Khoản tiền này sẽ được dùng để bổ sung biển báo trên một số tuyến đường cho phù hợp với tiêu chuẩn và quy định quốc tế (yêu cầu bắt buộc khi Việt Nam tham gia Hiệp định GMS - Vận tải qua biên giới giữa các nước tiểu vùng sông Mê Công).
Bên cạnh đó, Tổng cục đường bộ cũng dự định thay thế những biển báo quá cũ, điều chỉnh những biển báo gây cản trở tầm nhìn, hiệu lệnh đột ngột, chưa phù hợp thực tế. Đồng thời, khoản kinh phí này cũng được dùng để loại bỏ những biển báo không cần thiết cho người tham gia giao thông, bổ sung biển báo mới tại vị trí đã gây bức xúc cho người dân...
![]() |
Một biển báo sai tốc độ quy định trên đường Hà Huy Giáp, quận 12, TP HCM. Ảnh: Đ.H.
Trong đợt kiểm tra, rà soát hệ thống biển báo, đèn tín hiệu, phân làn đường tại TP HCM và Hà Nội của Bộ Giao thông Vận tải vào tháng 4 vừa qua, hàng loạt biển báo có kích thước, chữ ghi trên biển không đúng quy định, bị hư hỏng hoặc bị cây xanh che lấp làm giảm khả năng nhận biết của người tham gia giao thông đã được phát hiện.
Tại TP Hà Nội, tuyến "đối ngoại" Bắc Thăng Long - Nội Bài và Phạm Văn Đồng có nhiều biển kích thước và chữ nhỏ, thiếu vạch sơn phân làn. Tuyến Mai Dịch - Bắc Ninh thiếu nhiều biển chỉ dẫn địa danh, biển cấm dừng và cảnh báo chiều cao cho xe đi qua hầm chui dân sinh, thiếu vạch sơn giảm tốc cho xe quay đầu, rẽ trái vào hầm chui...
Còn tại TP HCM, các tuyến đường Điện Biên Phủ, xa lộ Hà Nội, đại lộ Đông Tây, đường Võ Văn Kiệt, 3/2, Nguyễn Văn Trỗi, Nam Kỳ - Khởi Nghĩa... đã được tổ công tác phát biện nhiều biển báo bị cây xanh che lấp, có vị trí không phù hợp. Một số vị trí có biển báo người đi bộ nhưng không có vạch sơn chỉ dẫn qua đường, mũi tên hướng dẫn chi tiết cho phương tiện đi đúng làn đường còn thiếu hoặc chưa phù hợp, chưa kết nối hệ thống tín hiệu đường bộ với tín hiệu đường sắt tại các đường ngang...
Hữu Nguyên