Ngày 5/12, TS.BS Nguyễn Xuân Cảnh, Trưởng khoa Y học hạt nhân, cho biết trải qua thời gian dài tìm hiểu, trao đổi chuyên môn cũng như chuẩn bị nguồn nhân lực để tập trung nghiên cứu, khoa đã pha chế thành công hai loại thuốc phóng xạ mới là Galium-68 PSMA (Ga-68 PSMA) trong ung thư tuyến tiền liệt và Galium-68 Dotatate (Ga-68 Dotatate) trong u thần kinh nội tiết, vào tháng 11.
Sau gần một tháng áp dụng, các bác sĩ đã ghi hình PET/CT với Ga-68 PSMA cho 12 trường hợp ung thư tuyến tiền liệt và Ga-68 Dotatate cho 9 trường hợp u thần kinh nội tiết, đều ghi nhận hiệu quả cao. Từ những kết quả ghi hình này, bác sĩ có hướng chẩn đoán, phân chia giai đoạn, chọn lựa phương pháp điều trị và theo dõi kết quả.
Trên thế giới, hai loại thuốc phóng xạ này đang được sử dụng rộng rãi cho người bệnh và đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) chấp thuận vài năm trước. "Tuy nhiên, không phải quốc gia nào cũng có thể sản xuất được nên người bệnh trong nước có nhu cầu chụp PET/CT với hai thuốc này thường phải đi ra nước ngoài", bác sĩ Cảnh cho hay.
Bệnh viện Chợ Rẫy đã ghi hình PET/CT với thuốc F-18 FDG đánh giá chuyển hóa đường glucose trong nhiều loại bệnh ung thư từ năm 2009. Tuy nhiên, tế bào ung thư tuyến tiền liệt và tế bào u thần kinh nội tiết thường ít sử dụng đường glucose nên hiển thị kết quả chẩn đoán không cao, đòi hỏi phải sử dụng hai loại thuốc phóng xạ mới này.
Do đó, việc pha chế thành công thuốc ngay tại Việt Nam giúp người bệnh có thể tiếp cận kỹ thuật tiên tiến trên thế giới, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tiết kiệm chi phí điều trị.
PET/CT là hệ thống chẩn đoán hình ảnh kỹ thuật cao, nhiều lợi điểm trong chẩn đoán và theo dõi điều trị các loại bệnh như ung thư, thần kinh và tim mạch. Kỹ thuật này được áp dụng tại Bệnh viện Chợ Rẫy từ năm 2009, trung bình mỗi ngày nơi này chụp 12-15 ca.
Lê Phương