Thứ năm, 22/5/2025, 08:00 (GMT+7)

Từ ngày biết đến website "Dinh dưỡng mẹ và bé", hay còn gọi phần mềm "Xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng dành cho phụ nữ mang thai, bà mẹ cho con bú và trẻ em từ 7 tháng đến 60 tháng tuổi", chị My, ngụ tại TP HCM thoát được nỗi lo lắng nên nấu món gì cho con ăn.

Nhờ phần mềm, chị có sẵn một danh sách thực đơn cả tuần không món nào giống món nào để thay đổi cho con gái gần 3 tuổi. Đơn cử hôm qua, bé ăn sáng bằng bún bò và sữa tươi không đường. Bữa trưa có cơm trắng, tôm thịt xốt cà, canh mồng tơi nấu thịt, đậu cô ve xào tỏi, tráng miệng là bưởi. Bữa chiều gồm nui sao nấu thịt heo, xoài và sữa tươi không đường. Bữa tối gồm cơm trắng, gà kho khoai môn, canh cải thảo nấu thịt, khoai tây cà rốt xào, tráng miệng là lê. Ngoài ra, bé còn có một bữa phụ là sữa tươi không đường. "Trước đây, khi chưa biết phần mềm này, nhiều món mình muốn làm cho con ăn, như cá lóc và cải ngọt, nhưng bị mọi người can ngăn lại lúng túng", chị My nhớ lại thời con ăn dặm.

Thực đơn bữa trưa cho bé được phần mềm gợi ý.

Mang bầu bé thứ hai, đi khám thai, chị được bác sĩ giới thiệu phần mềm này, về áp dụng cho cả chị và con gái đầu lòng. Ăn uống khoa học theo thực đơn gợi ý trên phần mềm, lần mang bầu này chị tăng cân đúng khuyến nghị cùng với sự phát triển tốt của thai nhi. Đặc biệt, từ ngày áp dụng thực đơn cho con gái lớn, chị thấy bé ăn ngon miệng hơn. "Có lẽ do mình đã chế biến theo đúng công thức chuẩn được gợi ý", chị My chia sẻ. Các món ăn được định lượng rõ ràng cũng giúp chị cung cấp cho bé lượng ăn vừa đủ, tránh được tình trạng mẹ ép con ăn cố, còn con thì khóc lóc muốn bỏ ăn.

Chị My chỉ là một trong số rất nhiều bà mẹ đã tìm thấy lợi ích khi sử dụng phần mềm "Xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng dành cho phụ nữ mang thai, bà mẹ cho con bú và trẻ em từ 7 tháng đến 60 tháng tuổi" - thuộc chương trình "Dinh dưỡng bà mẹ và trẻ em" do Ajinomoto Việt Nam, Cục Bà mẹ và Trẻ em và Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Bộ Y tế) phối hợp triển khai.

Cùng vừa sinh con thứ hai tại bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, chị Thanh Tâm và chị Hải Hà đều được các bác sĩ, điều dưỡng giới thiệu phần mềm. Chị Hà dùng phần mềm để xây dựng thực đơn cho mẹ nhằm đảm bảo sữa cho con bú, đồng thời lên thực đơn nấu cho bé đầu đang tuổi mầm non. Chị cảm thấy rất vui vì con ăn hết các phần ăn của mình. Chị Tâm thì cho biết phần mềm giúp chị tránh được tình trạng suy nghĩ nên cho bé ăn gì khi bắt đầu ăn dặm.

Sản phụ tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM tìm hiểu về phần mềm.

Phần mềm hiện cung cấp một ngân hàng thực đơn hơn 2.000 món ăn cho mẹ và bé (tiếp tục được phát triển vào thời gian tới) giúp người dùng lựa chọn thực đơn của từng ngày, từng tuần cân bằng dinh dưỡng, phù hợp với các giai đoạn phát triển của bé. Trong đó, thực đơn dành cho mẹ được phân chia theo các giai đoạn của thai kỳ và cho con bú. Thực đơn cho bé chia theo các giai đoạn từ khi bé bắt đầu ăn dặm (7-12 tháng, 12-dưới 24 tháng) đến khi bé đã có thể ăn cơm (24-dưới 36 tháng, 36-dưới 48 tháng, 48-60 tháng).

"Các thực đơn trong ngân hàng không lặp lại, cân đối các chất dinh dưỡng, đa dạng thực phẩm, đáp ứng đủ về năng lượng, canxi, rau và trái cây, phù hợp đặc tính sinh lý, khẩu vị vùng miền và dễ dàng áp dụng", chị My nhận xét.

