Chính phủ vừa báo cáo Quốc hội về dự án đường sắt đô thị số 1 TP HCM, tuyến Bến Thành - Suối Tiên.
Trong đó, Chính phủ đã lý giải với các đại biểu việc tổng mức đầu tư của dự án tăng từ 17.387 tỷ lên trên 47.325 tỷ đồng. Nhóm nguyên nhân đầu tiên là sự biến động khách quan của giá nguyên liệu, nhiên liệu và việc tăng mức lương tối thiểu từ năm 2006 đến năm 2009.
Nhóm nguyên nhân tiếp theo đến từ việc tăng khối lượng xây dựng nhằm đem lại hiệu quả đầu tư và khai thác cao hơn cho dự án.
Cụ thể, việc tăng đầu tư cho đầu máy, toa xe, trang thiết bị nhà ga nhằm đáp ứng nhu cầu tăng lưu lượng hành khách dự báo vào năm mục tiêu thiết kế là 2040 (thay vì 2020 như trong dự án đầu tư); áp dụng các trang thiết bị, hệ thống tiên tiến nhằm đạt sự an toàn cao nhất; đầu tư đầy đủ xưởng bảo trì sửa chữa, tòa nhà trung tâm điều khiển cả hệ thống đường sắt đô thị của thành phố và trụ sở của Công ty vận hành, bảo dưỡng đường sắt đô thị.
Cuối cùng, Chính phủ nêu lên nguyên nhân về việc cập nhật tỷ giá Yên Nhật - Việt Nam đồng; tỷ lệ tính toán các chi phí dự phòng, rủi ro trượt giá cũng được cập nhật theo quy định mới, tính toán cho đến năm 2019.
Theo báo cáo, dự án sẽ hoàn thành xây dựng vào năm 2017, khai thác vận hành năm 2018. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân trong đó có việc chậm trễ giải phóng mặt bằng gói thầu số 2; phân chia gói thầu số 1 thành gói thầu 1a và gói thầu 1b; xử lý tình huống đấu thầu của gói thầu số 3 và gói thầu 1b… đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các gói thầu.
"Đến nay, tiến độ chung của dự án dự kiến hoàn thành xây dựng và đưa vào vận hành năm 2020", Chính phủ cho biết.
Thiếu hơn 16.700 tỷ đồng trong ba năm tới
Mặc dù đưa ra tiến độ chung nêu trên, nhưng Chính phủ nêu khó khăn về việc bố trí kế hoạch vốn ODA năm 2017 và trung hạn (2016 - 2020), và cho hay việc này sẽ tác động đến quá trình thanh toán cũng như khả năng các nhà thầu giảm tiến độ thi công, ảnh hưởng mục tiêu hoàn thành dự án vào năm 2020.
Cụ thể, kế hoạch trung hạn 2016 - 2020 là gần 21.000 tỷ đồng, mới giao được 7.500 tỷ đồng; kế hoạch năm 2017 là trên 5.400 tỷ đồng, đã giao hơn 2.100 tỷ đồng. Như vậy tổng kế hoạch vốn còn thiếu hơn 16.700 tỷ đồng.
"Để giải quyết khó khăn trong việc bố trí vốn ODA từ Ngân sách trung ương, năm 2017, UBND TP HCM đã tạm ứng từ ngân sách của thành phố để chi trả cho các nhà thầu 1.100 tỷ đồng", Chính phủ cho hay.
Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 24/10, về việc "TP HCM đã tiếp xúc trực tiếp với Bộ Kế hoạch tìm cách tháo gỡ dự án này như thế nào?", ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Kế hoạch cho hay: "Chúng tôi có trao đổi 1-2 lần nhưng chưa bàn được cách tháo gỡ".
Theo ông, hiện Bộ Kế hoạch đang chủ động đưa ra cách tháo gỡ cho dự án trọng điểm này. "Tinh thần là làm nhanh hết cỡ và phải có giải pháp xử lý làm sao cho công trình hiệu quả, không ảnh hưởng tới tiến độ dự án và nhà tài trợ. Nhưng trước hết phải thống nhất lại cách hiểu, thống nhất quy trình: ai phê duyệt, xác định mức tăng có hợp lý hay không? Tăng 30.000 tỷ đồng không phải là số tiền nhỏ", ông nói.
Tuyến Metro số 1 của TP HCM có quy mô xây dựng đoạn tuyến đường sắt đi ngầm dài 2,6 km; đoạn tuyến đường sắt đi trên cao dài 17,1 km. Công trình bao gồm 11 ga trên cao, 3 ga ngầm và một depot. Dự án đi qua địa bàn các quận: 1, Bình Thạnh, 2, 9 và Thủ Đức của TP HCM và huyện Dĩ An của tỉnh Bình Dương. |