Quan điểm trên được PGS, TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo - Trưởng phòng Đào tạo, Viện trưởng Viện Công nghệ Tài chính, Đại học Kinh tế TP HCM trình bày ở tọa đàm "Cải tiến kỹ năng lao động - chìa khóa bứt phá sản xuất trong đại dịch" hôm 28/9.
Ông lý giải ban đầu "ba tại chỗ" phát huy khá tốt ở một số nhà máy, khu công nghiệp ở Bắc Giang, Bắc Ninh, khi dịch bùng phát tại đây. Họ có sẵn chỗ lưu trú cho người lao động ngay trong khuôn viên nhà máy, Bộ Y tế đã khoanh vùng và công nhân được cách ly, chăm sóc sức khỏe tại chỗ. Do đó họ vẫn duy trì sản xuất, đạt được mục tiêu kép - vừa sản xuất, vừa chống dịch thành công.
"Khi thấy mô hình này thành công, chúng ta lập tức nhân rộng ra cả nước mà quên đi đặc thù, sự khác nhau giữa các tỉnh, thành", ông Bảo nhấn mạnh. Vì không muốn dừng sản xuất, chủ doanh nghiệp phải chi ra số tiền lớn để xét nghiệm, trang bị cho người lao động, đáp ứng yêu cầu "ba tại chỗ". Tuy nhiên không ít đơn vị chịu thất bại nặng nề, tốn kém chi phí mà nguy cơ lây nhiễm cao.
"Nếu không nghiên cứu kỹ lưỡng tính khả thi của giải pháp, không tính đến các yếu tố đặc thù từng địa phương, đặc điểm riêng của từng doanh nghiệp và chưa lường trước những vấn đề phát sinh... mà vội vàng áp dụng như thế, chẳng những không thể giúp doanh nghiệp phục hồi mà dễ đẩy họ tới bờ vực phá sản nhanh hơn", PGS, TS Quốc Bảo phân tích.
Ông nhấn mạnh khái niệm "bốn xanh", "người lao động xanh"... vẫn phải dựa trên nguyên tắc cốt lõi là tiêm vaccine. Khi mọi cán bộ, công, nhân viên được tiêm chủng đầy đủ, mới có thể tiếp cận việc các hình thức duy trì hoạt động sản xuất, ngừa rủi ro, an toàn cho từng cá nhân.
PGS, TS cũng khuyến khích không nên đi sâu vào những giải pháp với khẩu hiện "ba xanh", "bốn xanh" bởi doanh nghiệp chưa thấy tính cụ thể hóa, người lao động không nhận thấy sự phù hợp và không yên tâm khi triển vọng chống dịch tại các thành phố lớn, khu công nghiệp không bền vững, do đó họ khó quay lại làm việc. Trước đấy, các doanh nghiệp đối mặt với thực trang nhân sự chủ động nghỉ việc vì sợ bị lây nhiễm. Trước bối cảnh cách ly xã hội kéo dài, họ chọn cách về quê, tạo ra "làn sóng di dân" chưa từng có trong thị trường lao động Việt Nam. Điều này tạo áp lực lớn cho tương lai, khi dịch được kiểm soát, các doanh nghiệp quay lại sản xuất sẽ đối mặt với rất nhiều khó khăn: thiếu nguyên liệu đầu vào, đơn hàng đã mất khỏi Việt Nam, nguồn lao động...
Muốn thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế nhanh hơn và lôi kéo người lao động quay trở lại, PGS, TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo cho rằng cần có giải pháp tổng thể từ chính quyền, chủ các doanh nghiệp và ban quản lý các khu công nghiệp. Nên tổ chức chu kỳ khép kín từ việc đón công nhân, viên từ vùng quê của họ, cải tổ quá trình sinh hoạt, sản xuất, di chuyển từ nơi ăn ở đến nơi làm việc hợp lý.
![Một doanh nghiệp tại khu vực phía Nam áp dụng mô hình sản xuất 3 tại chỗ. Ảnh: Hoàng Nam](https://vcdn1-kinhdoanh.vnecdn.net/2021/09/30/3-tai-cho-tai-nha-may-o-mien-t-8309-8562-1632973128.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=MJRhPN65HSNUCMQPlTaYFQ)
Một doanh nghiệp tại khu vực phía Nam áp dụng mô hình sản xuất "3 tại chỗ". Ảnh: Hoàng Nam
Trước đó hôm 20/9, Phó thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì hội nghị trực tuyến tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp khu công nghiệp, khu kinh tế, công nghệ cao và cụm công nghiệp. Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều sáng kiến đã được triển khai nhằm duy trì sản xuất, nắm bắt các cơ hội kinh doanh mới như "ba tại chỗ" , "một cung đường, hai điểm đến"... Song việc duy trì "ba tại chỗ" khiến đa phần các doanh nghiệp áp dụng mô hình này gặp khó khăn vì "đội" thêm nhiều chi phí.
Theo bộ này, chi phí đầu vào, phí vận chuyển ngày một tăng cao dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, đội giá thành sản xuất. Doanh nghiệp thiếu hụt dòng tiền nghiêm trọng, trong khi tiền trang trải phòng, chống dịch và duy trì sản xuất không nhỏ.
Phản ánh của doanh nghiệp cũng cho thấy yêu cầu giữ khoảng cách tối thiểu theo quy định cho người lao động rất khó áp dụng, chi phí thực hiện (hoán cải công năng của các khu vực khác nhau thành chỗ ở tạm) rất cao. Môi trường cách ly tại chỗ nhiều nơi không đảm bảo, ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động.
Các chủ nhà máy, hiệp hội từng phản ánh những bất cập của sản xuất "ba tại chỗ" sau một thời gian áp dụng. Điển hình, theo báo cáo của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep), chỉ khoảng 30% doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản duy trì được "ba tại chỗ". Tương tự, số doanh nghiệp ngành da giày, dệt may triển khai hình thức này dao động 30-40%.
Bộ Công Thương cũng từng kiến nghị Chính phủ giải pháp gỡ khó cho "ba tại chỗ". Tháng trước, các hiệp hội doanh nghiệp từng đề xuất Chính phủ không duy trì mô hình này mà bổ sung các hình thức khác cho doanh nghiệp được lựa chọn.
Thi Quân