Là thương hiệu gắn với đô thị kiểu mẫu tại TP HCM, sự xuất hiện của Phú Mỹ Hưng ở thị trường miền Bắc không chỉ đánh dấu bước chuyển mình của "ông lớn" ngành địa ốc phía Nam mà còn mang đến màu sắc mới cho bức tranh bất động sản khu vực.
Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Bắc Ninh giữ vai trò cửa ngõ phía Đông Bắc Hà Nội, tiếp giáp các tỉnh Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương và cách sân bay Nội Bài chưa đầy một giờ di chuyển. Tỉnh còn nằm dọc hai hành lang kinh tế lớn là Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, giúp mở rộng kết nối giao thương, xuất nhập khẩu.
Theo Bộ Tài chính, Bắc Ninh nằm trong nhóm các tỉnh có GRDP bình quân đầu người cao nhất cả nước, với tăng trưởng quý I/2024 ước đạt 9,05% so với cùng kỳ. Đề án sáp nhập với Bắc Giang nếu thành hiện thực sẽ mở rộng quy mô kinh tế của địa phương lên gần 440.000 tỷ đồng, bình quân đầu người đạt hơn 125 triệu đồng.
Bên cạnh đó, tỉnh đầu tư mạnh vào hạ tầng, nổi bật với dự án đường vành đai 4 vùng Thủ đô và sân bay Gia Bình quy mô hơn 360 ha. Cùng với quỹ đất lớn và môi trường thu hút FDI, Bắc Ninh hiện là nơi đặt nhà máy của nhiều tập đoàn như Samsung, Foxconn, LG, Canon...
Báo cáo quý I từ Batdongsan, cho thấy mức độ quan tâm đến đất nền tại Bắc Ninh tăng hơn 60%, giá tại một số khu vực tăng 52% so với đầu năm 2023. Nhu cầu nhà ở cao cấp và đô thị bài bản cũng gia tăng, đặc biệt từ cộng đồng chuyên gia nước ngoài, với tỷ suất cho thuê đạt 7-10% mỗi năm.
Sau hơn 30 năm phát triển tại TP HCM, với khu đô thị kiểu mẫu tại quận 7, Phú Mỹ Hưng bắt đầu giai đoạn phát triển mới - mở rộng địa bàn ra cả nước. Mục tiêu là đưa thương hiệu này trở thành biểu tượng đô thị quốc gia, không giới hạn ở khu Nam TP HCM.
Trong bối cảnh nguồn cung nhà ở tại miền Bắc đang tăng mạnh, chiếm hơn 60% tổng nguồn cung mới cả nước, và tỷ lệ hấp thụ dẫn đầu (45-50%), Bắc Ninh, Hưng Yên hay Hòa Bình được đánh giá là những thị trường tiềm năng. Tuy nhiên, thị trường này cũng đối mặt với thách thức về pháp lý, quỹ đất sạch và yêu cầu cao về chất lượng.
Theo ông Hưng, đây là thời điểm phù hợp để doanh nghiệp mở rộng thị phần. Dự án Hồng Hạc City tại thị xã Thuận Thành, Bắc Ninh, là bước đi đầu tiên trong hành trình Bắc tiến của Phú Mỹ Hưng. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 1,1 tỷ USD, diện tích gần 200 ha, đáp ứng quy mô dân số khoảng 28.000 người.
Nhiều chuyên gia cho rằng, các chủ đầu tư có kinh nghiệm quy hoạch, năng lực tài chính như Phú Mỹ Hưng sẽ chiếm ưu thế trong bối cảnh thị trường ngày càng khắt khe với sản phẩm bất động sản.
Hồng Hạc City được quy hoạch theo mô hình đô thị xanh - thông minh, với tỷ lệ xây dựng thấp, mật độ cây xanh và tiện ích cộng đồng cao. Dự án tích hợp hạ tầng kỹ thuật, bãi đỗ xe nhiều tầng, công viên, trường học, bệnh viện và trung tâm văn hóa. Không gian sống được thiết kế nhằm kết nối cộng đồng, tạo nên môi trường sống chất lượng cho cư dân.
"Chúng tôi hướng đến cộng đồng cư dân tương đồng về nhu cầu và phong cách sống", ông Hưng chia sẻ.
Phú Mỹ Hưng kỳ vọng Hồng Hạc City sẽ là "cánh chim đầu đàn" mở lối cho các dự án sau này tại miền Bắc. Hòa Bình được xem là điểm đến tiếp theo trong chiến lược tăng tốc mở rộng thị phần của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, lãnh đạo Phú Mỹ Hưng khẳng định vẫn ưu tiên phát triển bền vững, không chạy theo số lượng dự án. "Con người là trung tâm trong mọi quy hoạch và thiết kế đô thị của chúng tôi", ông nhấn mạnh.
Việc Phú Mỹ Hưng chọn Bắc Ninh là điểm dừng chân đầu tiên trong chiến lược mở rộng ra miền Bắc không chỉ thể hiện tầm nhìn dài hạn của doanh nghiệp mà còn cho thấy sức hút của tỉnh này trên bản đồ bất động sản Việt Nam. Với quy mô kinh tế vững mạnh, hạ tầng đồng bộ cùng môi trường đầu tư cởi mở, thu hút, Bắc Ninh nhiều dư địa tăng trưởng, qua đó, định hình diện mạo đô thị tương lai của khu vực.
Nội dung: Song Anh
Thiết kế: Thái Hưng
Ảnh: Tùng Đinh, Phú Mỹ Hưng