VnExpress
Sức khỏe

×
  • Trang chủ
  • Tin tức
  • Hiểu về HPV
  • Hỏi đáp
  • Trở lại Sức khỏe
  • Sức khỏe
  • Tin tức
Thứ tư, 23/7/2025, 14:30 (GMT+7)

Rào cản dự phòng HPV

Dù đã có biện pháp dự phòng hiệu quả, các bệnh lý và ung thư liên quan HPV vẫn đang gây ra gánh nặng tinh thần, vật chất cho cộng đồng.

Human Papillomavirus (HPV) là một trong những virus phổ biến nhất lây truyền qua đường tình dục. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 2019, có hơn 620.000 ca ung thư mới ở phụ nữ và gần 70.000 ca ở nam giới có liên quan đến HPV. Ngoài việc là nguyên nhân của gần 100% trường hợp ung thư cổ tử cung, phân tích dịch tễ học tại Mỹ giai đoạn 2012 - 2016 cho thấy HPV còn là nguyên nhân của khoảng 91% ca ung thư hậu môn, 69% ca ung thư âm hộ, 75% ca ung thư âm đạo.

Tại Việt Nam, theo Globocan 2022, ước tính có hơn 4.600 người được chẩn đoán mắc mới ung thư cổ tử cung, hơn 2.500 trường hợp tử vong do căn bệnh ung thư này ghi nhận. Tuy nhiên, theo PGS.TS.BS Nguyễn Vũ Trung - Phó chủ tịch hội Y học dự phòng Việt Nam kiêm Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM, việc dự phòng HPV vẫn đang đối mặt với nhiều rào cản.

"Nhận thức của cộng đồng về HPV còn nhiều hạn chế. Không ít người cho rằng HPV chỉ ảnh hưởng đến phụ nữ, hoặc chỉ gây mụn cóc sinh dục, mà không biết đến những bệnh lý nguy hiểm hơn như ung thư", Phó Giáo sư Nguyễn Vũ Trung, chia sẻ. Theo Phó Giáo sư, đây chính là một trong những nguyên nhân khiến người dân, đặc biệt là nam giới, chưa chủ động tìm hiểu hoặc thực hiện các biện pháp dự phòng phù hợp.

PGS.TS.BS Nguyễn Vũ Trung, Phó chủ tịch hội Y học dự phòng Việt Nam kiêm Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM cho rằng việc dự phòng HPV vẫn đang đối mặt với nhiều rào cản. Ảnh: Võ Huy Vũ

PGS.TS.BS Nguyễn Vũ Trung, Phó chủ tịch hội Y học dự phòng Việt Nam kiêm Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM cho rằng việc dự phòng HPV vẫn đang đối mặt với nhiều rào cản. Ảnh: Võ Huy Vũ

Mặt khác, tại nhiều địa phương, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, người dân thiếu điều kiện tiếp cận thông tin về HPV do chưa được tuyên truyền đầy đủ, chính xác. "Cán bộ y tế có thể đóng vai trò giúp người dân vượt qua những rào cản đó, tạo động lực và nhận thức được tầm quan trọng của dự phòng HPV", Phó Giáo sư Nguyễn Vũ Trung nói.

Hầu hết trường hợp nhiễm HPV thường không có triệu chứng và tự đào thải, nhưng việc nhiễm dai dẳng có thể gây ra các bệnh lý như mụn cóc sinh dục, tiền ung thư và ung thư liên quan. Đặc biệt, các bệnh do vi rút HPV không chỉ ảnh hưởng đến nữ giới mà còn gây ra nhiều hệ lụy với nam giới như mụn cóc sinh dục, ung thư hậu môn và các ung thư nguy hiểm khác. Tuy nhiên, thực tế này vẫn chưa được cộng đồng nhìn nhận đầy đủ. Việc nâng cao nhận thức cho nam giới về nguy cơ bệnh tật liên quan đến HPV là cần thiết, nhằm thay đổi quan niệm rằng đây chỉ là vấn đề của phụ nữ.

GS. TS. BS. Nguyễn Vũ Quốc Huy, Phó Chủ tịch Hội Phụ sản Việt Nam kiêm – Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Huế, nhấn mạnh tầm quan trọng của sự đồng hành liên ngành trong xây dựng mạng lưới phòng ngừa HPV hiệu quả và bền vững. Ảnh: Võ Huy Vũ

GS. TS. BS. Nguyễn Vũ Quốc Huy, Phó chủ tịch Hội Phụ sản Việt Nam kiêm - Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Huế, nhấn mạnh tầm quan trọng của sự đồng hành liên ngành trong xây dựng mạng lưới phòng ngừa HPV hiệu quả và bền vững. Ảnh: Võ Huy Vũ

"Chúng ta cần đẩy mạnh truyền thông cộng đồng về gánh nặng bệnh tật do HPV, các bệnh lý và ung thư liên quan, cũng như vai trò của nam giới trong dự phòng bệnh, từ đó giúp họ chủ động tiếp cận thông tin, thăm khám và áp dụng các biện pháp dự phòng sớm. Đồng thời, cũng cần chú trọng mở rộng hệ thống trung tâm tư vấn và khám sàng lọc đến các vùng sâu, vùng xa để người dân ở mọi khu vực đều có điều kiện tiếp cận dịch vụ y tế và thông tin đáng tin cậy về HPV", Phó Giáo sư Nguyễn Vũ Trung cho biết.

