Một lần, trong lúc kéo thuyền lên cầu tàu, cháu hụt chân rơi xuống sông. Do có mặc áo phao, cháu bình tĩnh bơi về điểm gần nhất để leo lên cầu tàu.
Có lẽ không có gì phải bàn cãi về tầm quan trọng của áo phao đối với việc di chuyển trên sông nước. Tuy nhiên, điều ít người biết là áo phao có nhiều loại và nhiều cách mặc tùy từng trường hợp.
Theo hệ thống phân loại chuẩn quốc tế ISO 12402 (được áp dụng phổ biến tại châu Âu và nhiều quốc gia khác), thiết bị nổi cá nhân có chỉ số nổi từ 50 tới 275 dựa trên lực đẩy nổi. Với các áo phao có lực đẩy cao hơn 100 N (Newton, 1 Newton tương đương trọng lượng của một vật có khối lượng khoảng 1,02 kg trên Trái Đất), còn có thêm yêu cầu kỹ thuật là áo phao phải tự động lật ngửa người bị bất tỉnh, để nạn nhân có thể tiếp tục hô hấp. Nếu mặc không đúng cách, hoặc chỉ choàng hờ, các áo phao đều không thể thực hiện nhiệm vụ này.
Mức |
Lực đẩy nổi |
Sử dụng |
Tự động lật ngửa |
50 |
50 N |
Người bơi tốt, không sử dụng cho tàu thuyền |
Không |
70 |
70 N |
Hoạt động trên nước ở gần bờ |
Không |
100 |
100 N |
Trên biển lặng gần bờ |
Một số |
150 |
150 N |
Trên biển có sóng gió |
Toàn bộ |
275 |
275 N |
Ngoài biển xa |
Toàn bộ |
Bảng phân loại kỹ thuật các loại áo phao của Australia.
Về phương thức, Australia - nơi tôi đang sống - phân áo phao thành 5 loại dựa trên cách sử dụng. Tuy nhiên, cơ bản thì áo phao sẽ được phân loại là nổi bị động và chủ động. Loại nổi bị động thường đã phồng sẵn vì có vật liệu nhẹ bên trong. Trong khi đó, loại chủ động bình thường xẹp, chỉ phồng lên khi tiếp xúc nước hoặc có tác động giật của người mặc, như loại thường thấy trên máy bay. Loại bị động được dùng cho người bơi trên sông, biển, hoạt động trên tàu thuyền mui trần. Những loại này, người mặc có thể bị tác động trực tiếp của sóng gió khiến cho ngất đi mà không kịp giật khóa.
Còn máy bay và các tàu thuyền kín đều được khuyên sử dụng loại chủ động. Người dùng chỉ làm phồng áo phao khi đã thoát ra ngoài. Khi tàu thuyền bị lật úp, áo phao bị động hoặc đã bị phồng sẽ gây cồng kềnh và cản trở khả năng lặn xuống tìm lối thoát. Điều này có thể thấy rõ trong các tai nạn lật tàu tương tự tàu Vịnh Xanh ở Hạ Long. Theo giới chức tỉnh Quảng Ninh, 80% nạn nhân được đưa ra ngoài đã mặc áo phao, nhưng có thể đều là loại áo phao bị động.
Trong chuyến đi Hạ Long Tết 2025 vừa rồi, tôi quan sát thấy áo phao hầu hết là loại bị động ở mức 100 hoặc thấp hơn, bất chấp loại hình tàu thuyền. Do việc phải mặc cho nhiều người, trong đó có cả khách tây cao lớn, áo phao thường bị nới rộng hết mức, nên sẽ không thể lật ngửa người bị nạn.
Nhiều tàu thuyền trên thế giới cung cấp cả hai loại áo phao, do trường hợp sử dụng khác nhau. Không phải lúc nào mặc áo phao cũng an toàn, nhưng quy tắc chung là khi ở không gian mở, hãy luôn mặc áo phao; khi ở không gian kín, giữ áo phao trong tầm tay.
Ngoài ra, trong tai nạn tàu Vịnh Xanh vừa rồi ở Hạ Long, lực lượng biên phòng chỉ nhận được tin sau khi sự cố đã xảy ra hai giờ đồng hồ. Theo tôi nên nghiên cứu xây dựng một hệ thống cứu trợ thống nhất cho việc sử dụng thiết bị cảnh báo vị trí tự động EPIRB (Emergency Position-Indicating Radio Beacon). Đây thực ra là một mảng rộng các loại thiết bị có thể trang bị cho tàu thuyền cũng như áo phao cá nhân, với giá từ vài triệu tới vài chục triệu đồng. Thiết bị có thể bị kích hoạt khi lật úp, có áp lực nước, hoặc đơn giản là có người nhấn nút. Khi được kích hoạt, thiết bị sẽ tự động gửi tín hiệu cầu cứu về hệ thống kèm tọa độ GPS. Thiết bị cho tàu thuyền có thể khóa trong hộp rỗng, còn thiết bị cho cá nhân (PLB - Personal Locator Beacon) có thể đính trên áo phao. Kể từ khi kích hoạt, tín hiệu sẽ được truyền liên tục trong 48h.
Sự việc vừa qua ở Hạ Long quá đỗi thương tâm và cũng đã quá muộn để rút kinh nghiệm. Nhưng mùa mưa bão vẫn còn và tai nạn sông nước vẫn luôn rình rập. Việc trang bị đầy đủ thiết bị an toàn, từ cái áo phao, và sử dụng chúng đúng cách đều sẽ giúp tăng tỷ lệ sống sót trong tai họa.
Tô Thức