Bé ngụ tại phường Hoàng Liệt, khởi phát bệnh ngày 4/7 với triệu chứng sốt 38 độ, co giật tay, điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương, xét nghiệm dịch não tủy dương tính virus viêm não Nhật Bản. Thời điểm này năm ngoái, thành phố ghi nhận hai ca mắc bệnh này.
Viêm não Nhật Bản là bệnh cấp tính lây truyền qua đường máu do virus viêm não Nhật Bản gây nên. Virus có trong các loài gia súc (như lợn, ngựa và chim), là những vật chủ trung gian. Khi muỗi đốt các loài động vật mang virus (vật chủ trung gian) sau đó đốt người sẽ truyền virus viêm não Nhật Bản sang người. Muỗi truyền là muỗi Culex có thói quen hoạt động mạnh vào lúc chập tối. Loại muỗi này sinh sôi mật độ cao ở vùng đồng bằng và trung du, là trung gian chủ yếu truyền bệnh viêm não Nhật Bản ở Việt Nam.
Virus gây viêm não, màng não ở trẻ em, tỷ lệ tử vong và di chứng 25-35%. Viêm não Nhật Bản thường khó phát hiện sớm do các triệu chứng ban đầu rất giống với những viêm nhiễm khác. Triệu chứng khởi phát của viêm não Nhật Bản là sốt, đau đầu, buồn nôn, nôn. Ngoài ra có thể có các biểu hiện của nhiễm virus nói chung như mệt mỏi, ớn lạnh. Những trường hợp bệnh nặng có thể co giật, giảm khả năng nhận thức như trẻ thay đổi tính nết, la hét, kích động hoặc sững sờ, không nhận ra bố mẹ, nói nhảm, hôn mê. Bệnh nhân có thể rối loạn vận động gồm liệt tay, chân hoặc nửa người, co cứng, xoắn vặn.
Bệnh diễn tiến rất nhanh, có thể sau 3 ngày, thậm chí một ngày bệnh nhân đã có biểu hiện co giật, hôn mê, phải thở máy, nặng thì chỉ 1-2 ngày sau là tử vong. Ngoài ra, bệnh còn gây những di chứng thần kinh về sau khiến người bệnh giảm khả năng giao tiếp, giảm hoặc mất khả năng lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Một em bé được khám trước khi tiêm chủng tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: Giang Huy
Cách phòng tránh bệnh viêm não Nhật Bản hiệu quả nhất là tiêm vaccine phòng bệnh. Vaccine phòng bệnh viêm não Nhật Bản hiện đã được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng ở tất cả các tỉnh thành trên cả nước. Bộ Y tế khuyến cáo tiêm chủng với 3 liều cơ bản, gồm: Mũi 1 tiêm càng sớm càng tốt ngay sau một tuổi; mũi 2 sau mũi 1 từ 1-2 tuần; mũi 3 sau mũi 2 một năm. Sau đó, cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.
Lê Nga