Khi phát động chiến dịch ở Ukraine vào tháng 2/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có bài phát biểu đanh thép trên truyền hình, tuyên bố mục tiêu của Moskva là "phi quân sự hóa và phi phát xít hóa" Ukraine, bảo vệ cộng đồng nói tiếng Nga ở vùng Donbass, chống lại đà mở rộng của NATO về phía đông và bảo đảm trạng thái trung lập của Kiev.
Hơn ba năm sau, phát biểu trên truyền hình quốc gia ngày 18/5, ông Putin nhấn mạnh Nga có đủ lực lượng để hoàn tất chiến dịch tại Ukraine và đạt được các nhiệm vụ đề ra. "Mục tiêu là loại bỏ các nguyên nhân gốc rễ của khủng hoảng, hình thành điều kiện để đạt được hòa bình lâu dài và bền vững, cũng như đảm bảo an ninh cho nước Nga", ông nói.
Xung đột trên thực tế đã bùng phát từ năm 2014, sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea và hậu thuẫn phong trào ly khai vũ trang ở vùng Donbass, miền đông Ukraine. Trong những năm sau đó, giao tranh giữa quân đội chính phủ Ukraine và lực lượng ly khai Donbass kéo dài dai dẳng.
Tuy nhiên, cuộc chiến năm 2022 ở một quy mô khác. Tổng thống Putin ngày 21/2/2022 duyệt sắc lệnh công nhận độc lập của hai tỉnh ly khai Donetsk và Lugansk, đồng thời ký hiệp ước hợp tác với lãnh đạo hai khu vực này. Ba ngày sau, Nga phát động tấn công.
Ông Putin nói rằng mục tiêu của chiến dịch là bảo vệ người dân ở các vùng ly khai khỏi "chính quyền ở Kiev". Một ngày sau, ông kêu gọi quân đội Ukraine "nắm lấy quyền lực" và nhắm mục tiêu vào "các băng đảng ma túy và tân phát xít" đang điều hành chính phủ.
Ông chủ Điện Kremlin sau đó bổ sung thêm một mục tiêu khác của chiến dịch là đảm bảo Ukraine giữ lập trường trung lập. Ông cáo buộc liên minh phương Tây NATO đang cố kết nạp Ukraine để đưa quân đội của họ tới gần biên giới Nga.

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trong một cuộc họp tại St. Petersburg hôm 28/4. Ảnh: AP
Lãnh đạo Nga từ lâu đặt câu hỏi về quyền tồn tại của Ukraine, tuyên bố rằng "Ukraine hiện đại hoàn toàn do Nga tạo ra" sau cuộc cách mạng năm 1917. Trong bài viết năm 2021, ông Putin thậm chí còn gợi ý "người Nga và người Ukraine là một dân tộc" từ thế kỷ thứ 9. Năm ngoái, ông nói với người dẫn chương trình Mỹ Tucker Carlson rằng Ukraine là "quốc gia nhân tạo".
Ukraine từng là một phần của Liên Xô giai đoạn 1922-1991 và nhiều người Ukraine đến nay vẫn nói tiếng Nga, đặc biệt ở các khu vực phía đông. Kể từ năm 1991, Ukraine là một quốc gia độc lập, song Moskva dường như cho rằng Kiev nên tiếp tục chịu ảnh hưởng từ Nga dựa vào những mối liên hệ lịch sử giữa hai nước.
Nhiều người Nga coi Crimea vốn thuộc về đất nước của họ. Bán đảo được Catherine Đại đế sáp nhập năm 1783, trước khi được lãnh đạo Liên Xô trao cho Ukraine năm 1954. Đa số người dân của bán đảo là người Nga.
Trước khi xung đột bùng phát tháng 2/2022, Ukraine và Nga từng có hai nỗ lực để ngăn kịch bản chiến tranh toàn diện. Chúng được gọi là thỏa thuận Minsk 1 và Minsk 2 được Bộ tứ Normandy, gồm Nga, Ukraine, Pháp và Đức, thúc đẩy tại thủ đô của Belarus vào tháng 9/2014 và tháng 2/2015. Thỏa thuận đã giúp giảm quy mô bạo lực khi đó, nhưng cuối cùng đều đổ vỡ khi cả hai bên tố cáo nhau vi phạm.
Điện Kremlin cho biết thỏa thuận đổ vỡ chính là tiền đề cho chiến dịch của Ukraine. Trong khi đó, lãnh đạo Ukraine nhiều lần nói Nga không đáng tin khi phá vỡ thỏa thuận.
Trong giai đoạn đầu chiến dịch, Nga được cho là muốn tìm cách loại bỏ Tổng thống Volodymyr Zelensky, người có lập trường xích lại gần phương Tây và muốn đưa Ukraine gia nhập các liên minh phương Tây như NATO, Liên minh châu Âu (EU). Giới quan sát và bản thân Tổng thống Ukraine cho rằng ông chính là mục tiêu từ đầu.
"Đối thủ chỉ định tôi là mục tiêu số một và gia đình tôi là mục tiêu số hai", ông Zelensky từng cho hay. Ông Zelensky sau đó nói lãnh đạo Nga muốn thay thế ông bằng Viktor Medvedchuk, người đứng đầu một đảng ủng hộ Moskva và hiện sống tại Nga.
Ngay cả bây giờ, sau ba năm xung đột, ông Putin từ chối đàm phán trực tiếp với ông Zelensky vì xem lãnh đạo Ukraine đang nắm quyền "bất hợp pháp".
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 17/5 nhấn mạnh "vấn đề mấu chốt và nguyên tắc với chúng tôi vẫn là xác định rõ ai sẽ đại diện Ukraine để ký những văn kiện" mà hai bên thống nhất. Bình luận này dường như ám chỉ tuyên bố của ông Putin hồi tháng 5/2024, nói rằng ông Zelensky không còn là tổng thống hợp pháp của Ukraine do nhiệm kỳ đã kết thúc, nhấn mạnh Moskva cần xác định người đại diện cho Kiev khi đàm phán.
Tuy nhiên, Ukraine đang trong tình trạng thiết quân luật do chiến sự với Nga nên thể chưa ấn định ngày tổ chức bầu cử tổng thống mới, nên ông Zelensky vẫn là lãnh đạo được công nhận của nước này.
Suốt nhiều năm qua, ông Putin phàn nàn về xu hướng đông tiến của NATO, xem đây như mối đe dọa với an ninh quốc gia. Điện Kremlin nhấn mạnh coi việc Ukraine gia nhập NATO là lằn ranh đỏ không thể xâm phạm với Nga.
Trước khi xung đột bùng phát, ông Putin đã yêu cầu NATO dừng việc kết nạp các nước Trung và Đông Âu vào liên minh. NATO trong khi đó luôn nhấn mạnh mục đích của họ là bảo vệ các vùng lãnh thổ của liên minh và "không có ý định gây hấn".
NATO cũng cho rằng việc muốn gia nhập khối là quyền của bất cứ nước nào. Thụy Điển và Phần Lan, hai nước từng giữ lập trường không liên minh, cũng đã gia nhập NATO trong hai năm qua.

