Kế hoạch hành động về bình đẳng giới - dân tộc của Dự án SME Trà Vinh đặt mục tiêu, nâng cao năng lực về giới của các đối tác hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như các cán bộ dự án. Mặt khác là cải thiện khả năng tiếp cận các nguồn lực phát triển của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp do nữ và người dân tộc.
Qua đây, Dự án SME Trà Vinh cũng muốn mở rộng mạng lưới kết nối doanh nghiệp do nữ làm chủ; tăng cường sự tham gia và tiếng nói của chủ doanh nghiệp là nữ và người dân tộc trong quá trình xây dựng và thực hiện các chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; đảm bảo các chính sách, quy trình, thủ tục liên quan đến phát triển doanh nghiệp do tỉnh ban hành có nhạy cảm về giới.
Ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ
Tính từ lúc triển khai dự án vào năm 2014 đến nay, số lượng nữ hưởng lợi từ các hoạt động dự án là 23.765 người (chiếm 35,1%). Số lượng doanh nghiệp nữ hưởng lợi từ các hoạt động của dự án là 7.529 người (chiếm 32,9%), thông qua các hỗ trợ tài chính, dịch vụ phát triển kinh doanh, liên kết trong chuỗi giá trị, xúc tiến thương mại, các hoạt động nâng cao năng lực, đối thoại chính sách, phát triển cơ sở hạ tầng và hoạt động truyền thông.
Một trong những hoạt động nổi bật của dự án là gói hỗ trợ tài chính qua chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đối với hoạt động này, dự án có các tiêu chí đánh giá quan tâm và ưu tiên cho phụ nữ, người dân tộc (tiêu chí về phát triển cộng đồng và môi trường, điểm cộng cho các doanh nghiệp do nữ làm chủ khi tham gia chương trình hỗ trợ).
Tính đến nay, dự án đã tiếp nhận 54 hồ sơ đề xuất của 50 doanh nghiệp, cơ sở tham gia chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó, có 20 doanh nghiệp nữ.
Dựa trên kết quả đánh giá, dự án đã ký kết 14 hợp đồng với doanh nghiệp, cơ sở; trong đó có đến 10 doanh nghiệp do nữ làm chủ (đạt 71,4%), một doanh nghiệp do phụ nữ người dân tộc làm chủ (chiếm 7,14%). Tổng kinh phí thực hiện các hợp đồng hỗ trợ là 16,77 tỷ đồng (với kinh phí dự án cam kết hỗ trợ là 6,91 tỷ đồng). Riêng nguồn kinh phí thực hiện các hợp đồng đối với những doanh nghiệp do nữ làm chủ là 13,04 tỷ đồng (với kinh phí dự án cam kết hỗ trợ là 5,6 tỷ đồng), chiếm 77,8%.
Bên cạnh đó, dự án đã hỗ trợ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh ủy thác nguồn vốn 1,7 tỷ đồng và hỗ trợ xây dựng quy chế quản lý nguồn vốn tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ, phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp. Hiện nay, nguồn vốn đã giải ngân được 1 tỷ đồng hỗ trợ 10 doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh do phụ nữ làm chủ mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh.
Thúc đẩy hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp
Trong năm 2019, dự án cũng hỗ trợ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh xây dựng kế hoạch hành động phụ nữ khởi nghiệp dựa trên Đề án khởi nghiệp của tỉnh và báo cáo đánh giá thực trạng phụ nữ kinh doanh (năm 2018) nhằm đẩy mạnh công tác hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và kinh doanh.
Hội Liên hiệp Phụ nữ cũng được hỗ trợ xây dựng đội ngũ giảng viên nòng cốt gồm 15 thành viênthực hiện tư vấn phát triển kinh doanh và khởi nghiệp cho phụ nữ. Các buổi hội thảo, nói chuyện chuyên đề, được tổ chức thường xuyên, thu hút hơn 1.000 lượt chị em tham gia, chia sẻ kinh nghiệm, cách thức tiếp cận các nguồn lực, giải pháp, mô hình khởi nghiệp hiệu quả; những khó khăn, thách thức khi khởi nghiệp. Các phiên tham vấn, đối thoại công tư được tổ chức định kỳ, nhằm ghi nhận và kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc của nữ doanh nhân, doanh nghiệp do người dân tộc làm chủ.
Dự án cũng thúc đẩy các hoạt động hỗ trợ phát triển khởi nghiệp trong các nhóm phụ nữ địa phương. Kết quả, đã có 12 câu lạc bộ phụ nữ khởi nghiệp được thành lập tại các huyện, thị xã, thành phố với tổng 225 thành viên; phát động "Ngày Phụ nữ khởi nghiệp", thu hút hơn 345 chị em phụ nữ có ý tưởng, dự án dự thi; tổ chức "Cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp" với gần 289 ý tưởng, dự án tham gia, trong đó, có 14 ý tưởng, dự án khởi nghiệp xuất sắc cấp Trung ương. Sản phẩm của trên 100 doanh nghiệp nữ, phụ nữ khởi nghiệp được quảng bá tại các sự kiện xúc tiến thương mại.
Với mục tiêu đẩy nhanh tốc độ phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ và vừa, góp phần giải quyết việc làm địa phương, mở rộng cơ hội phát triển kinh tế cho nam giới và phụ nữ nông thôn, bao gồm cả dân tộc thiểu số ở tỉnh Trà Vinh, qua 6 năm triển khai Dự án, tổng số doanh nghiệp nhỏ và vừa đăng ký mới hàng năm đạt trung bình 1.996 doanh nghiệp, trong đó, doanh nghiệp do nữ làm chủ đạt 26,7%, doanh nghiệp do người dân tộc thiểu số làm chủ đạt 5,7%. Số lao động có việc làm đã tăng thêm 25.040 người, trong đó số lao động nữ đạt 12.520 người; số lao động là người dân tộc thiểu số là 7.513 người.
Tuệ Minh
Ảnh: Dự án SME Trà Vinh