Nghệ nhân gói bánh chưng tại lễ hội đền Hùng
Bà Nguyễn Thị Ảnh, người làng Cát Trù, Cẩm Khê, Phú Thọ có biệt tài gói bánh chưng không dùng khuôn, bánh vẫn vuông vắn, "trăm cái như một".
Mỗi dịp xuân về, tỉnh Phú Thọ tổ chức hội thi "Gói Bánh chưng miền Bắc" để chọn ra người tài năng, thanh tú gói những chiếc bánh chưng đẹp, ngon dâng lên vua Hùng tại lễ hội đền Hùng. Bà Nguyễn Thị Ảnh 6 lần giành giải cao tại cuộc thi.
Bà Nguyễn Thị Ảnh sinh ra trong một gia đình 4 đời làm nghề gói bánh chưng. Ngay từ nhỏ, bà đã phụ bố mẹ rửa lá, đãi gạo, gói bánh. "Ngày đi lấy chồng, của hồi môn lớn nhất mà cha mẹ cho tôi chính là nghề gói bánh. Đây là tâm huyết cả đời, dù phải thức khuya dậy sớm nhưng chưa bao giờ tôi có ý định bỏ. Tôi chỉ mong sao các con của mình sẽ giữ gìn, phát triển nghề của cha ông", bà tâm sự.
![]() |
Trong một tiếng, bà Ảnh có thể gói từ 50 – 70 chiếc bánh. |
Theo bà, tiêu chuẩn của chiếc bánh tiến vua phải có hình thức đẹp, vuông thành sắc cạnh, màu sắc tươi tắn, gạo rền, thơm hương. Bánh thơm ngon không chỉ bởi lớp nhân đậm đà, lớp vỏ gạo cũng phải dẻo, mềm rền hạt, không nhão. Quá trình tạo nên sản phẩm kỳ công, đòi hỏi người gói có kỹ thuật, tâm huyết.
Người làm bánh chọn kỹ lá dong to bản sạch, gạo nếp chắc mẩy ngâm trong nước mưa lắng lọc, trong ngọt, gói ghém với đậu xanh, thịt tươi thớ nạc thớ mỡ, nêm gia vị muối tiêu thơm nức.
Người Cát Trù không bao giờ gói bánh bằng khuôn, khi gói bánh, phải gói chặt tay thì bánh nấu mới vuông vắn, gạo rền, dẻo. Nếu gói lỏng tay bánh dễ bị nhão, không ngon. Bánh gói xong xếp vào một chiếc nồi lớn, đáy nồi lót một ít lá nhỏ hoặc cuống lá. Bánh xếp từng cặp một, úp vào nhau, chèn cho chặt, đổ ngập nước mưa rồi luộc.
Gia đình bà Ảnh không dùng than để nấu bánh mà chọn các loại củi keo, gỗ nhãn thu mua từ vườn đồi quanh vùng bởi nấu bằng củi cho lượng nhiệt ổn định suốt 10- 12 tiếng.
![]() |
Bánh chưng, bánh giầy là linh hồn của Tết Việt. |
Vào vụ Tết, làng bánh chưng Cát Trù lúc nào cũng đỏ lửa. Mọi người thay phiên nhau trực để thêm củi, pha nước, trung bình 1 - 2 tiếng/lần để nồi bánh đượm lửa, chín đều từ trên xuống dưới.
Khi bánh chín, vớt ra, rửa sạch lớp dầu ở vỏ lá, sau đó xếp bánh lên một chiếc bàn, dùng một tấm ván đặt lên hoặc vật nặng để ép cho bánh ráo nước. Cầm chiếc bánh trên tay, bà Ảnh chia sẻ: "Tôi và gia đình rất vui khi nhiều năm được dâng lên vua Hùng những chiếc bánh chưng mình làm ra. Lúc nào tôi cũng hướng đến vua Hùng để tạo nên những sản phẩm sạch, ngon và đậm bản sắc".
![]() |
Nguyên liệu làm bánh chưng tiến vua được tuyển chọn cẩn thận, có nguồn gốc rõ ràng. |
Theo thời gian, bánh chưng có nhiều cách tân phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng: bánh chưng nhân cá hồi, bánh chưng thực dưỡng,... nhưng người làng Cát Trù vẫn giữ nguyên phiên bản cũ của cha ông.
![]() |
Vào vụ Tết, số lượng người gói bánh chật kín sân nhà. |
Theo bà Ảnh, số lượng bánh gia đình đưa ra thị trường vào mỗi dịp Tết khoảng 22 đến 25 vạn chiếc, gia đình có 5, 6 nhân lực nhưng không thể làm không xuể, phải thuê thêm 15 nhân công, phụ các công đoạn đơn giản. Bánh chưng gói ghém cẩn thận, hút chân không để bảo quản lâu, thuận lợi vận chuyển đi mọi miền tổ quốc.
Phạm Mơ