"Cảm xúc trong tôi rất phức tạp", Iryna Titkova, người mẹ có ba con, thừa nhận. "Ở đây chúng tôi có đồ ăn, có một căn hộ ấm áp, cả gia đình đều ở đây. Chúng tôi cũng có tiền tích cóp".
Nhưng họ đang thiếu một thứ, đó là quê hương.
"Đôi khi chúng tôi thấy hổ thẹn khi đang hưởng thụ những thứ này bởi chúng tôi biết người dân ở Ukraine đang gian khổ thế nào", Iryna nói.
![Gia đình Tiktok mừng năm mới tại căn hộ ở Vienna, Áo, ngày 6/1. Ảnh: AFP](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2023/02/16/654cb0641ae85c0bd37c327fc879b1-6919-5700-1676513417.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=5KSbcUsTrn6d9BomRKNUhw)
Gia đình Titkov mừng năm mới tại căn hộ ở Vienna, Áo, ngày 6/1. Ảnh: AFP
Gia đình Titkov nằm trong số 8 triệu người tị nạn Ukraine đang sống rải rác khắp châu Âu. Họ rời đi một ngày sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine vào 24/2/2022, bắt đầu cuộc sống mới ở Vienna, Áo.
Valerii, chồng của Iryna, từng sống qua nỗi kinh hoàng của cuộc xung đột giữa Armenia và Azerbaijan tại Nagorno-Karabakh khi anh còn nhỏ. Anh mô tả mình là người "không nỡ giết một con ruồi" và chỉ có một suy nghĩ khi chiến sự nổ ra: đưa các con tới chỗ an toàn.
Đàn ông Ukraine trong độ tuổi nghĩa vụ quân sự từ 18 đến 60 bị cấm rời khỏi đất nước. Nhưng Valerii được phép đi với tư cách là trụ cột của một đại gia đình. Ban đầu, gia đình Titkov ở nhờ nhà người quen gần nhà thờ Saint Stephen, trước khi tìm được chỗ ở cách trung tâm thành phố nửa giờ lái xe.
Họ nằm trong số 90.000 người Ukraine ở Áo có "thẻ xanh" đặc biệt của Liên minh châu Âu, có thể ở lại tới tháng 3/2024 mà không cần xin tị nạn và được hỗ trợ tài chính nhiều hơn so với người tị nạn nước khác.
Một gia đình có thể nhận hơn 1.000 euro (1.070 USD) một tháng để trang trải tiền ăn và tiền thuê nhà, theo Thomas Fussenegger, quan chức cơ quan chính phủ chịu trách nhiệm chăm lo người tị nạn.
Họ cũng được học tiếng miễn phí. Iryna và Valerii theo học lớp tiếng Đức chuyên sâu ba buổi một tuần. Nhưng trong lớp, chủ đề thảo luận chính vẫn là Ukraine và những tin tức mới nhất từ mặt trận.
Với Valerri, người nói tiếng Nga, phải học một ngôn ngữ mới từ đầu là "điều khó khăn nhất" trong quá trình hòa nhập. "Tôi mệt mỏi sau giờ làm và rất khó tập trung để đưa tất cả thông tin vào đầu", anh tâm sự.
Valerri vốn làm nghề bác sĩ vật lý trị liệu, nay nhận được việc làm nhân viên kho cho một chuỗi nhà hàng Mỹ. Anh dậy từ sáng sớm, dành cả ngày làm việc, học tiếng Đức và đưa đón các con đi học.
"Đây không phải công việc tôi mơ ước", người đàn ông 44 tuổi nói. Anh hy vọng được cấp phép làm việc với tư cách bác sĩ vật lý trị liệu ở Áo trong vài tháng tới. Anh cũng không từ bỏ đam mê trở thành huấn luyện viên bóng đá.
Mong muốn kiếm được tiền ngay khi vừa đến Áo, Iryna, cựu giáo viên tiếng Anh, đã nhận công việc thu ngân. Bây giờ cô đang làm việc trong một cửa hàng bán dược liệu và rất yêu công việc này. "Đây là nơi bình yên, mang đến những điều tốt lành", cô nói.
