Đó là quang cảnh một buổi học chế tạo robot dành cho thiếu nhi từ 4 đến 15 tuổi ở Nhà Thiếu nhi TP HCM (đường Tú Xương, quận 3) vào một ngày cuối tuần.
|
Lớp học chế tạo robot mở suốt tuần ở Nhà Thiếu nhi TP HCM . Ảnh: Thi Ngoan. |
Lớp học này có hơn 30 học viên nhưng không khí ồn ào náo nhiệt chẳng khác gì chợ trời. Ban đầu vào lớp, các bé sẽ có 15 phút nghe giáo viên dặn dò và hướng dẫn quy tắc lắp ráp robot Huna gồm: bo mạch (là bộ não của robot để điều khiển hoạt động); mô tơ động cơ, hộp đựng pin, các thanh khối tạo hình cho robot. Sau đó giáo viên sẽ dành thời gian cho học trò thực hành sáng tạo, mỗi học viên sẽ được phát một hộp dụng cụ đồ nghề để tự chế robot của mình theo hình thù tùy thích.
Hết ngồi trên bàn, bé Anh Khoa (6 tuổi) lại bò toài dưới đất hý hoáy tạo hình cho con robot của mình. Gần một tiếng đồng hồ mới ráp xong các bộ phận cơ bản của chiếc "ôtô địa hình", cậu bé tươi cười vỗ tay tự tán thưởng mình. Thế nhưng khi đưa vào hoạt động, con robot chỉ đứng yên xoay vòng như chong chóng chứ không di chuyển theo ý muốn của chủ nhân. Tay lau mồ hôi, vẻ mặt tiếc hùi hụi, Khoa lại bắt tay tháo động cơ máy ra điều chỉnh lại.
"Trước đây em chỉ chơi game điều khiển robot trong vi tính thôi, bây giờ được tự tay chế tạo theo ý mình thích hơn nhiều", cậu bé hào hứng nói.
|
Anh Nguyễn Cao Trí cùng cậu con trai Nguyễn Trí Minh tìm hiểu con về robot. Ảnh: Thi Ngoan. |
Cũng đưa con đến lớp học này, anh Nguyễn Cao Trí (quận 3, TP HCM) cho biết, thông thường vào mùa hè anh đăng ký cho con học các lớp kỹ năng hoặc giải trí như thế này để bọn trẻ được xả stress sau một năm học căng thẳng. "Cũng hy vọng cháu được vui chơi, vận động chân tay đầu óc, qua đó giúp rèn luyện sự khéo léo và sáng tạo", người cha chia sẻ.
Cô giáo Trần Thị Thu Hà đảm nhận nhiệm vụ giảng dạy, hướng dẫn và giải thích về nguyên tắc hoạt động của robot, cho biết robot Huna là trò chơi giáo dục mang tính sáng tạo xuất xứ từ Hàn Quốc. Hiện nay nhiều nước trên thế giới đã áp dụng mô hình này vào chương trình giáo dục chính khóa hoặc ngoại khóa nhưng nó vẫn còn khá lạ lẫm với học sinh Việt Nam.
"Đây không phải là đồ chơi mô hình bán sẵn mà đòi hỏi người chơi phải tự lắp ráp theo sách hướng dẫn hoặc tự sáng tạo thành những mô hình mình muốn. Qua đó giúp các em rèn luyện tư duy sáng tạo, sự khéo léo và nâng cao kiến thức về cơ khí, kỹ thuật", cô giáo nói.
Trước khi bước vào giờ học, các giáo viên luôn giải thích cho học viên hiểu những nguyên tắc cơ bản của một robot là: không được gây tổn thương cho con người, không bàng quan khi con người đối mặt với nguy hiểm, robot nhất thiết phải phục tùng con người (trừ trường hợp đã quy định ở nguyên tắc thứ nhất), robot phải tự bảo vệ bản thân...
|
Không chỉ có nam nhi mà các bóng hồng cũng mê robot không kém. Ảnh: Thi Ngoan. |
Hiện lớp học lắp ráp và chế tạo robot Huna dành cho trẻ từ 4 đến 15 tuổi được tổ chức rộng rãi tại các nhà văn hóa thiếu nhi và một số trường học tại TP HCM. Với 3 cấp độ: cơ bản, trung cấp và nâng cao, học sinh sau khi hoàn thành các hóa học sẽ được cấp nhà trường chứng chỉ và được tạo điều kiện tham gia các cuộc thi sáng tạo robot. Riêng các học sinh từ 13 đến 15 tuổi sẽ được tham gia lớp lập trình bo mạch điều khiển robot bằng máy vi tính.
Cứ mỗi buổi sáng cuối tuần, anh Nguyễn Phương lại đưa hai cậu con trai Nguyễn Quang và Nguyễn Minh đến lớp học rồi đi làm, đến gần trưa lại quay về đón các bé. Ông bố này kể, hai quý tử nhà anh rất mê robot. "Vừa nghe có lớp học này là bọn trẻ đòi bố đăng ký tham gia ngay. Hai đứa say mê lắm, mỗi lần đi học về lại háo hức khoe hôm nay con chế được cả chiếc ôtô, con rùa, chim cánh cụt...".
Trước đây từng học khoa Điện - Điện tử trường Đại học Bách khoa TP HCM nên anh Phương khá rành về robot với các vi mạch điện tử nên cũng hướng dẫn thêm kiến thức kỹ thuật cho con. Nhất là từ khi tham gia lớp học robot, khi về đến nhà, các "ký sư nhí" liên tục "làm khó" bố bằng những câu hỏi hóc búa hơn.
"Mới học được vài hôm nhưng hễ nhìn thấy thiết bị điện tử nào hai đứa lại thắc mắc hỏi tôi nó hoạt động như thế nào, làm sao nó di chuyển được, quay được. Cũng may kiến thực này vốn là sở trường của mình nên tôi luôn cố gắng giải thích cụ thể mà đơn giản nhất cho các con hiểu", anh Phương cười, vừa nói vừa xoa đầu cậu con út đang mải khoe con robot vừa lắp ráp xong.
Thi Ngoan