Một thực đơn bữa tối cho mẹ mang thai 3 tháng đầu được gợi ý tại website "Dinh dưỡng Mẹ và bé".

Cùng với thực đơn có sẵn, phần mềm cho phép người dùng tự xây dựng thực đơn từ các món ăn trong ngân hàng. Người dùng có thể linh hoạt thay đổi nguyên liệu, món ăn để phù hợp với điều kiện cá nhân, sở thích, thu nhập... mà vẫn đảm bảo cân bằng dinh dưỡng.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Tố Thư, khoa Phụ sản, bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM nhận xét phần mềm này mang tính thiết thực. Các mẹ dễ dàng áp dụng để chọn các nhóm thực phẩm bổ sung, nâng cao chất lượng dinh dưỡng cho mình trong thai kỳ và giai đoạn cho con bú. Theo quan sát của bác sĩ, dinh dưỡng của bà mẹ mang thai ở Việt Nam đa số chú trọng vào lượng đạm và béo mà chưa cân đối với lượng chất xơ và các trái cây.

Chị Nguyễn Thị Thùy Dung, nhân viên chăm sóc khách hàng nội trú tại khoa Phụ sản, bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM chia sẻ, trong quá trình trò chuyện, chị biết các sản phụ rất khó khăn trong việc tìm kiếm những nguồn thông tin để tạo ra một thực đơn dinh dưỡng cân bằng cho em bé. "Khi chúng tôi giới thiệu phần mềm này, họ rất thích", chị Dung nói. Chỉ với chiếc điện thoại, các sản phụ có thể tìm kiếm các bữa ăn phù hợp cho bản thân và con trẻ nhờ các thông tin đã được tích hợp. "Trước đây, chưa có phần mềm này, chúng tôi cũng có nhiều nguồn để cung cấp cho các sản phụ và người thân, nhưng các thông tin rời rạc", chị Dung bổ sung.

Sản phụ có thể dễ dàng lên thực đơn phù hợp cho mình và cho con trẻ chỉ với chiếc điện thoại.

Bên cạnh gợi ý thực đơn, phần mềm còn cung cấp công cụ theo dõi tình trạng sức khỏe của mẹ và bé. Khi nhập các số liệu vào phần mềm, người dùng có thể biết được tình trạng sức khỏe của mẹ (theo chỉ số khối cơ thể BMI); sự tăng trưởng cân nặng, chiều cao so với tuổi (Z-score) của trẻ. Đây cũng là chức năng được chị Thanh Tâm và Hải Hà thích nhất ở phần mềm. "Chỉ cần nhập cân nặng và tháng tuổi của bé, cân nặng của mẹ, tôi sẽ theo dõi được quá trình mình chăm sóc bé", chị Hà nói.

Ngoài ra, phần mềm cung cấp các nội dung tư vấn dinh dưỡng, sức khỏe, chế độ ăn phù hợp theo nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị và các thông tin khác dành cho mẹ và bé dưới dạng các bài viết, video... Hiện phần mềm được cung cấp miễn phí tại website Dinh dưỡng mẹ và bé.

Không dừng lại ở nhóm mẹ và bé, Ajinomoto Việt Nam còn xây dựng phần mềm gợi ý các bữa ăn cho học sinh tiểu học bán trú mang tên "Xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng". Đây là một phần trong dự án "Bữa ăn học đường" được công ty phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo, Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Bộ Y tế) triển khai.

Cũng như phần mềm cho mẹ và bé, các thực đơn trong dự án "Bữa ăn học đường" thu hút các bạn nhỏ. Cậu bé Nguyễn Khởi Phong (lớp 3/3 trường tiểu học Nguyễn An Ninh, thành phố Biên Hòa, Đồng Nai) khen các bữa trưa ở trường "rất ngon, bữa nào con cũng ăn hết sạch". Cùng lớp của Phong, cô bé Trương Nguyễn Anh Thư cũng hài lòng với bữa trưa tại trường. Thư cho biết, bản thân không thích ăn rau, nhưng vẫn ăn hết sạch các món rau cũng như toàn bộ suất ăn trong bữa trưa tại trường vì món ăn "vừa miệng".

Học sinh lớp 3/3 trường tiểu học Nguyễn An Ninh, thành phố Biên Hòa, Đồng Nai hào hứng trước giờ ăn bán trú.

