Quyết định này vào năm 1994, đã đưa diễn biến các cuộc giám sát tối cao bằng hỏi - đáp từ trong phòng họp ra ngoài xã hội.
Bắt đầu từ đó, các bộ trưởng đều ý thức rõ khi đăng đàn, họ không chỉ phát biểu với gần 500 đại biểu Quốc hội, mà có thể là trước hàng triệu người thông qua truyền thông. Lời ăn tiếng nói của họ lúc đó là không thể biên tập.
Nhiều năm tường thuật các phiên chất vấn, tôi ghi chép dày đặc trong sổ tay của mình nội dung trả lời cũng như phong cách của các bộ trưởng. Và rất nhiều trong số đó, là những lời nhận trách nhiệm.
Tôi nhớ sự thẳng thắn của Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển. Tháng 12/2004, khi giải đáp câu hỏi của đại biểu về bê bối quota dệt may, ông Tuyển không ngần ngại nhận trách nhiệm cá nhân và cho biết ông đã gửi báo cáo kiểm điểm đến Bộ Chính trị.
Nhưng tôi cũng nhớ màn “nhận trách nhiệm” của Bộ trưởng Văn hoá Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh. Nó nhiều lần khiến hội trường vang lên những tiếng cười. Đặc biệt, khi ông Tuấn Anh “xin nhận trách nhiệm trước Quốc hội về những gì chưa làm được, trách nhiệm của tôi là truyền đạt lại cho bộ trưởng kế tiếp”, nhiều người không chỉ cười mà còn ngỡ ngàng.
Nếu Quốc hội thống kê về những lần xin nhận trách nhiệm của các vị bộ trưởng trong nhiều nhiệm kỳ qua, danh sách hẳn sẽ rất dài. Nhưng sẽ không có nhiều buổi chất vấn mà tất cả bộ trưởng cùng nhận trách nhiệm, như hôm qua.
Lần đầu tiên đăng đàn ngày 13/6, Bộ trưởng Nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường và Bộ trưởng Văn hoá Nguyễn Ngọc Thiện sau khi nhập cuộc đều nhận trách nhiệm ngay về những tồn tại thuộc lĩnh vực quản lý của mình.
Bộ trưởng Thiện, trong ít phút phát biểu trước khi nhận các câu chất vấn, đã chủ động đề cập một số sự việc ồn ào liên quan đến Cục Nghệ thuật biểu diễn và Tổng cục Du lịch. “Đây là bài học sâu sắc đối với công tác quản lý nhà nước của ngành, là Bộ trưởng tôi xin nhận trách nhiệm”, ông nói.
Ngồi trên ghế nóng trả lời chất vấn, Bộ trưởng Văn hoá chia sẻ về một sức nóng khác, là dư luận xã hội. Vì vậy khi trả lời những vấn đề mà báo chí “nói mạnh” thời gian qua, như câu chuyện xung quanh khu du lịch Sơn Trà, ông đã xin Quốc hội cho thời gian để “giải trình thật rõ”. Điều này có thể hiểu, vì thông điệp mà Bộ trưởng đưa ra không chỉ với các đại biểu mà còn với đông đảo người dân có điều kiện xem truyền hình trực tiếp, hoặc đọc báo sau đó.
Nói cách khác, theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, đây là vấn đề không chỉ các đại biểu Quốc hội quan tâm, “tôi theo dõi trên mạng, đi gặp taxi, xe ôm, hàng nước cũng hỏi về Sơn Trà”.
Không gian xã hội với các kênh phản ánh suy nghĩ của người dân ngày càng đa dạng hơn, hiện đại hơn, và mối quan tâm của họ cũng phong phú hơn chuyện mưu sinh đời thường. Điều này đang tỏa sức nóng đến các chính khách.
Những vấn đề mà các bộ trưởng hôm nay phải “nhận trách nhiệm”, từ nông sản cho đến cấp phép bài hát, đều là những cơn sóng trong dư luận thời gian vừa qua.
Trách nhiệm của các bộ trưởng trước hết là trách nhiệm chính trị, và chế tài của nó là mức độ tín nhiệm của Quốc hội hoặc của cử tri. Nhưng sẽ là bất hợp lý nếu danh sách nhận trách nhiệm cứ dài ra thêm mãi mà không có một sự thay đổi nào rõ rệt trong chế tài xử lý.
Với các hạ tầng truyền thông mới, có thể, trong thời gian tới, cái danh sách ấy sẽ dài thêm và dài nhanh hơn. Công chúng có cơ hội nghe thêm nhiều lời nhận trách nhiệm từ các vị tư lệnh ngành. Không có gì ngạc nhiên khi ngay trong sáng nay, ngày 14/6, lại có thêm một bộ trưởng nữa đứng ra "nhận trách nhiệm". Đó là Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, khi bà nhận lỗi về tình trạng "mua thuốc dễ như mua rau".
Có thể nhiều người sẽ hài lòng chỉ với việc nghe thêm nhiều lời “nhận trách nhiệm”. Cũng có thể, nhiều người khác sẽ tự hỏi: “Rồi sao?”.
Võ Thành