Vừa rồi có việc một cháu bé bị đàn chó dữ cắn đến mức tử vong, rất thương tâm. Sau đó thì bà chủ đàn chó có nói "tôi rất ân hận". Và hàng năm tại Việt Nam hàng trăm ngàn người bị chó thả rông cắn, hàng trăm người bị chết vì chó.
Và một loạt các biện pháp được đưa ra để loại trừ mối nguy hiểm từ những con chó thả rông như bắt nhốt, đeo rọ mõm... theo kiểu "mất bò mới lo làm chuồng".
Nhưng có nhiều nơi vẫn có nhiều người thậm chí còn không thực hiện các biện pháp này. Tôi có một số cảm nghĩ chủ quan như sau tôi xin chia sẻ.
1/ Ý thức phòng ngừa rủi ro của nhiều người vẫn ở mức thấp. Ngoài việc thả rông đàn chó không đeo rọ mõm, có nhiều việc khác thể hiện điều này. Ví dụ: phóng xe máy/ ôtô từ trong ngõ ra đường lớn mà không quan sát; sang đường tự do không đúng điểm sang đường; tham gia giao thông không đúng tốc độ, làn đường; vượt đường ray tàu hoả mà không quan sát; thói quen đi xe máy không đội mũ bảo hiểm; thói quen ngồi ôtô không cài dây an toàn; chở hàng hoá nguy hiểm cồng kềnh trên đường; thói quen chơi đùa với chó mèo khi chưa biết con vật đã được tiêm phòng chưa...
Điều này xuất phát từ lỗ hổng trong giáo dục tại nhà trường và gia đình (ví dụ: không thuộc luật giao thông đường bộ do quá trình đào tạo lái xe có nhiều bất cập; không biết là con chó có thể có bệnh dại...) và lỗ hổng trong quá trình tự phát triển bản thân (tức là không được dạy, được học nhưng không có ý thực tự học và tự rèn luyện bản thân để trang bị những kỹ năng phòng ngừa rủi ro).
Những tai hoạ như chết vì chó dại cắn, gặp tai nạn do lao từ ngõ ra đường, hoặc đàn chó thả rông gây chấn thương hoặc chết người... hoàn toàn có thể phòng tránh được nếu như mọi người suy nghĩ về sự an toàn của mình và của chính cộng đồng.
Với các cháu bé và các bạn trẻ, rất cần sự giáo dục của gia đình và nhà trường về các rủi ro có thể gặp phải và các biện pháp phòng ngừa/hạn chế. Một cháu bé chạy ra đường bị xe tông phải thì đó là do lỗi của người lớn, trẻ nhỏ hoàn toàn chưa có nhận thức.
>> Bài viết cùng tác giả:
>> Phụ huynh nên tự nấu cơm trưa cho con mang đi học
>> 'Hạnh phúc là về nhà được ăn sạch, ra đường không lo kẹt xe, tai nạn'
Chính là trách nhiệm của người lớn trong việc giáo dục con trẻ. Nếu trong gia đình mà người lớn cũng không biết những rủi ro và biện pháp đề phòng thì nguy cơ xảy ra tai nạn có thể đến bất kỳ lúc nào, cho mình và cho người thân, cộng đồng xung quanh mình.
2/ Việc phòng và tránh các tai hoạ xảy đến nằm trong cái gọi là "kỹ năng sống" mà chúng ta đang ảo tưởng là chúng ta biết hết. Kỹ năng sống trong ngữ cảnh này theo tôi là khả năng tư duy, phán đoán các mối hiểm nguy và kỹ năng đưa ra các suy nghĩ, giải pháp để phòng tránh hoặc giải quyết các mối hiểm nguy đó.
Có một vài ví dụ như sau: - Khi đi từ trong ngõ ra ngoài đường chính, ta sẽ cần biết rằng luồng xe cộ ngoài đường là một mối nguy hiểm và họ không hề được chuẩn bị để đón tiếp một anh lao từ trong ngõ ra một cách đột ngột.
Do đó, người từ ngõ đi ra phải có trách nhiệm đi từ từ, nghe ngóng, quan sát và tôn trọng luồng giao thông ở đường chính, chỉ nhập vào luồng giao thông khi thật sự an toàn.
Khi anh đi tắm biển: Sẽ phải cân nhắc khả năng bơi lội của mình, tình trạng thể chất, phán đoán tình huống có thể xảy ra, khả năng có luồng chảy xa bờ, có chỗ nông sâu thất thường... Từ đó tự ra quyết định là có xuống tắm biển hay không.
Khi lái ôtô hoặc xe máy đến nơi giao với đường tàu, phải tư duy ngay là có thể có tàu đang đến, không được chủ quan cho rằng "chắc không có tàu đâu".
Do đó, cần giảm tốc độ, dừng lại, quan sát, chỉ qua đường tàu khi an toàn. Ở nước ngoài, những nơi giao cắt đường bộ và đường sắt thường có biển báo STOP, và "Proceed at your own risk" tức là phải DỪNG LẠI, và "Đi tiếp có rủi ro dành cho bạn"...
Có vô vàn tình huống xảy ra hàng ngày đòi hỏi mỗi người phải phán đoán, xử lý để bảo đảm an toàn cho mình và cho người khác.
Việc có ý thức phòng ngừa rủi ro và suy nghĩ cho mình và cộng đồng sẽ làm cho cuộc sống của chính bạn, gia đình bạn, và cộng đồng an toàn hơn. Chúng ta cần an toàn trước khi chúng ta muốn gì đó cao hơn như tươi đẹp, hạnh phúc.
Đừng nên để một việc xảy ra có mất mát về tính mạng con người rồi mới ân hận.
Không có cơ hội để làm sống lại một người đã chết do hiểm hoạ, rủi ro.Nhưng có rất nhiều cơ hội để chúng ta phòng ngừa không cho những rủi ro đó xảy ra.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.