Sau gần ba năm sống trong lo sợ vì xung đột, nhiều người Ukraine khao khát chấm dứt cuộc chiến. Nhưng khi Tổng thống Mỹ Donald Trump điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin và tuyên bố bắt đầu "đàm phán ngay lập tức" để giải quyết xung đột Ukraine, không ít người ở nước này lại tỏ ra bi quan về triển vọng hòa bình mà họ mong mỏi lâu nay.
Phái đoàn Mỹ và Nga sẽ họp tại Arab Saudi hôm nay để thảo luận về nhiều vấn đề, trong đó có chiến sự Ukraine, nhưng Kiev không được mời tham dự. Điều này khiến một số người Ukraine lo lắng rằng họ đang bị gạt ra rìa và Tổng thống Volodymyr Zelensky tuyên bố thẳng thừng rằng họ sẽ không chấp nhận kết quả đàm phán khi không có sự tham gia của Kiev.
"Đất nước chúng tôi bị tàn phá, hứng chịu nhiều đau khổ và đang phải chiến đấu, nhưng Tổng thống của chúng tôi không được mời tham gia đàm phán ư? Chúng tôi đáng lẽ phải đóng vai trò chính trong quá trình đàm phán", Lidiia Odyntsova, một phụ nữ Ukraine 71 tuổi, nói.
Đứng bên cạnh đài tưởng niệm lính Ukraine thiệt mạng trong xung đột ở thủ đô Kiev, bà nói với đôi mắt đỏ hoe rằng sẽ "không tha thứ" cho những người đã tấn công đất nước Ukraine.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Tammy Bruce trấn an rằng cuộc gặp giữa phái đoàn Mỹ - Nga ở Arab Saudi không nên được coi là "cuộc đàm phán" về Ukraine. Ông tuyên bố bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình thực sự nào sẽ chỉ diễn ra khi có Ukraine tham gia.
Tuy nhiên, Tổng thống Zelensky cho rằng Mỹ "chỉ đang nói những điều có lợi cho ông Putin vì muốn làm ông ấy hài lòng, muốn gặp nhau nhanh chóng và đạt thành tựu".
Theo ông Zelensky, mục tiêu trước mắt mà Mỹ và Nga đang hướng tới là một "lệnh ngừng bắn đơn thuần", có thể bằng việc Ukraine phải nhượng bộ lãnh thổ và không có bất cứ đảm bảo an ninh nào cho Kiev. "Đó không thể coi là thành tựu", Tổng thống Ukraine nhấn mạnh.
Nhiều người Ukraine cũng lo ngại khi theo dõi loạt diễn biến gần đây liên quan đến các cuộc đàm phán Mỹ - Nga. Truyền thông Ukraine tràn ngập các bài đăng phản ánh nỗi bất an, trong khi nhiều người dân liên tục kiểm tra điện thoại để cập nhật tin tức mới.

Lính Ukraine khai hỏa về phía quân đội Nga gần Chasov Yar, vùng Donetsk ngày 15/2. Ảnh: AP
Sau cuộc điện đàm Trump - Putin, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth nói rằng việc kết nạp Ukraine vào NATO và tham vọng giành lại toàn bộ lãnh thổ của Kiev là "không thực tế". Điều này báo hiệu lập trường của Mỹ về một giải pháp hòa bình tiềm năng gần hơn với mục tiêu của Nga là ngăn Ukraine gia nhập NATO và duy trì kiểm soát các vùng lãnh thổ đã sáp nhập.
Khi Nga đang chiếm ưu thế trên chiến trường, Ukraine phải đối mặt với vị thế đàm phán đầy khó khăn và những bình luận của ông Hegseth đã dội gáo nước lạnh vào hai nguyện vọng quan trọng của Ukraine, điều mà ông Zelensky sẵn sàng từ chức để đạt được.
"Nếu ngày mai Ukraine được chấp nhận gia nhập Liên minh châu Âu (EU), NATO, nếu quân đội Nga rút lui và chúng tôi nhận được sự đảm bảo an ninh, tôi sẽ không còn cần thiết nữa", ông nói.
Dù nhiều người Ukraine ủng hộ ngừng bắn, chấm dứt giao tranh, họ cũng thừa nhận điều đó không đồng nghĩa chấp nhận những tổn hại cho người sống ở các vùng lãnh thổ mà Nga kiểm soát hoặc có nguy cơ bị Moskva sáp nhập trong tương lai.
Phát biểu trong chương trình Sunday Morning Futures của Fox News gần đây, đặc phái viên Mỹ Steve Witkoff không trả lời trực tiếp câu hỏi liệu Ukraine có phải từ bỏ "một phần đáng kể" lãnh thổ hay không.
