Tôi từng chứng kiến cha vì người đàn bà kia mà sẵn sàng phá nát gia đình. Trong một đêm không thể chịu đựng được nữa, mẹ đã đến nhà người đàn bà kia tìm cha. Cha tôi tức điên, đưa mẹ về nhà, những chuyện xảy ra sau đó tôi chỉ dám tóm gọn trong 4 chữ "bạo lực gia đình". Tôi hồi đó chưa biết gì nhưng chỉ biết mẹ khổ. Ám ảnh nhất trong tâm trí tôi là cảnh cha đánh đập mẹ giữa đường, tóc mẹ xõa dài vật vã rồi khóc trước sự chứng kiến của bao người vây quanh. Sau đó là đồ đạc trong nhà lần lượt vỡ nát, mẹ con tôi sang ngủ nhờ nhà hàng xóm.
Từ dạo đó trở đi, gia đình tôi chưa từng có một bữa cơm gia đình. Bữa cơm của nhà tôi là phần ai người đó ăn, chẳng ai ngồi ăn chung và nhìn mặt nhau suốt hơn 13 năm qua.
Mẹ, tôi và chị gái tôi hận cha vì không làm cho gia đình được hạnh phúc. Cha hận chính gia đình mình vì không làm cho ông hạnh phúc. Tôi đi chơi với bạn bè không bao giờ muốn về, bởi làm gì có nhà mà về. Nhà đối với tôi chỉ là nơi che mưa che nắng, là nơi mà khi không biết đi đâu nữa thì mới về. Về nhà, chui vào giường, ngủ tới sáng đi làm, có hạnh phúc đâu mà về. Tôi với bạn đi chơi, chở bạn về nhà, bạn rủ tôi vào nhà ăn cơm. Tôi nói khéo, từ chối ngay. Tôi rất sợ việc ngồi ăn cơm với gia đình người khác, sợ nhìn thấy cảnh họ ăn uống, trò chuyện với nhau, lại nghĩ về nhà mình. Tôi sợ không kìm được rồi lại khóc. Tình cảm gia đình của người ta là thật thiêng liêng, còn đối với tôi thật xa xỉ. Tôi thà lê lết, bê tha uống rượu bia khắp nơi chỉ để về nhà muộn.
Những ngày lễ tết, tất cả những gì gia đình tôi có là con cái ngủ tới trưa, cha đi nhậu nhẹt khắp nơi, mẹ lủi thủi dưới bếp, nấu gì đó gọi hai chị em ăn. Sau bao năm đấu tranh, nhẫn nhịn, mẹ tôi già rồi buông xuôi, mặc cha. Cha tôi cũng mặc gia đình. Thi thoảng, ông xuống nhà vợ bé, thản nhiên gọi điện thoại về nhà bảo: "Ở nhà X rồi, mai về". Mẹ tôi mãi cũng quen, chẳng đợi chồng. Nhiều khi mẹ chỉ mong ông đi nhậu, bình an về đến nhà người đàn bà kia, đừng xảy ra chuyện gì dọc đường là được. Mẹ khổ nhiều, đành chấp nhận, chẳng buồn ghen. Kiếp người như mẹ, tôi nghĩ chỉ có độc nhất trên đời này, chẳng có người thứ hai.
Cha tôi hơn chục năm qua chưa từng xin lỗi mẹ, với con cái thì đương nhiên chẳng cần bận tâm nhiều. Tôi đã làm tất cả để níu ông về với gia đình. Thời học đại học được học bổng, tôi luôn mua đồ cho ông, lúc áo sơ mi mới, lúc giày dép hay món đồ nào đó thật đẹp. Khi đi làm có tiền, trước Tết tôi luôn lì xì ông tiền mặt để mua sắm những món đồ mình thích. Thật tâm tôi nghĩ và mong ông sẽ vì thế mà nhận ra giá trị thật sự của gia đình. Dù muộn màng hay khó khăn trăm bề, tôi vẫn mong có ngày ông nhận ra chỉ có những con người đã và đang sống với ông hàng ngày mới là chỗ dựa duy nhất, thế nhưng có vẻ ông vẫn chưa nhận ra được điều đó.
Vui thì ông đi xuống nhà "người đó", đau ốm bệnh tật ông lại về nhà, để mẹ và chị em tôi chăm sóc. Vậy nên khi ông bị bệnh, nhập viện, tôi chỉ mua gửi áo quần vào. 10 lần ông vào viện, mẹ tôi vào chăm cả 10. Tôi thấy bệnh tình ông nặng thì vào thăm, nhẹ thì tôi tránh né tất, để xem người đàn bà mà ông thường lui tới có xuất hiện chăm được ngày nào khong. Rốt cuộc chỉ có mẹ và chị em tôi là khổ mỗi lần ông đau ốm. Tôi thương ông vì biết đó là người sinh ra mình, có điều cứ nghĩ về những chuyện trong quá khứ là tôi lại không thể gần ông được.
Nay tôi đã lớn, cha mẹ tôi lớn tuổi rồi. Sau tất cả những gì đã xảy ra, tôi rất giận cha nhưng luôn sợ, nỗi sợ vô hình. Gia đình tôi chỉ có 4 người, tôi sợ một ngày cha không còn, bản thân vẫn muốn cha nhận ra gia đình mình mới là quan trọng nhất với ông. Ông là cha tôi, tôi đương nhiên sợ mất cha. Tôi xa cách cha như một cách phản ứng cho những gì ông đã làm, nhưng trên hết tôi biết mình chưa tha thứ cho ông nhưng sẽ không thể tha thứ cho chính mình nếu tương lai không còn cơ hội để làm việc đó. Tôi chưa từng ngồi ăn cơm với cha hơn 13 năm qua, sợ một ngày không có cơ hội làm điều đó nữa. Tôi phải làm sao đây?
Thúy
Độc giả gọi vào số 09 6658 1270 để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc