Thật vui khi thấy những người trẻ trong độ tuổi 20-30 như bạn ngày càng quan tâm đến quản trị tài chính cá nhân, đầu tư gia tăng tài sản và đã bắt đầu tiết kiệm, tích lũy để hướng đến các mục tiêu tài chính lớn hơn trong tương lai. Vì vậy, lời đầu tiên là chúc mừng bạn vì đang là những người trẻ cấp tiến, có nền tảng cũng như tư duy về tài chính tốt, từ đó có nhiều cơ hội để phát triển và thịnh vượng trong tương lai.
Câu hỏi bạn đặt ra là các phương án để đầu tư với điều kiện tài chính và thu nhập hiện tại. Tôi sẽ lần lượt gợi ý cho bạn sự lựa chọn thông qua 3 vấn đề sau đây.
Trước hết, chúng ta cần bàn về mục tiêu tài chính. 20-30 tuổi là giai đoạn tạo dựng nền tảng tài chính vững vàng bằng cách tập trung vào việc tăng trưởng thu nhập cá nhân, tích lũy đều đặn và bắt đầu đầu tư để tích lũy kinh nghiệm, xây dựng thói quen lập kế hoạch tài chính, hướng đến các mục tiêu dài hạn.

Minh họa về vòng đời tài chính của mỗi người. Ảnh: FIDT
25 triệu đồng mỗi tháng là mức thu nhập trung bình khá ở TP HCM. Độ tuổi 26 của bạn chưa có quá nhiều nghĩa vụ tài chính (chưa lập gia đình, chưa nuôi con, chưa mua nhà trả góp...). Tuy nhiên mức sống ở thành phố khá cao, nên thu nhập trên cũng cần được quản lý hợp lý để đảm bảo vừa đủ chi tiêu, vừa có tích lũy. Bạn có thể áp dụng nguyên tắc 50-30-20 để tách biệt khoảng 12,5 triệu cho chi tiêu thiết yếu, 7,5 triệu cho chi tiêu cá nhân và 5 triệu cho tiết kiệm, đầu tư. Tỷ lệ này có thể điều chỉnh theo mục tiêu mỗi người.
Như vậy, bạn sẽ có 5-10 triệu để tiết kiệm và đầu tư mỗi tháng. Nếu gia tăng được thu nhập lên 30-50 triệu, con số này có thể nâng lên 12-20 triệu đồng. Khoản này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến mục tiêu tài chính của bạn (khi nào kết hôn, ở thuê hay mua căn hộ, nhà riêng...) và các phân lớp tài sản phù hợp ở phần sau.
Lời khuyên của tôi là nên dành một phần thu nhập để đầu tư cho bản thân về kiến thức, chuyên môn, công nghệ... để gia tăng thu nhập trong tương lai cùng với việc tránh để lạm phát lối sống. Thặng dư tăng sẽ là động lực cho tốc độ tăng trưởng tài sản nhanh hơn.
Vấn đề thứ hai là tích lũy đa dạng tài sản. Trong giai đoạn cần tích lũy tài sản và ưu tiên tăng trưởng, nên tích lũy vào các tài sản có tính linh hoạt, dễ thanh khoản, không cần vốn lớn.
Các kênh có thể tham khảo là quỹ dự phòng (tiền mặt, tiền gửi tiết kiệm, vàng, ngoại tệ) để đảm bảo an toàn tài chính và dùng khi cần thiết; chứng chỉ quỹ hay cổ phiếu. Với mức thu nhập này, bạn cũng có thể đầu tư bất động sản nhưng phải lựa chọn phân khúc phù hợp với dòng tiền và khả năng vay trả hợp lý.
Phân lớp tài sản |
Tỷ lệ khuyến nghị |
Ghi chú |
Quỹ dự phòng (tiền mặt, tiết kiệm) |
10-20% |
Đảm bảo 3-6 tháng chi phí sinh hoạt |
Đầu tư tài chính (cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, ETF) |
20-30% |
Dễ bắt đầu với vốn nhỏ, tăng trưởng tốt |
Tài sản đầu tư (bất động sản trả góp) |
40-50% |
Tăng theo thời gian, nhưng cần vốn và thời gian giữ |
Mục tiêu: Đầu tư tích sản, tăng tài sản ròng, chuẩn bị cho việc mua tài sản lớn |
Cuối cùng, chúng ta sẽ bàn tới việc lựa chọn tài sản đầu tư phù hợp. Trước hết, bạn có đề cập tới bất động sản ven TP HCM. Loại hình này bao gồm các khu vực như Nhà Bè, quận 9 cũ, Long An, Bình Dương, Đồng Nai, đang có tiềm năng rất lớn trong trung và dài hạn, đặc biệt khi các yếu tố về hạ tầng giao thông, đô thị hóa và giãn dân ngày càng rõ nét. Công tác sáp nhập các địa phương cũng tạo ra những bước chuyển dịch trong thời gian sắp tới.
