Tôi sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, tôi chưa một lần đặt chân lên nước Pháp, nhưng xứ gà trống Gôloa trong tôi thật gần gũi, thân thương.
Trong những năm tháng tuổi thơ tôi, nước Pháp hiện lên trong những bài lịch sử, những câu chuyện về chiến tranh, những ngôi nhà cổ kiến trúc Pháp trên nhiều tuyến phố của Hà Nội.
Bố tôi học tiếng pháp từ nhỏ trong một trường dòng của Pháp, tại Hà Nội. Cho tới bây giờ, đã 78 tuổi, ông vẫn thuộc lòng các bài thơ, bài hát học từ thủa lên 10. Đó cũng chính là lý do tại sao lớn lên tôi chọn học tiếng Pháp.
Những năm tháng học tiếng Pháp tại trường đại học đã giúp tôi hiểu hơn về nước Pháp, về nền văn hóa có bề dày truyền thống qua những tác phẩm văn học sống mãi với thời gian của các đại văn hào vĩ đại, về thứ ngôn ngữ của tình yêu mà khi cất giọng nói ta đã thấy những âm thanh ngọt ngào, dịu dàng như giai điệu của bản nhạc trữ tình, nó cũng thể hiện tính cách đặc trưng của người dân Pháp rất lãnh mạn và lịch sự.
Tôi yêu những bài hát trữ tình Pháp làm say đắm lòng người, nhạc nhẹ nhàng êm ái, lời lẽ yêu đương nồng cháy khiến ta thêm yêu cuộc sống, yêu con người. Tôi còn thích cả những bộ phim hài ước, dí dỏm, tình yêu lãnh mạn của Pháp nữa. Tôi có thể xem cả trăm lần một bộ phim và thường xuyên xem vào buổi tối trước khi đi ngủ.
Nước Pháp với tôi bây giờ không còn gói gọn trong thơ, ca, sách vở, mà nó vượt ra ngoài cuộc sống hàng ngày, là những mối quan hệ thầy trò, bè bạn.
![Ảnh: Một giờ học với thầy giáo của trường Toulouse- Le Mirail Những lúc rảnh rỗi, tôi thường vào các mạng xã hội nói chuyện với](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2013/06/27/phap2-JPG-1372317053.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=nBRNUr_3XsZ4rpK2lSgiog)
Tôi yêu lắm những giờ học thạc sĩ buổi tối với các thầy cô giáo trường đại học Toulouse - Le Mirail. Những người thầy đáng kính ấy đã vượt hàng ngàn km để mang đến cho chúng tôi nguồn tri thức vô giá của nhân loại. Mái đầu thầy bạc trắng thời gian nhưng tinh thần làm việc của thầy thì thật đáng ngưỡng mộ. Sáng vừa đến sân bay, tối thầy đã lên lớp dạy học ngay, khiến mấy đứa học trò chúng tôi không dám tỏ ra uể oải hay mệt mỏi trong giờ học, mặc dù đã đi làm vất vả cả ngày. Hai năm học cùng các thầy, tôi đã học được rất nhiều điều trong cuộc sống, từ những kiến thức chuyên môn sâu rộng tới cách cư xử giữa con người với nhau.
Những lúc rảnh rỗi, tôi thường vào các mạng xã hội nói chuyện với những người bạn Pháp để hiểu hơn về phong tục tập quán, văn hóa, cuộc sống hàng ngày của họ, cũng là để cải thiện vốn tiếng Pháp mà từ lâu tôi chẳng dùng trong công việc cũng như cuộc sống hàng ngày. Mặc dù chúng tôi chỉ trao đổi thư từ, nói chuyện trên Internet nhưng tôi luôn cảm nhận được tình cảm chân thành của họ. Mỗi dịp sinh nhật, tết năm mới và Noel, chúng tôi trao cho nhau những món quà nhỏ, các danh thiếp chúc mừng kèm theo những lời chúc tốt đẹp nhất. Vậy là tôi đã tìm được những người bạn thực sự trong thế giới ảo, thật tuyệt diệu.
Lâu dần, phong cách nói chuyện lãng mạn, lịch thiệp của người Pháp khiến tôi nhận diện ra họ ngay từ những câu chào hỏi đầu tiên mặc dù mới chỉ nói chuyện qua Internet, chưa nhìn thấy mặt. Khi tạm biệt, họ đều chào tôi bằng từ “bisous, à bientôt” có nghĩa là hôn nhẹ nhàng vào hai má và hẹn gặp lại. Tôi đánh giá rất cao cái bisou của người Pháp, tôi nhận thấy nó giống như một sợi dây tình cảm kết nối nhân loại với nhau. Nó khiến ta cảm thấy sự cởi mở, chân thành, sự gần gũi yêu thương của con người.
Tiếng Pháp như một mối duyên tình mà tôi không sao gỡ nổi. Sau 4 năm học tiếng Pháp ở trường, tôi làm biên dịch tiếng Pháp cho một bản tin của Bộ Công thương. Niềm vui chưa bao lâu, thì Bộ cắt nguồn tiếng Pháp và chuyển sang mua tiếng Anh. Không còn cách nào khác, tôi phải bắt tay vào dịch tiếng Anh từ đó.
Thấm thoát đã 20 năm, tôi chưa một lần sử dụng lại vốn tiếng Pháp. Bởi vậy, nó là nỗi khắc khoải, nỗi luyến tiếc trong tôi mỗi ngày vì lo sợ nó sẽ rời bỏ mình mãi mãi. Người ta nói, học ngoại ngữ giống như leo cột mỡ, ngừng leo là bạn tụt xuống chân cột ngay. Đúng như vậy, khi tôi sinh đứa con thứ hai là lúc tôi nhận ra tôi chẳng còn nhớ nổi viết chữ Bonjour như thế nào cho đúng. Cũng là lúc tôi quyết định phải khôi phục lại vốn tiếng Pháp. Tôi lao vào học lại với một niềm đam mê lớn, ăn với tiếng Pháp, ngủ với tiếng Pháp và giải trí cũng bằng tiếng Pháp, với hy vọng một ngày tôi có thể nói chuyện với người Pháp, giới thiệu cho họ đất nước của tôi.
Kết quả của những nỗ lực lâu dài và bền bỉ đã mang lại cho tôi điều mà tôi mong muốn, tôi có thể nói chuyện thoải mái với những người bạn Pháp đến thăm Hà Nội và hơn nữa, tôi có đủ vốn tiếng Pháp để theo học lớp thạc sĩ “Quản lý các tổ chức” của trường đại học Toulouse - Le Mirail, và tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi.
Bây giờ, tôi sẽ giữ nó mãi mãi như một phần cuộc sống của mình, như nước Pháp là đất nước thứ hai của tôi.
Nguyễn Thu Hường