Tiền mặt là huyết mạch của nền kinh tế đang kiệt quệ ở Dải Gaza. Giống như mọi nhu yếu phẩm khác trong vùng lãnh thổ bị chiến tranh tàn phá, tiền mặt đang cực kỳ khan hiếm.
Để có tiền mặt chi tiêu hàng ngày trong bối cảnh gần như mọi chi nhánh ngân hàng và máy ATM ngừng hoạt động, người dân Gaza phải trả phí hoa hồng lên tới 40% cho mạng lưới đổi tiền đầy quyền lực và không bị kiểm soát.
"Người dân đang khóc ra máu", ông Ayman al-Dahdouh, một hiệu trưởng sống tại Gaza City, nói. "Tình cảnh đẩy chúng tôi vào bước đường cùng, không mua nổi thức ăn, nhu yếu phẩm".

Người bán rau cầm xấp tiền cũ nát ở Gaza City ngày 9/7. Ảnh: AP
Vào thời điểm lạm phát tăng vọt, tỷ lệ thất nghiệp cao và tiền tiết kiệm cạn kiệt, tiền mặt khan hiếm làm gia tăng áp lực tài chính lên các hộ gia đình. Nhiều nhà đã phải bán tài sản để mua hàng hóa thiết yếu.
Ngay cả tiền mặt đang lưu hành cũng mất đi phần nào giá trị. Người Palestine sử dụng đồng shekel của Israel cho đa số hoạt động mua bán. Tuy nhiên, khi Israel không còn cung cấp tiền giấy mới in cho Gaza, các thương nhân bắt đầu e ngại nhận tiền sờn rách.
Cuộc khủng hoảng tiền mặt ở Gaza có nhiều nguyên nhân. Để hạn chế Hamas mua vũ khí và trả lương cho thành viên, Israel đã ngừng cho phép đưa tiền mặt vào Gaza khi xung đột bắt đầu. Trong khi đó, nhiều gia đình giàu có ở Gaza rút tiền khỏi ngân hàng và rời đi. Nỗi lo ngại về hệ thống tài chính Gaza khiến các doanh nghiệp nước ngoài bán hàng hóa vào đây yêu cầu thanh toán bằng tiền mặt.
Khi nguồn cung tiền của Gaza cạn kiệt và sự tuyệt vọng của người dân lên đến đỉnh điểm, phí hoa hồng của những người đổi tiền mặt đã tăng vọt so với mức 5% khi xung đột mới bắt đầu.
Khách hàng chuyển khoản cho người đổi và chỉ vài giây sau, họ nhận lại tiền giấy với giá trị ít hơn. Nhiều người đổi tiền công khai quảng cáo dịch vụ, cũng có người kín đáo hơn. Một số chủ cửa hàng tạp hóa và nhà bán lẻ cũng bắt đầu tham gia dịch vụ này.
"Nếu tôi cần 60 USD, tôi phải chuyển 100 USD", Mohammed Basheer al-Farra, người đang sống ở miền nam Gaza sau khi phải sơ tán khỏi Khan Younis, cho biết. "Đây là cách duy nhất để mua hàng thiết yếu như bột mì và đường. Chúng tôi mất gần một nửa số tiền để có tiền mặt".

Cảnh tan hoang trước ngân hàng Palestine ở khu phố Tal al-Haw, Gaza City, ngày 9/7. Ảnh: AP
Lạm phát ở Gaza năm 2024 tăng 230%, theo Ngân hàng Thế giới. Con số này giảm nhẹ trong thời gian ngừng bắn hồi tháng 1, rồi lại tăng vọt sau khi thỏa thuận đổ vỡ hồi tháng 3.
Khoảng 80% người dân ở Gaza thất nghiệp vào cuối năm 2024, theo Ngân hàng Thế giới, con số bây giờ có thể cao hơn. Những người có việc làm chủ yếu được trả lương qua hình thức chuyển tiền trực tiếp vào tài khoản ngân hàng.
"Nhưng khi bạn muốn mua rau, thức ăn, nước uống, thuốc men, chăn, hay nếu bạn muốn đi lại, bạn phải dùng tiền mặt", ông al-Dahdouh nói.
Gia đình của Shahid Ajjour sống bằng tiền tiết kiệm trong hai năm sau khi hiệu thuốc và một cơ sở kinh doanh khác của họ bị chiến tranh phá hủy. "Chúng tôi phải bán mọi thứ", Ajjour cho hay.
Cô bán vàng tích cóp để mua bột mì và đậu đóng hộp. Gia đình 8 người của cô mỗi hai ngày phải chi 12 USD để mua bột mì nhưng trước xung đột, chi phí này chưa đến 4 USD.
Đường rất đắt, giá khoảng 80-100 USD một kg dù trước đây giá chưa đến 2 USD. Xăng có giá khoảng 25 USD một lít nếu thanh toán bằng tiền mặt.
Tiền giấy ở Gaza đã rách nát sau 21 tháng xung đột. "Những tờ tiền mỏng manh đến mức cảm giác như sắp tan chảy khi cầm trong tay", Mohammed al-Awini, người sống trong một khu lều trại ở miền nam Gaza, cho biết.
Các thương nhân giải thích họ phải yêu cầu khách hàng trả tiền mặt còn lành lặn vì nhà cung cấp hàng yêu cầu tiền mới.
Thaeir Suhwayl, người buôn bột mì ở Deir al-Balah, cho biết các nhà cung cấp của anh gần đây yêu cầu thanh toán bằng tiền 200 shekel (60 USD) mới, loại tiền rất hiếm. Hầu hết người dân trả cho anh bằng tờ 20 shekel (6 USD) cũ nát.

