Đoạn tiếp theo của bài thơ:
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm,
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời.
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống,
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi.
Anh bạn dãi dầu không bước nữa,
Gục lên súng mũ bỏ quên đời!
Chiều chiều oai linh thác gầm thét,
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người.
Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói,
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi.
Theo chú giải của sách giáo khoa Ngữ văn lớp 12, Sài Khao, Mường Lát, Pha Luông, Mường Hịch, Mai Châu là tên các địa phương trong địa bàn hoạt động của đoàn quân Tây Tiến. Với cảm hứng lãng mạn và ngòi bút tài hoa, Quang Dũng đã khắc họa thành công hình tượng người lính Tây Tiến trên nền cảnh thiên nhiên núi rừng miền Tây hùng vĩ, dữ dội và mỹ lệ.
GS Trần Đăng Suyền, trong cuốn Giảng văn Văn học Việt Nam (NXB Giáo dục năm 2001) cho rằng, muốn hiểu được bài thơ Tây Tiến, cần hiểu rõ về đoàn quân này. Địa bàn Tây Tiến đóng quân rất hoang vu, hiểm trở, núi cao, sông sâu, rừng dày, nhiều thú dữ. Dù sống trong hoàn cảnh thiếu thốn, gian khổ, tử vong vì sốt rét nhiều hơn vì đánh trận nhưng những người lính rất lạc quan, vẫn giữ được cốt cách hào hoa, thanh lịch.
Đoàn quân Tây Tiến sau khi hoạt động một thời gian ở Lào, trở về thành lập trung đoàn 52. Đại đội trưởng Quang Dũng ở đó cho đến cuối năm 1948 được chuyển sang đơn vị khác. Rời xa đơn vị cũ chưa được bao lâu, ngồi ở Phù Lưu Chanh, một làng thuộc tỉnh Hà Đông cũ, ông viết bài thơ Tây Tiến. GS Suyền bình giảng, cảm xúc chủ đạo xuyên suốt bài thơ là nỗi nhớ da diết của tác giả, bao trùm lên cả không gian và thời gian.
Nỗi nhớ đơn vị cũ trào dâng, không kìm nén nổi, nhà thơ đã thốt lên thành tiếng gọi. Hai chữ "chơi vơi" như vẽ ra trạng thái cụ thể của nỗi nhớ, hình tượng hóa nỗi nhớ, khơi gợi nguồn cho cảnh núi cao, dốc sâu, vực thẳm, rừng dày liên tiếp ở những câu thơ sau:
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm,
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời.
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống,
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi.
Khổ thơ này là một bằng chứng "thi trung hữu họa", tức trong thơ có họa. Hai câu thơ đầu, những từ đầy giá trị sáng tạo như "khúc khuỷu", "thăm thẳm", "cồn mây", "súng ngửi trời" đã diễn tả đắc địa sự hiểm trở, trùng điệp và độ cao ngất trời của núi đèo Tây Bắc. Câu thơ thứ ba như bẻ làm đôi, diễn rả dốc núi vút lên, đổ xuống gần như thẳng đứng "Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống".
Những tên đất lạ Sài Khao, Mường Lát, Pha Luông, Mường Hịch, những câu thơ nhiều vần trắc đọc lên nghe vất vả nhọc nhằn, được xoa dịu bằng những câu có nhiều vần bằng ở cuối mỗi khổ thơ.
Câu 3: Hình ảnh người lính bị bệnh sốt rét giữa rừng sâu hiểm trở được Quang Dũng thể hiện qua chi tiết nào?