Căn hộ vùng ven sẽ phù hợp với người trẻ có dòng tiền đều đặn, vừa muốn tích sản, vừa muốn có thu nhập từ cho thuê. Ưu điểm là giá vừa túi tiền 1-1,5 tỷ đồng (có thể vay phần còn lại), tạo dòng tiền cho thuê (3-5 triệu mỗi tháng), ổn định về tăng trưởng giá nếu khu vực gần trường học, khu công nghiệp... Nhược điểm là giá trị tăng chậm hơn đất nền (căn hộ trong khoảng thời gian 6-8 năm sau bàn giao khó tăng trưởng về giá), tốn thêm phí bảo trì và quản lý.
Đất nền vùng ven hay ven đô TP HCM cũng sẽ phù hợp với người trẻ đầu tư dài hạn với số vốn nhỏ từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng. Ưu điểm là giá rẻ, dễ tăng giá nếu hạ tầng được đầu tư, ít rủi ro mất giá nếu không vay quá nhiều. Nhược điểm là khó khai thác dòng tiền, thời gian chờ tăng giá có thể dài (3-5 năm).
Để lựa chọn phân khúc bất động sản cho bạn còn phụ thuộc vào khẩu vị và khả năng chịu đựng rủi ro, mục đích đầu tư (để giữ tài sản, tạo dòng tiền hay lướt chờ tăng giá) và thời gian đầu tư (ngắn hạn 1-2 năm, trung hạn 3-5 năm hay dài hạn trên 5 năm) cùng kinh nghiệm đầu tư của bạn.
Tôi cũng muốn phân tích thêm về kênh chứng khoán (chứng chỉ quỹ, cổ phiếu) vì đây là một kênh đầu tư đang được sự ủng hộ của chu kỳ kinh tế và phù hợp với mức đầu tư tích lũy từ số vốn nhỏ. Tuy nhiên nếu bạn chưa có nhiều kinh nghiệm đầu tư tài chính, cần chọn các tổ chức tài chính uy tín để giao dịch và có người tư vấn đồng hành.

Một số chung cư thuộc huyện Bình Chánh (TP HCM), tháng 3/2025. Ảnh: Quỳnh Trần
Nếu bạn muốn bắt đầu sớm và an toàn, tôi đề xuất ở giai đoạn đầu nên gia tăng thu nhập, tích lũy (tiền gửi, chứng khoán, quỹ...) và tìm hiểu pháp lý bất động sản. Sang giai đoạn trung hạn, bạn có thể mua căn hộ nhỏ hoặc đất nền pháp lý rõ ràng ở vùng ven có tiềm năng phát triển. Về lâu dài, bạn cần tái đầu tư khi đất tăng giá hướng đến tài sản cho thuê tạo dòng tiền (nhà phố để ở hoặc cho thuê, căn hộ trung - cao cấp)
Tóm lại, tăng thu nhập sẽ là động lực chính cho việc đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng tài sản cũng như rút ngắn thời gian đạt được mục tiêu tài chính trong tương lai. Đầu tư vào các tài sản vô hình như kỹ năng, mối quan hệ, sức khỏe... cũng là một cách để tăng trưởng bền vững.
Đa dạng hóa là nguyên tắc vàng - không để tất cả trứng vào một giỏ giúp bạn vừa có thể sinh lời, vừa phòng ngừa rủi ro. Lựa chọn tài sản đầu tư phù hợp với khẩu vị rủi ro, kinh nghiệm đầu tư cũng như được hậu thuẫn bởi chu kỳ kinh tế và chuyển đổi kịp thời vào thời điểm thích hợp sẽ giúp tối ưu hiệu quả đầu tư của bạn.
Chúc bạn sẽ lựa chọn được phương pháp và loại hình tài sản đầu tư phù hợp để đạt được các mục tiêu tài chính đã đặt ra. Đây sẽ là bước khởi đầu cho một hành trình thịnh vượng bền vững.
Nguyễn Minh Thành
Cố vấn tài chính
Công ty Tư vấn Đầu tư và Quản lý Tài sản FIDT