Covid-19 đang tác động lớn đến tình hình kinh tế - xã hội của Bình Dương. Theo thống kê của tỉnh, trong tháng 8, các chỉ tiêu phát triển kinh tế vẫn tăng trưởng nhưng tốc độ sụt giảm so với những tháng trước. Trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 8 ước tính giảm 10,9% so với tháng trước và giảm 12,6% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng nặng bởi dịch. Hiện, Bình Dương có 1.319 doanh nghiệp đang thực hiện "3 tại chỗ", "một cung đường, 2 địa điểm" với 146.682 lao động. Sau khi công nhân được tiêm vắc xin, tỉnh có thêm 141 doanh nghiệp đăng ký thực hiện mô hình sản xuất mới với 21.678 lao động, đạt 37% so với mức lao động ngày thường.
Ông Bùi Minh Trí, Trưởng ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh cho biết, chủ trương của tỉnh là duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh ở những nơi đủ điều kiện theo nguyên tắc "An toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn". Ban quản lý phối hợp cùng với chủ đầu tư 27 khu công nghiệp đang hoạt động tổ chức tiêm vắc xin cho công nhân đang tham gia sản xuất. Đến ngày 15/8, số lượng công nhân được tiêm vắc xin đạt 93%.

Sản xuất tại Công ty Cổ phần Tôn Đông Á. Ảnh: Ngọc Thanh/ Báo Bình Dương
Trong bối cảnh đó, nhiệm vụ lớn nhất lãnh đạo tỉnh Bình Dương đặt ra là chống dịch hiệu quả, đồng thời giữ vững và phục hồi sản xuất kinh doanh, không để đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng. Để thực hiện điều đó, Bình Dương đang khoanh vùng nguy cơ cao để kiểm soát dịch bệnh, đồng thời thu hẹp "vùng đỏ", mở rộng "vùng xanh" với kỳ vọng đến ngày 15/9 trở lại trạng thái bình thường mới. Tỉnh cũng xây dựng kế hoạch cho phép doanh nghiệp ở "vùng xanh" hoạt động trở lại, bố trí nơi ở cho công nhân bảo đảm an toàn trong quá trình sản xuất.
Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19 đang được triển khai kịp thời, đúng đối tượng và thời gian, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
"Tỉnh cũng đang kiến nghị Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp dài hạn về giảm, giãn, gia hạn thuế; giảm lãi suất, các chi phí sản xuất, kinh doanh; ưu tiên phân bổ vắc xin cho tỉnh để tiêm cho người dân và người lao động, chuyên gia nhằm tiếp tục duy trì, phục hồi sản xuất, kinh doanh và tăng trưởng kinh tế", ông Minh cho hay.
Theo đó, tỉnh sẽ thực hiện mô hình 3 xanh "nhà máy, nhà trọ và công nhân" tại khu vực "vùng xanh". Chủ đầu tư, doanh nghiệp phải quản lý, kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện ra vào, nơi nào không đáp ứng, không bảo đảm an toàn buộc ngừng hoạt động. Thông tin liên quan đến người lao động cũng cần quản lý chặt chẽ; bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, an ninh trật tự, an toàn trong sản xuất.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp chỉ được tổ chức sản xuất kinh doanh khi đã xét nghiệm sàng lọc cho toàn bộ công nhân, người lao động và đáp ứng các điều kiện. Trước khi cho vào nhà máy sản xuất phải khử khuẩn, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc 2 lần. Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp sẽ tổ chức xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 bằng test kháng nguyên nhanh hoặc xét nghiệm bằng phương pháp RT- PCR mẫu gộp, thực hiện 5 ngày một lần. Những người tiếp nhận, vận chuyển hàng hóa, thực phẩm, di chuyển ra, vào doanh nghiệp... cũng được xét nghiệm hàng ngày.
Để tránh lây nhiễm chéo từ cộng đồng vào trong doanh nghiệp và ngược lại, các địa phương cũng chủ động phối hợp doanh nghiệp liên hệ, vận động các chủ nhà trọ và người thuê trọ sắp xếp phòng để những người làm chung một doanh nghiệp không ở chung một phòng, một dãy. Với những biện pháp hữu hiệu, Bình Dương kỳ vọng có thể vừa chống dịch, vừa đảm bảo sản xuất, kinh doanh.
Tâm Anh