Nhằm phân tích sâu và tìm lời giải cho bài toán tối ưu vận hành ngân hàng bằng công nghệ, VnExpress tổ chức tọa đàm trực tuyến "Giải pháp công nghệ vận hành không gián đoạn cho ngành ngân hàng" lúc 10h ngày 5/8.
Tham gia tọa đàm có ông Bùi Đình Giáp - Nhà sáng lập, Giám đốc Nền tảng tự động hóa quy trình nghiệp vụ akaBot của FPT Software; ông Tống Văn Tiến, Giám đốc đổi mới số Khối công nghệ thông tin, Ngân hàng TPBank; ông Nguyễn Hoàng Thao - Phó Giám đốc Mảng tư vấn rủi ro Công ty TNHH Deloitte Việt Nam.
![Các diễn giả FPT Software, TPBank, Deloitte Việt Nam (lần lượt từ trái qua phải) tham gia chia sẻ kiến thức tại Tọa đàm Giải pháp công nghệ vận hành không gián đoạn cho ngành ngân hàng. Ảnh: Nhân vật cung cấp.](https://vcdn1-sohoa.vnecdn.net/2021/08/04/CTO-Thumb-0308-1-3146-1628074609.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=JkS6Wjn4lOuDckg8iVC4RA)
Các diễn giả FPT Software, TPBank, Deloitte Việt Nam (lần lượt từ trái qua phải) tham gia chia sẻ kiến thức tại Tọa đàm 'Giải pháp công nghệ vận hành không gián đoạn cho ngành ngân hàng'. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Các diễn giả sẽ chia sẻ thực trạng ngân hàng khi tối ưu vận hành quy trình nội bộ bằng công nghệ, lợi ích so với mức đầu tư ra sao. Các nhà băng trên thế giới đã triển khai chiến lược số hóa và ứng dụng các giải pháp công nghệ mới thế nào. Câu hỏi "liệu có thể áp dụng phương pháp chuyển đổi số trong ngân hàng cho doanh nghiệp thuộc lĩnh vực khác, hướng tới kinh doanh không gián đoạn trong Covid-19 được không?" cũng sẽ được thảo luận tại tọa đàm trực tuyến.
Trong những năm gần đây, chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng đang trở thành một xu hướng phát triển. Đến khi Covid-19 bùng phát, làn sóng này càng bùng nổ khi các tổ chức tài chính đứng trước thách thức lớn trong việc tổ chức, vận hành để bộ máy hoạt động một cách mượt mà, không gián đoạn. Đây là một bài toán khó, không chỉ trong giai đoạn giãn cách xã hội mà còn trong tương lai nhằm khi tối ưu hóa quy trình vận hành của các ngân hàng.
Năm 2020 được xem là dấu mốc tích cực với các ngân hàng trong chuyển đổi số với loạt hoạt động chuyển đổi liên quan đến công nghệ và eKYC. Báo cáo kết quả khảo sát thực trạng, hành vi thanh toán qua các kênh của người tiêu dùng Việt Nam cuối tháng 10 do IDG thực hiện cho thấy, tỷ lệ thanh toán không tiền mặt trong đợt khảo sát kỳ này tăng từ mức 21% lên 28%.
Sau thời gian thử nghiệm ở một số ngân hàng thương mại, khung pháp lý cho việc mở tài khoản dựa trên hình thức định danh điện tử (eKYC) chính thức được quy định trong Thông tư 16 do Ngân hàng Nhà nước ban hành. Điều này tạo bước ngoặt quan trọng trong quá trình chuyển đổi số của ngành.
Bên cạnh đó, hình thức thể hiện phương án chuyển đổi số của ngân hàng cũng đa dạng. Trong đó, có ngân hàng chọn cách giới thiệu robot hỗ trợ giao dịch, hay nhiều đơn vị đầu tư nhiều vào các hệ thống giao dịch ATM như TP Bank. Cũng theo báo cáo của IDC, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng ví điện tử giai đoạn 2017-2022 đạt 67%, xếp thứ ba trong khu vực châu Á Thái Bình Dương, đứng sau Trung Quốc và Hàn Quốc.
Tọa đàm nằm trong chuỗi chương trình CTO Summit, là diễn đàn để các CEO, CTO cùng lãnh đạo công nghệ kể những câu chuyện, bài học về chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Đồng thời, các lãnh đạo tập đoàn chia sẻ những khó khăn gặp phải, cách thúc đẩy quá trình chuyển đổi số cho doanh nghiệp của mình.
Ông Bùi Đình Giáp có 13 năm kinh nghiệm trong ngành Công nghệ Thông tin, gia nhập FPT từ năm 2015, là người dẫn dắt hơn 50 dự án tư vấn và triển khai RPA cho các doanh nghiệp trên toàn cầu, tiêu biểu như: GE, Halliburton, HSBC, Panasonic, TPBank.
Ông Tống Văn Tiến có hơn 25 năm kinh nghiệm là quản lý trong ngành ngân hàng tại Việt Nam, Singapore, các nước châu Á. Chuyên gia có nền tảng kiến thức chuyên môn sâu rộng trong lĩnh vực kinh doanh, vận hành ngân hàng, các giải pháp, chiến lược về lĩnh vực công nghệ.
Ông Nguyễn Hoàng Thao hiện là Phó giám đốc Mảng tư vấn rủi ro Công ty TNHH Deloitte Việt Nam. Ông Thao là kỹ sư công nghệ thông tin và thạc sĩ kinh tế, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Quản trị rủi ro trong ngân hàng và Tối ưu hóa quy trình doanh nghiệp.
Lê Nguyễn