Các nước thành viên NATO theo năm gia nhập. Đồ họa: BBC
Dù Ukraine đã đưa việc gia nhập NATO vào hiến pháp nước này, nhưng giới quan sát cho hay Kiev không có triển vọng gia nhập liên minh ngay từ khi xung đột bùng phát. Ông Zelensky đã đề cập tới điều này hai tuần sau khi xung đột bắt đầu, nói rằng "NATO không sẵn sàng đón nhận Ukraine". Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã nói rằng Ukraine nên "quên đi" tham vọng gia nhập NATO.
Tổng thống Putin cáo buộc NATO tham gia xung đột, khi các nước thành viên gửi ngày càng nhiều thiết bị quân sự cho Ukraine, gồm cả xe tăng và máy bay chiến đấu, hệ thống phòng không, tên lửa, pháo và máy bay không người lái. NATO còn cung cấp hỗ trợ an ninh và huấn luyện cho Ukraine, song nhấn mạnh họ không phải là bên thứ ba của cuộc chiến.
Sự bất bình của ông Putin với NATO bắt đầu từ năm 1990, khi ông tuyên bố phương Tây đã hứa hẹn sẽ không "đông tiến dù chỉ một cm". Tuy nhiên, đó là trước khi Liên Xô tan rã và dựa trên một cam kết hạn chế với tổng thống Liên Xô khi đó là Mikhail Gorbachev.

Các vùng lãnh thổ Nga đang kiểm soát ở Ukraine. Đồ họa: ISW
Sau hơn ba năm xung đột, Nga và Ukraine đang đối đầu nhau trong cuộc chiến tiêu hao trên tiền tuyến dài hơn 1.000 km. Giới quan sát cho rằng không bên nào có triển vọng rõ ràng để chiến thắng.
Nga đã sáp nhập bốn khu vực gồm Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia. Ukraine đã tái kiểm soát một số vùng ở phía bắc và phía nam đất nước năm 2022, nhưng các cuộc phản công gần đây không đạt được thành tích tương tự.
Nga cuối tháng trước thông báo chiến dịch phản công tại Kursk đã hoàn tất, toàn bộ lực lượng Ukraine tấn công sang biên giới nước này đã bị đẩy lùi khỏi tỉnh Kursk. Phần lớn các cuộc tấn công của Nga giờ đây tập trung vào vùng Donetsk, nhằm kiểm soát hoàn toàn tỉnh này trước khi bất cứ thỏa thuận ngừng bắn nào được ký.
Tổng thống Ukraine cho biết ít nhất 43.000 binh sĩ đã thiệt mạng, nhưng trang web ualosses.org ước tính con số này là hơn 70.000 kể từ khi xung đột bắt đầu. Liên Hợp Quốc cho hay hơn 12.000 dân thường đã thiệt mạng ở Ukraine. Theo BBC, số người thiệt mạng vì xung đột của Nga dao động từ hơn 146.000 đến 211.000, nhưng Moskva chưa công bố con số chính xác.
Xung đột đã buộc 6,9 triệu người Ukraine phải xin tị nạn ở nước ngoài và 3,7 triệu người khác phải sơ tán trong nước.
Thùy Lâm (Theo BBC, TASS, AFP)