Cô Hoàng Thị Ngọc - hiệu trưởng trường tiểu học Nguyễn An Ninh cho biết nhà trường tham gia dự án "Bữa ăn học đường" từ cuối năm 2018. Để có được những bữa ăn cân bằng dinh dưỡng cho học sinh, nhà trường cùng công ty cung cấp suất ăn phát triển thực đơn dựa trên gợi ý của phần mềm sao cho phù hợp hơn với khẩu vị của các em học sinh cũng như điều kiện thực tế địa phương. "Rong biển tốt cho các em nhưng giá thành và nguồn nhập nguyên vật liệu chưa đáp ứng được, lâu lâu nhà trường mới cho các em làm quen", cô hiệu trưởng ví dụ. Hay món đậu hũ, thực đơn của phần mềm gợi ý chế biến cùng thịt bằm, nấm, nhà trường đổi thành đậu hũ, thịt bằm, xốt cà chua, hợp khẩu vị học sinh hơn. "Mỗi lần điều chỉnh, chúng tôi đều trao đổi và nghe ý kiến của các chuyên gia dinh dưỡng", cô Ngọc cho biết.

Cô Hoàng Thị Ngọc - hiệu trưởng trường tiểu học Nguyễn An Ninh phát biểu trong buổi giới thiệu về chương trình bán trú của nhà trường với đoàn khách tham quan từ công ty Ajinomoto Việt Nam hôm 17/4.

Hiện nay toàn bộ các bữa bán trú của trường đều xây dựng dựa trên phần mềm. Các thực đơn đều đảm bảo an toàn với học sinh và dinh dưỡng cân bằng. Học sinh được ăn uống điều độ, không ăn quá nhiều một thực phẩm nào đó. "Các thầy cô thường xuyên theo dõi các con có ăn hết suất không, nhất là rau, trái cây, củ quả, có ăn đa dạng thức ăn cá, tôm không, vì trẻ tiểu học thường chỉ thích trứng sữa", cô Ngọc tiếp tục chia sẻ. Điều khiến các thầy cô rất vui là hầu hết các em ăn hết sạch suất ăn của mình. Nhà trường cũng thường xuyên đánh giá chỉ số BMI của học sinh để biết trong quá trình các con ăn bán trú tại trường có phát triển cân bằng không.

Học sinh thưởng thức bữa trưa được xây dựng theo dự án "Bữa ăn học đường".

Bữa ăn bán trú xây dựng theo phần mềm đã thu hút phụ huynh đăng ký cho con bán trú tại trường Nguyễn An Ninh. Theo cô hiệu trưởng, thời gian đầu trường tổ chức bán trú, chỉ khoảng 50-60% học sinh trong trường đăng ký, sau đó tăng lên 70%. Từ khi nhà trường tham gia "Bữa ăn học đường", hơn 90% phụ huynh tự nguyện đăng ký cho con bán trú.

Cũng như phần mềm thực đơn dành cho mẹ và bé, phần mềm "Xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng" cho phép áp dụng thực đơn có sẵn hoặc linh động tạo ra những thực đơn mới cân bằng về dinh dưỡng cho học sinh. Ngân hàng thực đơn hiện gồm 120 thực đơn sẵn có với trên 360 món ăn không lặp lại cho bữa trưa, đã được cân bằng dinh dưỡng theo nhu cầu lứa tuổi, được phân chia theo 3 khu vực miền Bắc, Trung và Nam. Phần mềm còn có công cụ giúp nhà trường tính toán và quản lý nguyên liệu cho bữa ăn của học sinh.

Một thực đơn bữa trưa của các em trường Nguyễn An Ninh được cung cấp theo gợi ý từ phần mềm.

Mỗi trường tiểu học bán trú tham gia dự án "Bữa ăn học đường" sẽ đăng kí một tài khoản để sử dụng đầy đủ các chức năng trong phần mềm, được cung cấp miễn phí tại website của dự án. Cùng với thực đơn cân bằng dinh dưỡng, dự án còn tích hợp mô hình "Bếp ăn mẫu bán trú" theo tiêu chuẩn Nhật Bản, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt, dự án còn tích hợp chương trình giáo dục dinh dưỡng "3 phút thay đổi nhận thức" - giáo dục kiến thức dinh dưỡng để các em hình thành thói quen ăn uống đa dạng thực phẩm, lành mạnh.

Tại lớp học của Khởi Phong và Anh Thư, trước bữa trưa, cô giáo sẽ chọn một video giới thiệu một thực phẩm có trong bữa đó để các em đều hào hứng ăn. Ví dụ bữa ăn có su su thì cả lớp sẽ được xem video về quả su su chứa nhiều chất xơ tốt cho sức khỏe. "Về nhà con sẽ kể cho ba mẹ biết lợi ích của quả su su để khuyến khích cả nhà cùng chăm ăn rau", Khởi Phong chia sẻ. Các video giáo dục dinh dưỡng còn giúp các em học thêm nhiều từ vựng tiếng Anh liên quan đến thực đơn, cũng như hình thành ý thức quý trọng thực phẩm, tiết kiệm nước...

