Tại cuộc tọa đàm lấy ý kiến góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp sáng 23/1, ông Phúc cho biết, dự thảo nhấn mạnh các hình thức nhân dân thực hiện quyền lực của mình, thông qua dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện, không chỉ qua cơ quan dân cử mà các cơ quan nhà nước khác. Một vấn đề rất mới, quan trọng của dự thảo là phát huy nhân tố con người, đặc biệt là nhấn mạnh quyền con người, quyền công dân.
Ông Hoàng Thế Liên, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, góp ý dự thảo ngoài khẳng định nguyên tắc tất cả quyền lực thuộc về nhà nước thì cần nêu rõ Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của dân, do dân, vì dân. "Dự thảo hiến pháp đã bổ sung nhiều yếu tố về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Hiến pháp ghi nhận 16 quyền con người, kể cả người nước ngoài và người không có quốc tịch", Thứ trưởng cho hay.
Chủ tịch Hội luật gia Phạm Quốc Anh cho rằng quyền con người trong dự thảo lần này đã nói rõ hơn quyền sống, bảo hộ tính mạng, sức khỏe, quyền được hiến mô, tạng, hiến xác. Đây là điểm mới và cũng phù hợp với thông lệ quốc tế. "Về quyền công dân, ngoài quyền tự do cư trú, đi lại, tự do tín ngưỡng còn có quyền lập hội, quyền biểu tình… đây là những vấn đề mới, bước đầu đã được chúng ta triển khai và khi sửa đổi Hiến pháp sẽ có cơ sở triển khai mạnh mẽ hơn", ông Anh bày tỏ.
Các ông Hoàng Thế Liên, Phạm Quốc Anh, Nguyễn Văn Phúc (từ trái qua) trong buổi tọa đàm. Ảnh: A.Thư |
Trả lời nghi vấn của một giảng viên Học viện Chính trị Quốc gia HCM khi cho rằng sẽ không có một bản hiến pháp dân chủ nếu hoạt động xây dựng hiếp pháp không được tiến hành thực sự dân chủ với các phương thức dân chủ, ông Hoàng Thế Liên cho biết để phát huy dân chủ, theo lịch sử lập hiến, có 3 hình thức. Một là sau khi chuẩn bị xong đưa ra để toàn dân quyết định, gọi là trưng cầu ý dân, không phải nhiều nước làm được vì đòi hỏi nhiều điều kiện.
Thứ hai, cách này được ghi nhận trong Hiến pháp 1946, sau khi Quốc hội thông qua, Hiến pháp chỉ có giá trị khi toàn dân phúc quyết. Quy định này trong Hiến pháp 1946 không thực hiện được do điều kiện chiến tranh. Thứ ba là tạo điều kiện cho nhân dân tham gia ý kiến trong quá trình xây dựng Hiến pháp. Trong 3 cách đó, các nhà lập pháp sẽ chọn cách nào phù hợp.
"Tôi cho rằng cách thứ 3 là phù hợp với điều kiện hiện nay", ông Liên bày tỏ quan điểm. Ông cho biết, nghị quyết 38 của Quốc hội quy định không những lấy ý kiến nhân dân trong 3 tháng mà còn làm rõ trách nhiệm của các tổ chức nhà nước, chính trị xã hội và báo chí cung cấp đầy đủ thông tin cho nhân dân, lắng nghe, tiếp thu tổng hợp đầy đủ ý kiến nhân dân. Sau đó sẽ tổng hợp, phân tích từng ý kiến, nếu không tiếp thu sẽ giải trình.
"Tôi rất mong đợi và hy vọng Hiến pháp sửa đổi lần này sẽ được nhân dân tham gia đông đảo, đầy đủ, nhất là những thiết chế mới như: quyền công dân, quyền con người... Tất cả những điều đó làm bản Hiến pháp mới sinh động, phản ánh được yêu cầu cuộc sống", ông Phạm Quốc Anh nói.
Anh Thư