- Sau cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ VN, chị từng tuyên bố sẽ chỉ dự thi các cuộc thi sắc đẹp có uy tín, vậy cuộc thi chị vừa tham gia có ý nghĩa thế nào?
- Đó là sự kiện do Hội liên hiệp các Trung tâm đào tạo người mẫu và tài năng quốc tế (viết tắt IMTA) tổ chức, diễn ra tại New York, Mỹ. Đây là một sân chơi lớn cho tất cả trường về đào tạo diễn viên, người mẫu thuộc thành viên của tổ chức này trên khắp thế giới.
Cuộc thi năm nay có 4.000 thí sinh là người mẫu thuộc nhiều độ tuổi, từ thiếu niên đến trưởng thành. Đây là cuộc thi mà tôi mong chờ được tham dự từ hè năm ngoái, trước khi có ý định dự cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ VN, vì đây là một sự kiện rất thú vị để thể hiện bản thân và học hỏi được nhiều kỹ năng quý giá trong giao tiếp, ứng xử, trình diễn... chứ không chỉ là cạnh tranh nhan sắc.
Trải qua 3 ngày thi vất vả, tôi đoạt được giải ba phần trình diễn trang phục dạ hội, lọt vào top 15 người mẫu được bình chọn là có thể hình đẹp nhất trong năm (Female fitness model of the year), nhận 2 huy chương danh dự trong phần thi áo tắm và phần thi trang điểm.
![]() |
Dương Trương Thiên Lý trong trang phục dạ hội của nhà thiết kế Công Trí, vừa đoạt giải ba cuộc thi người mẫu của IMTA, Mỹ. Ảnh: Quốc Huy. |
- Chị đã chuẩn bị cho cuộc thi thế nào?
- Sau khi hoàn thành các nhiệm vụ từ cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ VN về, tôi chỉ có một thời gian ngắn tập luyện với những chuyên gia của trường John Robert Powers và nhờ nhà thiết kế Công Trí thực hiện một bộ áo dạ hội. Khi tôi mặc bộ áo này trên sàn diễn khách sạn Hilton, New York, mọi người đã ồ lên vì thích thú.
- Chị du học tại Mỹ từ năm lớp 11, có phải vì thế mà âm sắc giọng nói của chị lơ lớ giống người nước ngoài?
- Không phải, giọng nói của tôi từ trước khi đi học ở Mỹ đã như vậy. Tôi là con gái miền Tây chính gốc mà (cười). Qua Mỹ học đã lâu nhưng tôi vẫn chưa nguôi được cảm giác nhớ nhà nên cứ phải đi đi về về hoài. Tôi nhớ nhất là quê nội của tôi ở Đồng Tháp. Mùa nước nổi về quê chơi vui lắm, được nhìn người ta đi câu cá rô, được chèo xuồng... Tôi nghĩ nhớ nhà là tâm trạng chung của tất cả du học sinh, và chính vì thế, với những du học sinh thật sự thì tinh thần dân tộc của họ rất cao.
- Chuyên ngành học tại Mỹ của chị là gì?
- Hết hè này tôi sẽ là sinh viên năm 2 ngành kinh doanh đối ngoại của ĐH Saint Mary. Thú thật, đây là giai đoạn tôi đang đấu tranh tư tưởng rất nhiều vì bên cạnh việc học còn rất nhiều cơ hội trong lĩnh vực nghệ thuật mở ra phía trước. Khi được một danh hiệu về sắc đẹp và xuất hiện thường xuyên trên các phương tiện truyền thông, tôi cũng nhận được rất nhiều lời mời làm người mẫu thời trang, quay phim, quảng cáo, rồi phỏng vấn...
Tôi biết để vừa bảo toàn việc học và vừa tham gia vào vào các lĩnh vực này sẽ là rất khó khăn. Tôi đã nói với ba mẹ: "Bây giờ con còn trẻ, ba mẹ hãy xem như đây là dịp cho con thỏa sức tung hoành và nắm bắt những cơ hội đang đến. Còn việc học không bao giờ con bỏ". Anh trai tôi học ngành y, còn chị gái tôi theo học ngành kiến trúc tại Mỹ. Gia đình tôi ai cũng quan niệm muốn có một tương lai lâu dài và vững chắc thì phải chọn tiến thân trên con đường học tập.
- Những sở thích đời thường của chị là gì?
- Ở nhà xem phim, đọc sách, vui chơi cùng gia đình... Tôi thích đọc sách nghệ thuật sống kiểu như cuốn Đắc nhân tâm. Tôi cũng thích sách của nhà văn Sơn Nam. Từ nhỏ ba tôi đã đọc truyện ngắn Sơn Nam cho tôi nghe và cái tình quê man mác trong trang viết của ông khiến tôi nhớ mãi. Hôm trước, đọc báo biết tin nhà văn mất, tôi buồn lắm...
- Tham dự nhiều hoạt động trong cuộc thi Miss Universe vừa qua với tư cách là Đại sứ thiện chí của công ty cổ phần Hoàn vũ - Unicorp, dư âm của cuộc thi để lại trong chị là gì?
- Đó là niềm tự hào. Tôi thấy cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ đã giúp cho người dân Mỹ thay đổi rất nhiều cách nhìn từ trước đến nay về Việt Nam. Thời gian đầu khi tôi qua Mỹ, có người còn hỏi tôi: "Việt Nam của bạn độc lập chưa vậy?". Thực tế, nhiều người Mỹ còn nhìn về Việt Nam như là một quốc gia chiến tranh, nghèo nàn và lạc hậu. Nhưng từ cuộc thi, đã rất nhiều người thay đổi cách nhìn này.
Tôi là Đại sứ thiện chí nên có dịp tiếp xúc nhiều với êkíp ban tổ chức đến từ Mỹ cũng như giới truyền thông Mỹ và họ đều có ấn tượng tốt với Việt Nam. Sắp tới, số tuần san của báo The New York Times sẽ dành 20 trang giới thiệu về đất nước, con người và cảnh đẹp của Việt Nam nữa. Rõ ràng, Việt Nam đang ngày càng xứng đáng là một trong những nước được yêu thích nhất tại châu Á.
- Ai là những người có ảnh hưởng đến cuộc sống của chị nhất?
- Đó chính là ba và mẹ. Ba tôi hiện là giảng viên ĐH Khoa học tự nhiên TP HCM, còn mẹ lúc trước là bác sĩ chuyên khoa mắt. Từ khi các anh chị của tôi sang Australia rồi sau đó sang Mỹ du học, mẹ đã bỏ nghề để theo sát anh chị em tôi. Ba mẹ dạy dỗ anh em chúng tôi rất cẩn thận. Bản thân tôi luôn nhận thức được rõ ràng rằng hoàn cảnh gia đình mình may mắn và hạnh phúc hơn nhiều người khác, vì thế càng phải cố gắng sống tốt, sống có trách nhiệm.
Có điều thú vị là nếu ai hỏi tôi thích giống ba hay giống mẹ thì tôi sẽ trả lời là thích giống bà cố hơn. Bà cố của tôi năm nay đã gần 100 tuổi và bà rất đẹp (cười).
Anh Vân thực hiện