Khi Tổng thống Joe Biden tới Brussels ngày 23/3 để tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO về xung đột Nga - Ukraine, những rạn nứt bắt đầu xuất hiện trong nội bộ liên minh quân sự về cách ngăn cuộc khủng hoảng leo thang.
Các lãnh đạo NATO vẫn đang tranh cãi về chiến lược ứng phó với Nga, khi một số cho rằng nên để tiếp tục để Moskva phỏng đoán về ngưỡng có thể kích hoạt phản ứng quân sự lớn hơn của khối quân sự, trong khi số khác muốn làm rõ điều gì sẽ kéo NATO vào cuộc xung đột.
Một số nhà hoạch định chính sách châu Âu lo lắng rằng NATO đã công khai quá nhiều thông điệp về những gì họ sẽ không làm, như gửi quân tới Ukraine hoặc cung cấp tiêm kích cho Kiev. Theo họ, cách tiếp cận tốt hơn là không công khai loại trừ bất kỳ khả năng nào về hành động của NATO.
Cuộc thảo luận cũng mở rộng về cả những điều cần làm đối với Ukraine và cách tốt nhất để tăng khả năng phòng thủ của NATO trong lãnh thổ liên minh để ngăn nguy cơ Nga tấn công.
Dù còn nhiều tranh cãi, các quan chức NATO thừa nhận rằng bất cứ phản ứng sai lầm nào cũng có thể kéo liên minh vào cuộc xung đột trực tiếp với Nga, gây ra hậu quả nghiêm trọng cho cả thế giới.
"Chúng tôi quyết tâm làm tất cả những gì có thể để hỗ trợ Ukraine, nhưng chúng tôi có trách nhiệm đảm bảo cuộc chiến không leo thang bên ngoài Ukraine và trở thành xung đột giữa NATO và Nga", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói hôm 23/3, cho thấy thế khó của liên minh.
![Lực lượng quân đội Na Uy tham gia tập trận ngày 23/3. Ảnh: Reuters.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2022/04/06/na-uy-23-3-reuters-6624-164809-8371-4514-1649228582.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=4YrkvC3I3WAd29tRkuyskw)
Lực lượng quân đội Na Uy tham gia tập trận ngày 23/3. Ảnh: Reuters.
Khi được hỏi NATO sẽ làm gì nếu vũ khí hóa học được sử dụng ở Ukraine, Stoltenberg đưa ra câu trả lời mơ hồ. "Bất kỳ quyết định sử dụng vũ khí hóa học nào cũng sẽ thay đổi hoàn toàn bản chất xung đột và gây ra những hậu quả sâu rộng", ông nói.
Đây là cách tiếp cận truyền thống đã được NATO sử dụng trong nhiều thập kỷ, nhằm duy trì sự mơ hồ chiến lược về cách vũ khí hạt nhân sẽ được sử dụng trong các kịch bản xung đột.
Trong khi đó, một số quan chức thành viên NATO cho rằng Mỹ đã đưa ra những tuyên bố quá rõ ràng về những gì không làm trong xung đột Ukraine, điều có thể khuyến khích Nga có hành động mạnh mẽ hơn.
"Tôi không nghĩ cách này hiệu quả khi chúng ta thường xuyên nói 'chúng tôi không muốn Thế chiến III' hay 'chúng tôi không muốn xung đột với Nga'", Marko Mihkelson, người đứng đầu ủy ban đối ngoại của quốc hội Estonia, nói. "Đó là thông điệp cho người Nga thấy chúng tôi sợ họ".
Nhưng những người bảo vệ chính sách của chính quyền ông Biden nói Nhà Trắng đã thúc đẩy những biện pháp trừng phạt chưa từng có nhắm vào nền kinh tế Nga và đang duy trì nỗ lực quy mô lớn để cung cấp vũ khí cho Ukraine.
"Tổng thống có trách nhiệm nêu rõ mục tiêu của chúng tôi là đảm bảo kết thúc cuộc chiến này", một quan chức cấp cao của chính quyền ông Biden nói. "Để đạt được mục tiêu đó, chúng tôi đã nói rõ rằng không thực hiện các bước có thể khiến cuộc chiến lan rộng, dẫn tới nhiều người gặp nguy hiểm và một cuộc xung đột lớn hơn nhiều. Đó là cách tiếp cận có trách nhiệm và trọng tâm là cứu mạng sống, chấm dứt xung đột càng nhanh càng tốt".
Thượng nghị sĩ Dân chủ Chris Murphy cho biết về cơ bản châu Âu và Washington đều không muốn chiến tranh.
Mỹ "khá mệt mỏi với chiến tranh và biết cảm giác có hàng nghìn binh sĩ chết trong xung đột là như thế nào, vì vậy Tổng thống phải nói rõ những gì ông ấy sẽ làm và không làm", Murphy nói.
Chính sách răn đe của NATO dường như đang phát huy tác dụng. Cho đến nay, lực lượng Nga chưa không kích vào bất kỳ trung tâm hậu cần nào trên lãnh thổ NATO, nơi tập kết vũ khí cung cấp cho UKraine. Đồng thời, các nước NATO cũng chưa đối mặt với bất kỳ cuộc tấn công mạng lớn nào sau khi áp lệnh trừng phạt Nga như các chiến lược gia từng lo lắng. Các lãnh đạo liên minh nói các cuộc tấn công mạng có thể kích hoạt hiệp ước phòng thủ tập thể của NATO, nhưng chưa giải thích rõ cách thực hiện.
