Bộ trường Tài chính Đinh Tiến Dũng tham gia chương trình "Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời" tối 25/5, vài ngày sau quyết định áp trần giá sữa đối với các doanh nghiệp chiếm thị phần lớn về các sản phẩm dành cho trẻ dưới 6 tuổi.
- Doanh nghiệp sữa đã sai phạm như thế nào trong tính toán và áp giá sữa bán lẻ?
- Vừa rồi Bộ Tài chính có tiến hành thanh tra giá sữa trong năm 2013 và 3 tháng đầu năm 2014 và thấy 5 công ty đều tăng giá bán, không có điều chỉnh giảm. Do đó, sau thanh tra chúng tôi đã tiến hành xử phạt hành chính với một công ty kê khai thiếu mặt hàng tăng giá, truy thu 4 trong số 5 công ty số thuế kê khai thiếu phải nộp với số tiền 10,2 tỷ đồng. Đồng thời, Bộ cũng yêu cầu doanh nghiệp rà soát tiết giảm chi phí để đảm bảo giá bán hạ xuống, đặc biệt là các khoản bất hợp lý về quảng cáo, khuyến mại và tiếp thị với số tiền trên 386 tỷ đồng.

Bộ trưởng Tài chính cho rằng trước đây giá sữa có nhiều chi phí bất hợp lý. Ảnh: Chinhphu.vn
- Áp giá trần là biện pháp quản lý hành chính chỉ nên áp dụng trong những trường hợp rất đặc biệt. Vậy tại sao bộ lại áp dụng biện pháp này với sữa?
- Luật Giá đã quy định sản phẩm sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi là sản phẩm bình ổn giá, và Chính phủ có quyền quy định áp dụng biện pháp bình ổn. Sau khi kết quả thanh tra được công bố thì Chính phủ đã thống nhất chủ trương áp giá trần.
Thanh tra trong 2013 và 3 tháng đầu năm thì chúng tôi đã phát hiện những yếu tố bất hợp lý về giá cả, chi phí sản phẩm. Việc kinh doanh, quản lý giá sữa đồng ý là theo cơ chế thị trường nhưng phải có sự quản lý của Nhà nước. Trong vấn đề này phải đảm bảo cân bằng lợi ích của doanh nghiệp, Nhà nước và người tiêu dùng. Đặc biệt hơn, người tiêu dùng ở đây là trẻ em dưới 6 tuổi - nhóm đối tượng rất nhạy cảm với khoảng 10 triệu cháu.
Một lý do nữa là việc chúng ta áp giá trần không hề vi phạm cam kết quốc tế như WTO. Chúng ta cũng vẫn đảm bảo việc cạnh tranh giữa doanh nghiệp nội và ngoại. Đây là những căn cứ quan trọng chúng tôi áp dụng biện pháp giá trần.
- Tại sao bộ lại chọn 25 mặt sản phẩm sữa để áp giá trần trong khi trên thị trường lại có hàng trăm mặt hàng?
- Khi thanh tra, chúng tôi đã tiến hành với 5 doanh nghiệp, chiếm 90% thị phần. Và 25 sản phẩm công bố giá trần là chiếm trên 60% thị phần sữa dành cho trẻ dưới 6 tuổi. Vì đây mới là bước đầu nên chúng tôi sẽ từng bước công bố các văn bản khác nữa.
Trong quy định mới ban hành cũng đã nêu rõ, các sản phẩm còn lại phải căn cứ bảng giá trần, phương pháp hướng dẫn giá để doanh nghiệp đăng ký với cơ quan quản lý. Và chúng tôi sẽ tiếp tục công nhận mức giá trần của những sản phẩm tiếp theo dựa trên cơ sở những tính toán hợp lý.
- Sữa là mặt hàng rất đặc thù và việc định giá thì không hề đơn giản, chỉ cần thay đổi một chút mẫu mã, hàm lượng chất đạm chất béo là giá có thể thay đổi. Vậy Bộ làm thế nào để mức giá trần đưa ra được thị trường công nhận là hợp lý?
- Theo quyết định về công bố giá trần, khi doanh nghiệp có thay đổi về mẫu mã, hàm lượng và tên gọi cho sản phẩm phải đăng ký và cơ quan quản lý có quyền kiểm tra chi phí theo 2 phương pháp là chi phí và so sánh. Cùng với đó, chúng tôi sẽ cùng các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra chất lượng sữa để đảm bảo 2 phương pháp đó phù hợp để ra giá trần hợp lý.
Giá trần mới công bố là áp dụng chung cho cả nước nên chúng tôi đã tính những bài toán cụ thể là cùng một loại sữa thì bán ở thành phố giá này nhưng ở miền núi giá khác. Để kiểm tra, rà soát việc áp giá trần thì trong quy định cũng yêu cầu uy ban nhân dân các cấp, cơ quan chức năng địa phương phải vào cuộc phối hợp giám sát. Nếu có trường hợp giá bán cao hơn giá trần thì lập tức thanh kiểm tra.
Ngọc Tuyên