Theo thống kê vừa công bố của Savills Hotels, tính đến tháng 2, khoảng 64 thương hiệu khách sạn khu vực và quốc tế đã hiện diện ở Việt Nam. Con số này dự kiến có thể tiếp tục tăng lên trong những quý tới.
Đại diện cho làn sóng này có thể kể đến thương vụ hợp tác chiến lược giữa Công ty cổ phần Vinpearl và Tập đoàn khách sạn Meliá Hotels International. Vinpearl sẽ hợp tác chuyển giao quyền quản lý 12 khách sạn, khu nghỉ dưỡng cho Meliá Hotels International. Việc đồng hành cùng với các đơn vị điều hành quốc tế giúp các khách sạn có thể tiếp cận tệp khách hàng rộng hơn, đặc biệt là thị trường khách nước ngoài.
Số dự án khách sạn và resort nghỉ dưỡng có thương hiệu tại Việt Nam đã tăng từ 36 dự án (8.200 phòng) vào năm 2010 lên đến 120 dự án (32.000 phòng) vào cuối tháng 1/2022. Trước đây các đơn vị điều hành quốc tế và khu vực có xu hướng chú trọng sự hiện diện tại các thị trường trọng điểm như TP HCM, Hà Nội, Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc thì nay các điểm đến du lịch đang phát triển (Hồ Tràm, Đà Lạt, Phan Thiết, Quy Nhơn...) cũng được chú ý.
Sau hai năm ngành khách sạn chịu ảnh hưởng nặng nề do tác động của dịch Covid, năm 2022 dự kiến đón nhận nhiều dự án khách sạn mang thương hiệu quốc tế đi vào hoạt động tại các thị trường du lịch quen thuộc như Regent Phú Quốc, Voco Hotel Đà Nẵng, Best Western Plus Marvella Nha Trang, Radisson Resort Phan Thiết, Mercure Đà Lạt...
![Thị trường du lịch nghỉ dưỡng dọc bờ biển ở TP Nha Trang. Ảnh: Khoa Trần](https://vcdn1-kinhdoanh.vnecdn.net/2022/03/06/NhaTrang-KhoaTran-32-5020-1646539589.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=62eyL0sVisBSpeSLD9Vghw)
Thị trường du lịch nghỉ dưỡng dọc bờ biển ở TP Nha Trang. Ảnh: Khoa Trần
Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels APAC cho biết, chủ đầu tư các khu nghỉ dưỡng ngày càng hiểu rõ hơn vai trò và giá trị của thương hiệu quốc tế đối với việc khai thác vận hành các dự án. Việc hợp tác với các thương hiệu khách sạn giúp đem đến giá trị cho dự án ngay từ giai đoạn ban đầu thông qua các dịch vụ tư vấn kỹ thuật và tiền khai trương, nhằm đảm bảo dự án đạt được các tiêu chuẩn thiết kế và có khả năng vận hành hiệu quả, tối ưu chi phí khi đi vào hoạt động.
Đến giai đoạn vận hành, thông qua các hệ thống phân phối, chương trình hội viên và mạng lưới marketing toàn cầu, thương hiệu khách sạn giúp dự án gia tăng tính cạnh tranh. Với các thị trường đang phát triển như Hồ Tràm, Phan Thiết, Đà Lạt..., sự hiện diện của các thương hiệu quốc tế cũng sẽ tạo đà phát triển cho khu vực, giúp thu hút thêm nhiều nhà đầu tư và góp phần gia tăng nhận diện khu vực thành điểm đến quốc tế trong tương lai.
Việc song hành cùng với các thương hiệu quốc tế còn giúp gia tăng tính cạnh tranh cho dự án trong quá trình tiếp cận người dùng. Tuy nhiên điều này cũng đòi hỏi quá trình hoạch định và nghiên cứu kỹ lưỡng để có thể lựa chọn thương hiệu phù hợp với mô hình kinh doanh của dự án khi nhu cầu khách hàng ngày càng phân hoá đa dạng hơn.
Ông Mauro Gasparotti đánh giá, từ quý I/2022, nhiều chủ đầu tư cũng như đội ngũ vận hành khách sạn đang mạnh dạn tái khởi động hoạt động kinh doanh, triển khai các kế hoạch tuyển dụng, đào tạo và thúc đẩy marketing để đón đầu làn sóng phục hồi của thị trường quốc tế.
Nhiều dự án khách sạn cũng đang tích cực đẩy nhanh công tác xây dựng, hoàn thiện và triển khai hoạt động tiền khai trương để có thể chào đón du khách trong. Các khách sạn với hệ thống phân phối và mạng lưới truyền thông toàn cầu có thể tận dụng lợi thế để đồng hành cùng ngành du lịch Việt Nam trong việc quảng bá và thu hút khách quốc tế quay trở lại.
Vũ Lê