trong tống đạt là 100%".
"Đây là vấn đề hết sức nghiêm trọng. Vậy, tôi đề nghị Bộ trưởng Công an phải có thái độ hết sức nghiêm khắc đối với cán bộ cơ quan điều tra trong việc này", ông Nhưỡng nói.
Đại biểu Vương Ngọc Hà không đồng tình khi ông Nhưỡng cho rằng "sai phạm trong điều tra hiện nay rất khủng khiếp", vì điều này tác động tâm lý rất lớn với cán bộ điều tra. Bà Hà đề nghị ông Nhưỡng cung cấp nguồn số liệu mà đại biểu đã nói vì theo báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm thì vừa qua cơ quan chức năng đã đấu tranh làm giảm 2,7% án hình sự, tỷ lệ điều tra khám phá đạt 81,33% (vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra).
"Những nội dung đại biểu đưa ra là để các Bộ, ngành tiếp tục cải cách sao cho công tác điều tra tội phạm tốt hơn, đồng thời còn phải động viên các chiến sĩ vì đây là nhiệm vụ đặc biệt, đôi khi phải đổ máu", bà Hà nói.
“Hiện tượng ngáo đá gây lo ngại trong xã hội”
Đại biểu Hoàng Văn Liêm chất vấn Bộ trưởng Công an "về giải pháp căn cơ chống tội phạm ma tuý".
Theo Thượng tướng Tô Lâm, tình hình về tội phạm ma tuý là "đáng lo ngại"; số người nghiện tiếp tục tăng với 224.690 người nghiện có hồ sơ kiểm soát, con số trong thực tế lớn hơn nhiều song việc lập hồ sơ đưa người nghiện đi cai gặp khó khăn, chỉ có khoảng 10% người nghiện được đưa vào các trại cai nghiện tập trung.
Số người nghiện gia tăng tạo ra nhu cầu sử dụng ma tuý lớn, kích thích các đối tượng buôn ma tuý từ nước ngoài vào Việt Nam, đây cũng là nguyên nhân phát sinh tội phạm trộm cướp, gần đây là hiện tượng ngáo đá gây lo ngại trong xã hội.

Bộ trưởng Công an Tô Lâm trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: Ngọc Thắng
Ngoài ra, việc ngăn chặn các đường dây ma tuý chưa đạt yêu cầu, nhiều đường dây mua bán vận chuyển ma tuý xuyên quốc gia hoạt động mạnh; ngày càng nhiều loại ma tuý mới khó kiểm soát. Năm 2018, cơ quan chức năng đã khởi tố 19.059 vụ, tăng 26,33% so với năm 2017 và khởi tố 23.160 bị can.
"Cuộc đấu tranh với tội phạm ma tuý đang diễn ra quyết liệt", Bộ trưởng Công an nói.
Giải pháp trọng tâm được Thượng tướng Tô Lâm đưa ra là hoàn thiện chính sách pháp luật; quản lý chặt người nghiện tại khu dân cư, đưa người nghiện đi cai nghiện tập trung và triệt phá đường dây, tụ điểm phức tạp về buôn bán ma tuý...
Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn từ 14h chiều nay.
Xem thêm: Bộ Giáo dục bỏ quy định 'đuổi học sinh, sinh viên bán dâm 4 lần' trong dự thảo thông tư
Xem diễn biến chính