GS. TS. BS Nguyễn Vũ Quốc Huy - Phó Chủ tịch Hội Phụ sản Việt Nam kiêm Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Huế chia sẻ thêm, các bác sĩ sản phụ khoa là những người thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân nữ ở mọi độ tuổi, từ trẻ vị thành niên đến phụ nữ trưởng thành và mãn kinh. Trong quá trình làm việc, họ cũng có điều kiện tiếp cận và tư vấn cho nam giới - vốn cũng là nhóm có nguy cơ nhiễm và góp phần lây truyền HPV.

Theo Giáo sư Huy, vai trò của bác sĩ sản phụ khoa trong truyền thông về HPV là rất quan trọng. Với kiến thức chuyên môn và trải nghiệm thực tế, bác sĩ có thể giúp bệnh nhân hiểu rõ mối liên hệ giữa HPV và các bệnh lý nguy hiểm, từ đó nâng cao ý thức chủ động dự phòng. "Để làm tốt vai trò này, đội ngũ bác sĩ cần được cập nhật liên tục về bằng chứng khoa học mới, đặc biệt là những thay đổi trong phân loại và đánh giá nguy cơ của các chủng HPV", giáo sư Huy nhấn mạnh.

Triển lãm poster khoa học tại Hội nghị Khoa học Đa chuyên khoa với chủ đề Vì một Việt Nam không gánh nặng bởi HPV, với sự tham gia của các chuyên gia và các nghiên cứu tiêu biểu về HPV từ khắp nơi trong nước góp phần nâng cao nhận thức về nguy cơ bệnh tật liên quan đến HPV. Ảnh: Võ Huy Vũ

Triển lãm poster khoa học tại Hội nghị Khoa học Đa chuyên khoa với chủ đề "Vì một Việt Nam không gánh nặng bởi HPV", với sự tham gia của các chuyên gia và các nghiên cứu tiêu biểu về HPV từ khắp nơi trong nước góp phần nâng cao nhận thức về nguy cơ bệnh tật liên quan đến HPV. Ảnh: Võ Huy Vũ

Một trong những cập nhật đáng chú ý gần đây có liên quan đến hệ thống phân loại HPV. Theo giáo sư Huy, trước đây, các chuyên gia thường đề cập đến 15 chủng HPV nguy cơ cao, với hai chủng phổ biến nhất là HPV 16 và 18. Hiện nay, thuật ngữ "týp HPV sinh ung thư" đã được đề xuất dùng thay thế cho "12 týp HPV nguy cơ cao" để phản ánh chính xác khả năng sinh ung thư của các týp vi rút HPV. Đây là cập nhật mới theo Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) đã phân loại các týp HPV sinh ung thư thành các nhóm dựa trên mức độ phổ biến trong ung thư cổ tử cung và nguy cơ quy trách.

Dù các dữ liệu khoa học đã rõ, việc chuyển hóa thành nhận thức cộng đồng và hành động cụ thể vẫn còn khoảng cách lớn. Theo các chuyên gia, để dự phòng HPV hiệu quả, cần sự phối hợp của nhiều đơn vị để xây dựng mạng lưới dự phòng chặt chẽ và bền vững.

"Cán bộ y tế cần chủ động tuyên truyền hoặc tư vấn theo cách dễ hiểu, phù hợp với đặc điểm văn hóa, xã hội của từng địa phương, giúp người dân nhận thức rõ tầm quan trọng của dự phòng HPV", PGS.TS.BS Nguyễn Vũ Trung nhấn mạnh.

Nguyễn Phượng

HPV là vi rút gây u nhú ở người. Nhiễm HPV cực kỳ phổ biến trên thế giới. Đa số trường hợp nhiễm không có triệu chứng và tự đào thải, tuy nhiên nhiễm dai dẳng có thể gây các bệnh lý, tiền ung thư và ung thư ở nam và nữ. Hành động từ mỗi cá nhân cần thiết để nâng cao nhận thức dự phòng trong cộng đồng "Vì một Việt Nam không gánh nặng bởi HPV". Tham vấn ngay với chuyên gia y tế và tìm hiểu thêm về HPV tại hpv.vn

  Trở lại Sức khỏeTrở lại Sức khỏe
Copy link thành công Nội dung được tài trợ
×

img

Điều khoản sử dụng Liên hệ tòa soạn Chia sẻ: Copy link thành công
Góp ý cho trang Phản hồi của bạn có thể giúp sản phẩm hoàn thiện hơn

Báo điện tử VnExpress
Báo tiếng Việt nhiều người xem nhất
Địa chỉ: Tầng 10, Tòa A FPT Tower, số 10 Phạm Văn Bạch, phường Cầu Giấy, Hà Nội
Điện thoại: 024 7300 8899 - máy lẻ 4500

© 1997-2025. Toàn bộ bản quyền thuộc VnExpress