"Cuộc khủng hoảng thực phẩm ngày càng nghiêm trọng ảnh hưởng đến tất cả, trong đó có những người đang cố gắng cứu sống sinh mạng trong vùng đất bị chiến tranh tàn phá", Philippe Lazzarini, người đứng đầu Cơ quan Cứu trợ và Hành động của Liên Hợp Quốc cho Người tị nạn Palestine (UNRWA), viết trên X hôm 24/7.
Ông mô tả rằng nhân viên y tế tuyến đầu của UNRWA "hiện chỉ sống nhờ vào một bữa ăn ít ỏi mỗi ngày, may mắn thì bữa ăn có thêm đậu". Các nhân viên y tế của cơ quan này tại Gaza "ngày càng kiệt sức và thường ngất xỉu ngay tại chỗ làm vì đói".
Bác sĩ Mohammed Abu Selmia, Giám đốc Bệnh viện al-Shifa ở Gaza City, kể lại với Guardian và mạng lưới Phóng viên Điều tra Arab (ARIJ) rằng đã nhiều lần y bác sĩ ngất xỉu vì đói ngay trong phòng mổ.
"Tôi chưa ăn gì trong hai ngày qua. Gia đình tôi cũng không có gì để ăn. Cả ngày tôi chỉ nghĩ làm sao kiếm được ít bột mì, đậu hay bất cứ thứ gì cho gia đình, nhưng trong chợ giờ chẳng còn gì. Chúng tôi không còn đủ sức để bước đi", một bác sĩ tình nguyện tại bệnh viện al-Shifa chia sẻ.

Phân phát lương thực tại Khan Younis, miền nam Dải Gaza, ngày 22/7. Ảnh: AFP
Cơ quan y tế địa phương cho biết 45 người chết đói ở Gaza trong 4 ngày qua và đang tiếp tục tăng, sau khi Israel siết kiểm soát nguồn viện trợ nhân đạo từ bên ngoài, khiến thực phẩm ngày càng khan hiếm. Theo UNRWA, cứ năm trẻ em ở khu vực Gaza City lại có một trẻ bị suy dinh dưỡng.
"Người dân ở Gaza giờ không còn sống mà cũng chưa chết hẳn. Họ đã trở thành những xác sống đi lại vật vờ", ông Lazzarini dẫn lời một nhân viên tuyến đầu tại Gaza.
Người đứng đầu UNRWA cảnh báo rằng "nạn đói đang âm thầm lan rộng" ở Gaza vì các cơ chế nhân đạo đã sụp đổ, trong khi khả năng tiếp cận thực phẩm và chăm sóc y tế một cách an toàn cho dân thường đã gần như biến mất. Hàng trăm người đã thiệt mạng vì hỏa lực Israel hoặc bị cướp bóc khi tìm đường đến các điểm viện trợ thực phẩm.
Ông Lazzarini nói hầu hết trẻ em mà các nhân viên UNRWA tiếp nhận chăm sóc đều gầy trơ xương, yếu ớt và có nguy cơ tử vong cao nếu không được điều trị kịp thời. Bố mẹ chúng cũng quá đói, không đủ sức lo cho con cái. Những người đến được phòng khám của UNRWA đa phần đã kiệt sức, không thể tự ăn hay làm theo hướng dẫn điều trị.
"Ở nơi người chăm sóc còn không đủ ăn, toàn bộ hệ thống nhân đạo ở khu vực đó đang sụp đổ", ông Lazzarini nhấn mạnh.
Quan chức Liên Hợp Quốc này kêu gọi cho phép các cơ quan nhân đạo được đưa viện trợ đến Dải Gaza mà không bị cản trở hay gián đoạn. Ông cho biết UNRWA hiện có số lượng hàng viện trợ tương đương 6.000 xe tải chở thực phẩm và thiết bị y tế tại Jordan và Ai Cập, nhưng không thể tiếp cận khu vực do các biện pháp hạn chế của Israel.

Khu vực chăm sóc trẻ sơ sinh của tổ chức Đoàn Y tế Quốc tế (IMC) tại Deir Al-Balah, miền nam Dải Gaza, vào tháng 7/2024. Ảnh: AFP
Cuộc chiến tại Gaza đã kéo dài gần hai năm, nhưng mọi nỗ lực hòa bình đều thất bại. Niềm hy vọng vừa nhen nhóm về thỏa thuận ngừng bắn đang dần tan biến sau khi nỗ lực đàm phán mới nhất ở Doha sụp đổ.
Theo dự thảo thỏa thuận hồi tháng 6, các nhà đàm phán trung gian đề xuất ngừng bắn trong 60 ngày, trong thời gian đó Hamas sẽ trả tự do cho 10 con tin còn sống và bàn giao thi thể của 18 người khác, còn Israel phóng thích tù nhân Palestine. Hai bên sẽ tiếp tục đàm phán trong thời gian ngừng bắn nhằm tiến tới hòa bình lâu dài, đồng thời tăng cường viện trợ cho Gaza.
Tuy nhiên, đề xuất phản hồi của Hamas kiên quyết yêu cầu Israel để cho các tổ chức viện trợ được phép hoạt động trong Dải Gaza, thay vì qua cơ chế do Israel kiểm soát, đồng thời chấm dứt hoàn toàn cuộc chiến thay vì chỉ ngừng bắn ngắn hạn.
Mỹ và Israel ngày 25/7 đồng loạt rút đoàn đàm phán khỏi Doha, cáo buộc Hamas không muốn đạt lệnh ngừng bắn ở Gaza. "Họ đã rời khỏi bàn đàm phán, đó là điều đáng tiếc. Hamas thật sự không muốn đạt được thỏa thuận. Tôi nghĩ họ muốn chết", Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 25/7 cho biết.
Trong khi đó, quan chức cấp cao của Hamas Bassem Naim cáo buộc Mỹ rút lại những thỏa thuận mà các bên đạt được và nỗ lực đàm phán của họ " chỉ phục vụ lập trường của Israel".
Israel nhiều lần lập luận rằng truyền thông quốc tế thổi phồng mức độ nghiêm trọng của nạn đói trong vùng chiến sự. Nước này đổ lỗi cho Liên Hợp Quốc và các tổ chức nhân đạo thiếu hợp tác, không đến cửa khẩu nhận hàng viện trợ đưa về các kho phân phát.
Israel trong những tháng qua cho phép viện trợ nhỏ giọt vào Gaza, phần lớn được phân phối bởi Quỹ Nhân đạo Gaza (GHF), một tổ chức tư nhân của Mỹ. GHF vận hành 4 điểm phân phát thực phẩm do lính đánh thuê bảo vệ.
Mô hình này bị các tổ chức quốc tế chỉ trích là "bẫy chết người", khi buộc dân thường phải di chuyển quá xa và tập trung đông đúc, khiến bạo lực dễ bùng phát. Kể từ khi GHF bắt đầu hoạt động tại Gaza gần hai tháng trước, cơ quan y tế Gaza đã thống kê hơn 1.000 trường hợp dân thường thiệt mạng khi đi nhận cứu trợ.
Thanh Danh (Theo Guardian, UN News, Reuters)