"Tôi không phủ nhận sẽ có những điều khoản rất quan trọng. Nhưng tôi nghĩ khởi đầu nên là xây dựng lòng tin", ông nói.
Nỗ lực thúc đẩy đàm phán của ông Trump đang đẩy ông Zelensky vào tình thế ngoại giao khó khăn, khi bên ủng hộ quan trọng nhất của Ukraine giờ đây tìm cách chấm dứt xung đột mà không thảo luận trước với Kiev về lộ trình thực hiện.
Ông Zelensky cho biết sẽ đến Riyadh để thăm chính thức Arab Saudi ngày 19/2 theo kế hoạch từ lâu. Tổng thống Ukraine nói sẽ hỏi các lãnh đạo Arab Saudi những gì họ biết về cuộc đàm phán Mỹ - Nga "chỉ vì quan tâm".
Valerii Semenii, 59 tuổi và đang tham gia lực lượng vũ trang Ukraine, nói rằng ông sợ kịch bản tồi tệ nhất sẽ tới.
"Ông Trump không hiểu nhiều về lịch sử. Hôm nay ông ấy có thể chấp nhận hòa hoãn, nhưng tương lai điều đó sẽ dẫn tới nguy cơ xung đột lớn hơn. Tôi không thể nói điều gì khác về cuộc đàm phán này", Semenii nói.
Tâm trạng đó phản ánh nỗi sợ của nhiều người dân và quan chức Ukraine. Họ tin nếu đàm phán Mỹ - Nga chỉ mang lại một thỏa thuận ngừng bắn mà không tạo ra kiến trúc an ninh lâu dài sẽ là nền hòa bình tạm bợ, không hiệu quả. Họ cho rằng điều này chỉ cho phép Nga có thêm thời gian củng cố lực lượng và phát động cuộc chiến mới cả ở Ukraine và nhiều khu vực khác.
Oleksandr Shyrshyn, chỉ huy tiểu đoàn đang chiến đấu ở Kursk, nơi mà quân đội Ukraine phát động tấn công mùa hè năm ngoái, cho rằng các nước châu Âu cũng phải tham gia đàm phán "bởi như chúng ta thấy, tất cả châu Âu đều sợ Nga và họ không muốn lặp lại kịch bản tương tự chúng tôi".
Tiểu đoàn trưởng Ukraine tin rằng Kiev sẽ đạt được cả hai nguyện vọng, gồm giành lại lãnh thổ mà Nga kiểm soát và gia nhập NATO, nếu chính quyền ông Trump "hỗ trợ chúng tôi bằng tất cả sức mạnh của họ".
"Nếu Mỹ không sẵn lòng hỗ trợ, chúng tôi sẽ có nhiều người thiệt mạng hơn, tổn thất nặng nề hơn. Song chúng tôi sẽ tiếp tục chiến đấu, bởi đó là sự tồn vong của chúng tôi", ông nói.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky lắng nghe Phó tổng thống Mỹ JD Vance trong cuộc hội đàm bên lề Hội nghị An ninh Munich ngày 14/2. Ảnh: AFP
Nếu bất kỳ thỏa thuận nào giữa Moskva và Washington đòi hỏi nhượng bộ lãnh thổ đáng kể từ Tổng thống Zelensky, ông sẽ phải đối mặt với áp lực lớn trong nước để tiếp tục chiến đấu ngay cả khi Mỹ rút ủng hộ.
Ukraine dựa vào viện trợ quân sự từ phương Tây, đặc biệt là Mỹ, trong suốt ba năm xung đột. Trong cuộc phỏng vấn gần đây với NBC News, ông Zelensky thừa nhận nếu không có hỗ trợ từ Mỹ, "cơ hội sống sót của Ukraine rất thấp".
Vấn đề với ông Zlensky hiện nay là châu Âu chưa có đủ khả năng lấp khoảng trống viện trợ quân sự từ Mỹ hoặc có thể đưa ra các đảm bảo an ninh đáng tin cậy cho Ukraine.
"Người châu Âu phải làm điều gì đó cho chính họ trước khi ông Zelensky có thể làm bất kỳ điều gì", Leo Litra, thành viên tại Hội đồng Đối ngoại châu Âu, nói.
Ông thêm rằng châu Âu đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tự sản xuất một số vũ khí quan trọng, gồm cả các hệ thống phòng không hiện đại.
Keith Kellogg, đặc phái viên về Ukraine của ông Trump, dự kiến thăm Kiev trong những ngày tới. Ông Zelensky hy vọng Kellogg sẽ cùng ông đến tiền tuyến và gặp gỡ các chỉ huy, binh sĩ.
"Điều quan trọng là ông ấy phải hiểu mọi thứ để có thể truyền đạt tình hình ở đây cho Nhà Trắng", lãnh đạo Ukraine nói.
Thùy Lâm (Theo AP, Washington Post)