Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba trong cuộc điện đàm ngày 1/3 kêu gọi người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị làm trung gian hòa giải cho cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine. Kuleba nói rằng Bắc Kinh đóng vai trò xây dựng về vấn đề này và Ukraine sẵn sàng tăng cường đối thoại với Trung Quốc. Ngoại trưởng Ukraine mong đợi những nỗ lực hòa giải của Trung Quốc sẽ mang tới một lệnh ngừng bắn trong chiến dịch quân sự hiện nay của Nga.
Ý tưởng về vai trò trung gian hòa giải của Trung Quốc cho xung đột Nga - Ukraine đang được chú ý ở châu Âu. Là đối tác chiến lược của Nga và đối tác thương mại quan trọng của Ukraine, Trung Quốc là cường quốc duy nhất trên thế giới có mối quan hệ mạnh mẽ với cả hai phía của cuộc xung đột, theo giới quan sát ở châu Âu.
Trong bài phân tích trên tờ Die Welt của Đức hôm 8/3, bình luận viên Eduard Steiner nhấn mạnh Trung Quốc có mối quan hệ "gần gũi đáng kinh ngạc" với Ukraine và hoàn toàn có thể tác động tới tính toán của Nga trong cuộc khủng hoảng hiện nay.
![Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại quốc yến dành cho lãnh đạo các nước và tổ chức quốc tế tại Bắc Kinh ngày 5/2. Ảnh: Reuters.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2022/04/06/tap-reuters-8571-1646816383-8798-1649263583.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=brLiO1gc539seu93tqPnYQ)
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại quốc yến dành cho lãnh đạo các nước và tổ chức quốc tế tại Bắc Kinh ngày 5/2. Ảnh: Reuters.
Trong khi đó, Mỹ không có nhiều không gian như vậy trong chính sách ngoại giao với cuộc khủng hoảng, David Goldman, nhà phân tích của Asia Times, nhận xét.
Ngay từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, Washington đã tung ra một loạt biện pháp cứng rắn, như cung cấp vũ khí cho Ukraine, cùng lệnh trừng phạt khắc nghiệt nhằm phá vỡ nền kinh tế Nga, trong đó có lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga được công bố ngày 8/3.
"Lập trường của Washington không hiệu quả. Nếu các biện pháp trừng phạt và cung cấp vũ khí không giúp phá vỡ ý chí của Nga, kết quả duy nhất có thể là một cuộc đối đầu vĩnh viễn", Goldman nhận định.
Theo quan điểm của châu Âu, Mỹ đang phản ứng "thái quá". Anh và châu Âu không áp lệnh cấm năng lượng Nga, bởi thiệt hại tiềm tàng đối với châu Âu là rất nghiêm trọng khi lục địa phụ thuộc nhiều vào nguồn khí đốt của Moskva.
Trong khi đó, Trung Quốc có cơ hội làm tốt vai trò trung gian hơn, khi họ có mối quan hệ tốt với Nga, Ukraine và có thể đối thoại với châu Âu.
Trong cuộc họp trực tuyến ba bên với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm 8/3, Chủ tịch Tập Cận Bình nói "Trung Quốc đánh giá cao những nỗ lực của Pháp và Đức để làm trung gian hòa giải tình hình ở Ukraine, đồng thời sẵn sàng duy trì liên lạc và phối hợp với Pháp, Đức, EU, cũng như đóng vai trò tích cực với cộng đồng quốc tế".
Ông Tập nhấn mạnh các bên "cần cùng nhau ủng hộ các cuộc đàm phán hòa bình Nga - Ukraine, giúp hai bên duy trì đối thoại, vượt qua rào cản để đạt được kết quả và hòa bình". Lãnh đạo Trung Quốc cũng kêu gọi kiềm chế tối đa để ngăn một cuộc khủng hoảng nhân đạo quy mô lớn.
"Trung Quốc sẵn sàng cung cấp thêm viện trợ nhân đạo cho Ukraine. Chúng ta cần hợp tác để giảm tác động tiêu cực của cuộc xung đột", ông Tập nói.
Chủ tịch Tập Cận Bình thêm rằng Trung Quốc sẽ hỗ trợ Pháp và Đức hành động vì lợi ích của châu Âu, cũng như thúc đẩy khuôn khổ an ninh châu Âu bền vững, hiệu quả và cân bằng. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng hy vọng có một cuộc đối thoại bình đẳng giữa châu Âu, Nga, Mỹ và NATO.
Những tuyên bố của lãnh đạo Trung Quốc đã mở ra hy vọng về khả năng Bắc Kinh sẽ đảm trách vai trò trung gian hòa giải, mang tới lối thoát cho cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine.
Giới quan sát cho rằng Trung Quốc có cơ sở để thúc đẩy vai trò này. Các nhà đầu tư Trung Quốc đã rót 2 tỷ USD vào Ukraine mỗi năm kể từ khi nước này trở thành quốc gia đầu tiên ký tuyên bố tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường năm 2017. Nhập khẩu của Trung Quốc từ Ukraine đã tăng lên gần 8 tỷ vào năm 2020, so với mức hơn 4 tỷ một năm trước đó.
Bản thân Trung Quốc cũng chịu tác động từ cuộc xung đột Nga - Ukraine. Những lo ngại về vận chuyển hàng hóa an toàn từ Trung Quốc tới châu Âu bằng tuyến đường sắt qua Nga đã khiến Bắc Kinh mất nhiều đơn hàng.
Để thực hiện được vai trò trung gian hòa giải của mình, Trung Quốc rất cần sự ủng hộ của châu Âu, theo nhà phân tích Goldman, bởi kịch bản lý tưởng duy nhất là các bên quay lại với thỏa thuận Minsk, vốn được Nga, Ukraine, Pháp và Đức ký nhằm tìm giải pháp hòa bình cho miền đông Ukraine. Ngoài ra, Ukraine có thể phải từ bỏ ý định gia nhập NATO và công nhận các vùng độc lập ở Donetsk và Lugansk, cũng như bán đảo Crimea thuộc về Nga.
"Trung Quốc và cộng đồng châu Âu cũng cần có những cam kết đáng kể về viện trợ tái thiết. Châu Âu sẽ dỡ các lệnh trừng phạt với Nga, trong khi Kiev và Moskva đều có thể tuyên bố chiến thắng theo những cách riêng" theo một thỏa hiệp dưới sự trung gian hòa giải của Bắc Kinh, Goldman viết.
Thanh Tâm (Theo Asia Times, SCMP, DW)