Người phụ nữ 45 tuổi, ở Hà Nội, tự mua thuốc kháng sinh uống khi mệt mỏi, ớn lạnh và ho kéo dài hơn hai tuần. Nghĩ cảm cúm thông thường, chị không đến bệnh viện mà tự test cúm tại nhà, kết quả âm tính. Tuy nhiên, sau một tuần, chị bắt đầu sốt cao, ho đờm, khó thở, phải nhập viện.
Ngày 10/2, bác sĩ Nguyễn Đức Mạnh, Trưởng khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc, cho biết bệnh nhân dương tính với cúm A, kèm viêm phổi, tăng men gan và rối loạn tiêu hóa. "Kết quả tự test tại nhà không chính xác, dẫn đến điều trị sai hướng. Khi nhập viện, tình trạng bệnh đã trở nên nghiêm trọng", bác sĩ Mạnh chia sẻ.
Tương tự, cụ ông 81 tuổi tiền sử cao huyết áp, đái tháo đường và thiếu máu não cũng tự điều trị tại nhà khi bị sốt cao, ho đờm. Do không xuất hiện các triệu chứng nặng như khó thở hay tức ngực, người bệnh uống thuốc hạ sốt và chủ quan không đi khám. Sau khi hết sốt, cụ vẫn ho nhiều, khó thở, thở rít và phải nhập viện. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị viêm phế quản, viêm phổi và tổn thương tim, yêu cầu nhập viện điều trị.
Tại Sơn Dương, Tuyên Quang, người đàn ông 58 tuổi có tiền sử tăng huyết áp nhẹ nhưng không duy trì việc dùng thuốc đều đặn. Ông xuất hiện các triệu chứng ho, sốt và khó thở trong ba tuần nhưng chỉ tự điều trị tại nhà. Khi nhập viện tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, bác sĩ xác định ông bị sốc nhiễm khuẩn, tổn thương phổi nghiêm trọng, suy hô hấp nặng và phải thở máy. Tiên lượng của bệnh nhân rất xấu.
![Bệnh nhân mắc cúm nặng điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Bệnh viện cung cấp](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2025/02/10/1-1739016006-1739016016-7569-1-9449-9263-1739188287.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=2SDwc9FxQxPdE_zjgPm2zg)
Bệnh nhân mắc cúm nặng điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Từ đầu năm 2025 đến nay, một số bệnh viện phía Bắc ghi nhận số bệnh nhân khám, cấp cứu do cúm mùa tăng. Điều đáng lo ngại là xu hướng tự chẩn đoán và điều trị tại nhà, dẫn đến biến chứng như các trường hợp nói trên. Một số loại thuốc điều trị cảm cúm bị "tăng giá", thậm chí cháy hàng như Tamiflu.
Tại các hiệu thuốc, lượng người mua thuốc điều trị cúm tăng 15-25% so với tháng trước. Theo số liệu từ hệ thống FPT Long Châu, mỗi ngày có hơn 100.000 lượt khách tìm mua các sản phẩm liên quan đến cảm cúm, với chi phí trung bình 110.000-130.000 đồng/hóa đơn. Trong đó, nguồn cung thuốc Tamiflu hiện vẫn còn thiếu so với nhu cầu của khách hàng. Lượng bán ra của thuốc Tamiflu thời gian này tăng gấp 7 lần so với trước, giá không tăng.
Lý giải nguyên nhân, bác sĩ Vũ Quốc Đạt, Phó trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới và Can thiệp giảm hại, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho rằng thời tiết lạnh kéo dài tạo điều kiện thuận lợi cho virus cúm tồn tại lâu hơn ngoài môi trường, dẫn đến số ca mắc cúm gia tăng. Đây cũng là thời điểm bệnh cúm lưu hành hàng năm, kết hợp với các hoạt động lễ hội, tiệc tùng khiến virus lây lan nhanh hơn. Tuy nhiên, đa số người dân đang hiểu sai về bản chất của bệnh cúm mùa, "cho rằng đây là bệnh nhẹ và chủ quan".
Cảm cúm thông thường là bệnh phổ biến với các triệu chứng nhẹ, người bệnh thường hồi phục hoàn toàn mà không để lại di chứng hay biến chứng nghiêm trọng.
Ngược lại, bệnh cúm do virus cúm gây ra có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm phế quản, viêm tai giữa, viêm cơ tim, thậm chí suy hô hấp hoặc tử vong. Đặc biệt, người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính (tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu) hoặc suy giảm miễn dịch cần được theo dõi chặt chẽ tại bệnh viện, không nên tự điều trị tại nhà.
Bác sĩ Đạt cảnh báo rằng ngay cả những người từng mắc cảm cúm thông thường và khỏi hoàn toàn vẫn có nguy cơ tiến triển nặng khi nhiễm virus cúm, đòi hỏi phải nhập viện điều trị.
"Việc tự ý sử dụng thuốc mà không hiểu rõ thành phần rất nguy hiểm, có thể gây tác dụng phụ và khiến bệnh diễn biến nặng hơn", bác sĩ Đạt nhấn mạnh.
Ông khuyến cáo người dân không nên chủ quan nhưng cũng không được lơ là. Khi xuất hiện các dấu hiệu nghi ngờ mắc cúm, cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và xét nghiệm kịp thời. Xét nghiệm chẩn đoán cúm đóng vai trò quan trọng trong việc xác định chính xác bệnh và đưa ra hướng điều trị phù hợp.
Đặc biệt, người bệnh tuyệt đối không tự ý uống thuốc bừa bãi mà cần tuân thủ theo đơn thuốc và hướng dẫn của bác sĩ.
![Bác sĩ Nguyễn Đức Mạnh, Trưởng khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc thăm khám cho người bệnh. Ảnh: Quỳnh My](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2025/02/10/z6304777775145-70c234822fe7581-7439-1809-1739188287.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=UKtJT8UXJN-0ly_PCZPorw)
Bác sĩ Nguyễn Đức Mạnh, Trưởng khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc thăm khám cho người bệnh. Ảnh: Quỳnh My
Dịch cúm đang hoành hành khắp Đông Á. Nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... đang ghi nhận đợt dịch cúm mùa nghiêm trọng nhất trong nhiều năm, khiến các bệnh viện quá tải, thuốc khan hiếm.
Tại Việt Nam, Bộ Y tế ghi nhận số ca cúm tăng cục bộ từ cuối năm 2024 và Tết song không tăng đột biến so với hàng năm, tác nhân chủ yếu là virus A/H3N2, A/H1N1 và cúm B.
Thùy An