Đã gần một năm trôi qua, cặp vợ chồng bắt đầu tận hưởng cuộc sống ở Vienna. Họ tới xem các viện bảo tàng, đi dự vũ hội do một số người bạn mới ở Áo mời.
Nhưng thật khó để quên những gì đang xảy ra ở quê hương.
"Tôi muốn thuyết phục bản thân rằng mọi thứ đang tốt đẹp, chúng tôi đang thích nghi, nhưng ngày nào tôi cũng muốn được về nhà", Iryna nói.
Mỗi sáng thức dậy, tâm trí cô ngập tràn suy nghĩ về Ukraine. "Tôi bắt đầu ngày mới bằng việc xem tin tức trên Telegram. Tôi kiểm tra tình hình ở Kiev và Irpin, và tất nhiên là tình hình của người nhà", cô nói khi ngắm nhìn tấm hình em trai mặc quân phục.
"Chồng tôi bảo 'đừng làm thế nữa, em cần phải thay đổi'. Tôi hiểu. Tôi phải làm việc, học hành, ở bên gia đình", cô bày tỏ.
![Danylo (trái) và Denys Titkov trong lớp học judo ở Vienna, Áo, ngày 1/9/2022. Ảnh: AFP](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2023/02/16/338Y2NY-preview-6974-1676513417.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=81-0NKoGNvRoBv6rF4sPDw)
Danylo (trái) và Denys Titkov trong lớp học judo ở Vienna, Áo, ngày 1/9/2022. Ảnh: AFP
Hai con trai của cô cũng nhớ nhà và thích chơi cùng các bạn người Ukraine. Sau khi bị bắt nạt ở trường, Denys, 11 tuổi, đã chuyển lớp và cảm thấy khá hơn. Ngoài học chương trình ở Áo, cậu bé còn phải theo kịp chương trình giảng dạy của Ukraine cùng lúc. Đây là khối lượng học hành nặng nề mà nửa triệu trẻ em tị nạn Ukraine khắp châu Âu đang đối mặt.
"Phần lớn các cháu muốn trở về Ukraine sau khi đất nước hòa bình và muốn giữ vững phong độ học tập", Sergiy Gorbachev, thanh tra viên giáo dục người Ukraine, nói.
Học sinh và giáo viên Ukraine đã quen với việc học và làm việc từ xa trong thời kỳ đại dịch. Điều đó giúp hệ thống giáo dục Ukraine nhanh chóng thích ứng khi chiến sự nổ ra. Nhưng Sergiy Gorbachev thừa nhận cần giảm bớt gánh nặng đặt lên vai các gia đình.
Ivanna Kobernik, từ tổ chức giáo dục phi chính phủ Smart của Ukraine, nhận định "có lẽ đây là lần đầu châu Âu chứng kiến việc đa số người tị nạn mơ ước quay về nhà và vẫn tiếp tục học từ xa".
Kobernik nhận xét rằng đối với trẻ em và các bà mẹ tị nạn Ukraine, điều này có ý nghĩa như "giữ gìn sự bình thường", duy trì mối quan hệ với quê hương mà họ không muốn rời bỏ.
Với Iryna, mối ràng buộc không thể phá vỡ với quê hương luôn đi cùng cảm giác tội lỗi ám ảnh. "Chúng tôi không biết giúp đỡ bằng cách nào ngoại trừ gửi tiền về", cô nói, cho hay thường xuyên gửi về quê hàng trăm euro cho người nhà và bạn bè.
Cô từng về nước để giúp người chú bị ung thư và cố thuyết phục người nhà sang Áo cùng. Năm 2023, Iryna mong muốn cuộc chiến sẽ kết thúc để "chúng tôi bắt đầu lập kế hoạch cho cuộc đời".
"Khi xung đột kết thúc, Ukraine chắc chắn sẽ không còn gì", Valerii nói. "Chúng tôi phải bắt đầu lại từ số 0".
Hồng Hạnh (Theo AFP)