Nhưng những người hoài nghi nói rằng Tổng thống Mỹ đã không quyết liệt với Nga ngay từ đầu. Hồi đầu tháng 12 năm ngoái, khi Nga bắt đầu triển khai lực lượng lớn dọc biên giới Ukraine, ông Biden nói rằng "ý tưởng Mỹ đơn phương sử dụng lực lượng đối đầu với Nga không được xem xét lúc này".
Gần đây hơn, chính quyền Biden bác bỏ phương án chuyển giao tiêm kích cho Ukraine mà Ba Lan đưa ra. Lầu Năm Góc khi đó công khai tuyên bố rằng họ khước từ đề xuất này do lo ngại làm leo thang căng thẳng với Nga.
François Heisbourg, cố vấn cấp cao về châu Âu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế và từng là cố vấn của Bộ Quốc phòng Pháp, cho rằng chính quyền Tổng thống Biden "cần hiểu rằng đôi khi bạn phải im lặng".
"Cuộc khủng hoảng nhìn chung được quản lý tốt, ngoại giao tuyệt vời và họ không phạm bất kỳ sai lầm nào. Chỉ có điều họ nên im lặng về những gì họ sẽ không làm", ông nói.
Bằng cách giữ im lặng về các vấn đề như triển khai quân, Heisbourg cho rằng đối thủ sẽ không biết chắc chắn trong trường hợp nào NATO sẽ triển khai lực lượng ứng phó.
Các thành viên Cộng hòa cũng có chung thông điệp này. "Để người Nga thắc mắc chúng ta sẽ làm gì sẽ tốt hơn là nói cho họ biết chính xác chúng ta sẽ làm gì", thượng nghị sĩ Mitt Romney nói. "Chiến lược mơ hồ nhìn chung là cách tốt nhất".
Tại NATO, các nhà ngoại giao châu Âu cũng tỏ ra lo ngại về cách Mỹ xử lý các thông điệp công khai. "Các quan chức đó đang nói rằng chúng ta nên ngừng công khai về những gì NATO sẽ không làm", một nhà ngoại giao nói về các cuộc trao đổi.
Tuy nhiên, Tổng thống Biden không phải là lãnh đạo NATO duy nhất công khai về những điều mà liên minh không muốn làm trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine. "Chúng tôi sẽ không chấp nhận yêu cầu về lập vùng cấm bay", Thủ tướng Đức Olaf Scholz từng nói với quốc hội hôm 23/3. "NATO sẽ không trở thành một bên tham chiến".
![Các quan chức NATO nhóm họp ở Brussels, Bỉ đầu tháng này. Ảnh: NY Times.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2022/04/06/nato-NYT-8850-1648098832-3248-1649228582.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ZU8ma-FtG4dxD-ijUf4IIQ)
Các quan chức NATO nhóm họp ở Brussels, Bỉ đầu tháng này. Ảnh: NY Times.
Cuộc tranh luận về cách duy trì áp lực với Nga nhưng vẫn tránh làm leo thang căng thẳng sẽ tiếp tục khi các lãnh đạo NATO nhóm họp tại Brussels hôm nay. Các nước Đông Âu có biên giới với Nga, gồm Ba Lan, Litva, Latvia và Estonia, đã yêu cầu tăng cường lực lượng trực chiến và năng lực phòng không, điều mà họ nói sẽ gửi tín hiệu rõ ràng cho Nga rằng NATO có năng lực quân sự để "nói đi đôi với làm".
Kể từ năm 2016, liên minh đã duy trì khoảng 1.000 quân triển khai luân phiên ở 4 quốc gia trên, đủ để đóng vai trò răn đe Nga, nhưng không có nhiều ý nghĩa nếu một cuộc xung đột nổ ra. Các nước vùng Baltic có thể dễ dàng bị chia cắt khỏi phần còn lại của lãnh thổ NATO nếu Nga kiểm soát hành lang Suwalki dài 65 km nối Ba Lan với Litva.
Jonatan Vseviov, Ngoại trưởng Estonia, nói NATO có thể phạm sai lầm nếu không củng cố an ninh ở sườn đông liên minh. Trước mắt các lãnh đạo liên minh được cho là đang tập trung vào nơi khác, khi triển khai thêm lực lượng tới Bulgaria, Hungary, Romania và Slovakia, các nước NATO bao quanh Ukraine và Biển Đen.
Những người ủng hộ ông Biden ở Washington nói rằng những cuộc thảo luận trong tuần này ở châu Âu sẽ giúp giải quyết những lục đục trong nội bộ NATO.
"Đây chính là lý do một cuộc thảo luận trực tiếp, chi tiết và kéo dài với các nguyên thủ quốc gia và bộ trưởng quốc phòng là rất quan trọng, bởi NATO chỉ có thể răn đe được Nga khi đoàn kết", thượng nghị sĩ Dân chủ Christopher A. Coons chia sẻ.
Thanh Tâm (Theo WP, Boston Globe)