
1. Sử dụng chất làm sạch
Ngoài phần đế, mũi giày là nơi dễ bị bẩn nhất. Trong khi đó, nếu dùng xà phòng hoặc bột giặt thường sẽ làm hỏng chất liệu. Vì vậy, bạn nên có sẵn một chai dung dịch để làm sạch. Bằng không, những vết bẩn bám lâu ngày sẽ làm cho đôi giày của bạn mau chóng xuống sắc và giảm chất lượng. Cách lau giày rất đơn giản: chỉ cần cho chất làm sạch lên một chiếc bàn chải, nhúng đầu bàn chải vào một bát nước rồi dùng nó để chà lên giày. Khi thấy lên bọt, bạn chỉ cần dùng khăn lau lại.

2. Chọn bàn chải phù hợp
Bàn chải là vật dụng mà bạn cần chú ý khi làm sạch giày. Hãy chọn các loại bàn chải lông mềm để tránh gây hỏng vải.

3. Làm sạch cả dây giày
Một đôi giày đẹp đồng nghĩa dây giày phải sạch. Tuy vậy, bạn không nên dùng thuốc tẩy pha với nước nóng để giặt dây giày bởi chúng sẽ làm các sợi vải trở nên yếu hơn. Thay vào đó, hãy giặt dây giày với nước ấm trước, sau đó dùng dung dịch làm sạch giày để làm trắng rồi xả với nước. Lặp lại các bước thêm một lần nữa là dây giày sẽ trắng tinh trở lại mà không giảm chất lượng.

4. Chú ý khi làm sạch giày da lộn
Sau khi giặt giày da lộn, bạn nên để giày khô rồi xịt thêm dung dịch dưỡng vào và để khô qua đêm. Nhờ đó, tuổi thọ của giày sẽ kéo dài thêm 7-8 tháng tiếp theo.

5. Chống mùi cho giày
Mồ hôi chân tạo ra mùi khó chịu cho đôi giày. Do đó, sau khi giặt giày xong, bạn hãy để giày khô rồi dùng thuốc khử mùi xịt vào. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể sử dụng các loại tất hút ẩm để tránh mồ hôi ngấm vào tấm lót.

6. Dùng giấy hút ẩm
Các chuyên gia cho biết các tấm hút ẩm chuyên dụng khi được đặt vào trong giày và để qua đêm sẽ loại bỏ được các loại mùi khó chịu do mồ hôi hoặc dung dịch làm sạch giày.
Thành Trương
Ảnh: GQ