Người thợ bơm keo dán lại tờ tiền bị rách ở Gaza City ngày 9/7. Ảnh: AP
Lần đi chợ gần đây, Ajjour đã chuyển khoản số shekel tương đương 100 USD cho một người đổi tiền và nhận lại 50 USD. Nhưng khi muốn mua một số đồ gia dụng, cô bị người bán từ chối vì tiền cũ. "Vậy là cuối cùng, giá trị của 50 USD bằng 0", cô nói.
Thực tế này phát sinh một ngành mới ở Gaza là sửa tiền. Chi phí để vá lại những tờ tiền cũ là 3-10 shekel (1-3 USD). Nhưng tiền được vá lại đôi khi cũng bị từ chối.
Sau khi hầu hết ngân hàng đóng cửa trong những ngày đầu của cuộc chiến, những người trữ nhiều tiền mặt bất ngờ trở thành người có quyền lực to lớn. "Người dân phải phó mặc cho lòng thương hại của họ", Mahmoud Aqel, người sơ tán khỏi miền nam Gaza, nói.
Xung đột khiến việc điều tiết giá cả thị trường và tỷ giá hối đoái trở nên bất khả thi, theo Dalia Alazzeh, chuyên gia về tài chính và kế toán tại Đại học Tây Scotland. "Không ai có thể giám sát chuyện đang xảy ra", Alazzeh nói.
Một năm trước, Cơ quan Tiền tệ Palestine, tổ chức tương đương một ngân hàng trung ương ở Gaza và Bờ Tây, đã đưa ra một hệ thống thanh toán kỹ thuật số có tên là Iburaq. Nó thu hút nửa triệu người dùng, tức 1/4 dân số Gaza, theo Ngân hàng Thế giới. Nhưng cuối cùng, hệ thống thất bại do các thương nhân chỉ muốn tiền mặt.

Chợ Al-Sahaba ở Gaza City ngày 9/7. Ảnh: AP
Israel gia tăng áp lực tài chính lên Hamas vào đầu năm nay bằng cách thắt chặt phân phối viện trợ nhân đạo, hoạt động mà Israel cho là bị Hamas lợi dụng để kiếm tiền. Các chuyên gia không rõ hoạt động của những người đổi tiền có mang lại lợi ích cho Hamas như một số nhà phân tích Israel đã nói hay không.
Giao tranh khiến việc xác định ai đứng sau các hoạt động kinh tế trong vùng lãnh thổ trở nên khó khăn hơn, theo Omar Shabaan, giám đốc của Palthink for Strategic Studies, viện nghiên cứu có trụ sở tại Gaza.
"Bây giờ đó là một vùng tối. Bạn không biết ai đang đưa thuốc lá vào Gaza", ông nói, so sánh hoạt động này với "một tổ chức mafia".
Shabaan cho rằng những nhà buôn rủng rỉnh tiền bạc có khả năng đang điều hành các dịch vụ đổi tiền mặt và buôn bán thực phẩm thiết yếu. "Họ hưởng lợi bằng cách áp đặt các khoản phí hoa hồng", ông nói.
Khi các gia đình hết tiền mặt, họ buộc phải tìm đến viện trợ nhân đạo. Al-Farra bắt đầu đi tìm thức ăn tại các trung tâm phân phát viện trợ, nơi người Palestine thường chen lấn nhau để giành giật bột mì và mì ống.
"Đây là cách duy nhất tôi có thể nuôi sống gia đình", anh nói.
Hồng Hạnh (Theo AP)