Lớp của Khởi Phong tìm hiểu kiến thức dinh dưỡng trước bữa ăn qua chương trình giáo dục "3 phút thay đổi nhận thức".

Bà Ngô Thị Thu Hà, Phó phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Biên Hòa cho biết, địa phương bắt đầu triển khai dự án "Bữa ăn học đường" từ cuối năm 2018, nhằm mục tiêu "đảm bảo mọi học sinh đều được tiếp cận những bữa ăn chất lượng, an toàn, cân đối dinh dưỡng ngay tại trường học". Hiện 22 trường tiểu học công lập có tổ chức bán trú trên địa bàn đều áp dụng các thực đơn theo gợi ý của phần mềm. Bà Hà nhận xét, "Bữa ăn học đường" là một chương trình có ý nghĩa quan trọng, thể hiện sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, chính quyền, của ngành giáo dục và xã hội đối với sức khỏe và sự phát triển toàn diện của các em học sinh. Một bữa ăn không chỉ đơn thuần cung cấp đủ năng lượng cho học sinh hoạt động trong một ngày ở trường mà còn giúp các em phát triển toàn diện cả về thể chất trí tuệ, tăng cường sức đề kháng và giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến vấn đề dinh dưỡng.

Được thành lập năm 1991, từ sản phẩm đầu tiên là bột ngọt Aji-No-Moto, Ajinomoto Việt Nam không ngừng nghiên cứu, phát triển để đa dạng hóa danh mục sản phẩm. Ở thời điểm hiện tại, công ty có hơn 40 sản phẩm, đáp ứng nhu cầu không ngừng thay đổi của thị trường. Gần đây, công ty liên tục cho ra mắt nhiều dòng sản phẩm hướng đến nhu cầu ăn uống lành mạnh. Mới đây, nhất là thực phẩm bổ sung Blendy dạng trà hòa tan có chứa các thảo mộc truyền thống với công thức ít đường, đặc biệt bổ sung Glycine là axit amin hỗ trợ cải thiện chất lượng giấc ngủ. Dòng sản phẩm gồm Blendy trà tim sen gừng táo đỏ và Blendy trà saffron hương hoa hồng.

Doanh nghiệp đặt mục đích tồn tại là "Góp phần mang lại sức khỏe và hạnh phúc cho người dân và xã hội Việt Nam thông qua việc cung cấp những sản phẩm chất lượng và sáng kiến có giá trị với nền tảng "Khoa học về Axit amin" ("AminoScience"). Bên cạnh các sản phẩm chất lượng, Ajinomoto Việt Nam không ngừng thúc đẩy các sáng kiến trong lĩnh vực dinh dưỡng và sức khỏe, môi trường. Trong đó, dự án "Bữa ăn học đường" và chương trình "Dinh dưỡng bà mẹ và trẻ em" nhằm đóng góp vào nỗ lực chung cải thiện tình trạng dinh dưỡng của bà mẹ và trẻ em, từ đó góp phần cải thiện dinh dưỡng và sức khỏe cho thế hệ tương lai Việt Nam.

Để lan tỏa chương trình "Dinh dưỡng bà mẹ và trẻ em", Ajinomoto Việt Nam phối hợp các sở Y tế, trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh thành cả nước liên tục tổ chức hội nghị và các lớp tập huấn thúc đẩy triển khai phần mềm "Xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai, bà mẹ cho con bú và trẻ em từ 7 tháng đến 60 tháng tuổi". Đến nay, đã có hơn 19.000 cán bộ y tế và hơn 1,5 triệu bà mẹ cả nước truy cập và sử dụng các nội dung của chương trình để chăm sóc sức khỏe dinh dưỡng cho bản thân và con nhỏ.

Truyền thông về chương trình Dinh dưỡng bà mẹ và trẻ em tại khoa Sản - Phụ khoa, bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM.

Song song đó, Ajinomoto Việt Nam cũng phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức các lớp tập huấn của dự án "Bữa ăn học đường" tại các tỉnh thành phố. Hiện nay, dự án đã được triển khai tại hơn 4.300 trường tiểu học bán trú trên toàn quốc, mang đến bữa ăn cân bằng dinh dưỡng đồng thời giáo dục kiến thức dinh dưỡng về thực phẩm cho hơn 2,2 triệu học sinh.

Nội dung: Hoàng Anh
Ảnh: Quỳnh Trần, Hoàng Anh, Ajinomoto
Thiết kế: Thái Hưng