Đô thị vịnh là một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn nhất Việt Nam, có nhiều lợi thế đặc thù về tự nhiên, hạ tầng và môi trường sống. Nhiều chuyên gia đánh giá, Nha Trang đang dần khẳng định vị thế không chỉ là điểm đến ngắn hạn, mà còn là lựa chọn lâu dài cho những ai tìm kiếm chất lượng sống bền vững.

Một góc biển Nha Trang. Ảnh: Khoa Trần
Môi trường sống dễ chịu
Yếu tố tự nhiên là lợi thế lớn đầu tiên của Nha Trang. Nơi đây có khí hậu ôn hòa, ít chịu ảnh hưởng của bão, số giờ nắng cao trong năm. Địa hình kết hợp giữa biển và đồi núi không chỉ tạo cảnh quan phong phú mà còn giúp điều hòa không khí. Nhiều người dân và du khách đánh giá, thời tiết và chất lượng không khí tại đây vượt trội so với các đô thị lớn.
Bên cạnh điều kiện tự nhiên, không gian đô thị tại Nha Trang vẫn giữ được sự thông thoáng. Theo điều tra giữa kỳ 2024 của Tổng cục Thống kê, Khánh Hòa có dân số hơn 1,27 triệu người, mật độ khoảng 219 người một km2, mức thấp so với nhiều tỉnh thành phát triển. Việc quy hoạch hạn chế xây dựng dày đặc giúp hạ tầng không bị quá tải, duy trì chất lượng sống ổn định.
Chi phí sinh hoạt cũng là một điểm cộng đáng kể của nơi đây. Dữ liệu từ Batdongsan.com cho thấy, giá thuê căn hộ diện tích 30-60 m2 tại Nha Trang dao động từ 4,5 đến 10 triệu đồng một tháng, phù hợp với người đi làm hoặc gia đình nhỏ. Các căn hộ cao cấp hướng biển có giá thuê 12- 18 triệu đồng. Nhà nguyên căn tại khu vực ven trung tâm có thể thuê với mức 3- 5 triệu đồng mỗi tháng, cho thấy sự linh hoạt về loại hình và mức giá.
"Chi phí sinh hoạt ở đây nhẹ nhàng hơn TP HCM, nhưng vẫn đủ tiện ích để duy trì nhịp sống ổn định", Hoàng Yến, nhân viên tài chính chuyển đến Nha Trang đầu năm nay, chia sẻ.

Nha Trang khi về đêm. Ảnh: Khoa Trần
Cộng đồng cư dân đa dạng
Không chỉ người trẻ tìm kiếm nơi ở chất lượng với chi phí hợp lý, Nha Trang còn thu hút nhóm chuyên gia nước ngoài, người cao tuổi hoặc làm việc từ xa. Họ đánh giá cao nhịp sống vừa phải, môi trường yên tĩnh và khả năng kết nối cộng đồng dễ dàng.
Khảo sát do VnExpress thực hiện với hơn 47.000 người tham gia cho thấy 85% chọn Nha Trang là nơi đáng sống. Nhóm tuổi 31-45 chiếm tỷ lệ cao nhất (68,7%) - nhóm có nhu cầu định cư rõ ràng và tiềm lực tài chính ổn định. Hai nhóm còn lại là 16-30 tuổi (17,8%) và 46-60 tuổi (12,5%), cho thấy sự quan tâm trải rộng qua nhiều thế hệ.
Ông Lê Văn Thành, 62 tuổi, giáo viên nghỉ hưu từ Hà Nội, chọn đô thị vịnh làm nơi an dưỡng vì khí hậu ấm áp và chi phí sinh hoạt phù hợp với mức lương hưu. "Tôi muốn sống gần biển để cải thiện sức khỏe và tận hưởng tuổi già trong không gian dễ chịu", ông nói.
Hạ tầng phát triển, giao thông kết nối thuận lợi
Ngoài điều kiện sống dễ chịu, Nha Trang còn sở hữu hệ thống hạ tầng giao thông hoàn chỉnh. Sân bay quốc tế Cam Ranh cách trung tâm khoảng 35 km, kết nối trực tiếp đến nhiều tỉnh thành và quốc gia. Đường sắt Bắc - Nam, quốc lộ 1A và cao tốc Bắc - Nam đều đi qua địa bàn, tạo thuận lợi cho việc đi lại liên vùng.
Bên trong đô thị, các trục đường chính như Trần Phú, Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp giữ vai trò kết nối trọng yếu giữa trung tâm và các khu vực ven đô. Trong đó, Trần Phú được mệnh danh là tuyến đường đẹp nhất Nha Trang, ôm dọc bờ biển gần 8 km.
Nha Trang cũng đang triển khai nhiều dự án hạ tầng quy mô lớn như hầm đường bộ Trần Phú dài 4,3 km hay cầu Phú Kiểng. Các công trình này sẽ hoàn thiện mạng lưới giao thông, góp phần cải thiện chất lượng sống trong tương lai.
Tiện ích đầy đủ, thị trường việc làm ổn định
Cư dân tại Nha Trang được phục vụ bởi hệ thống bệnh viện, trường học, trung tâm thương mại đa dạng. Cơ sở y tế công và tư như Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa, Bệnh viện Quân y 87 được chú trọng đầu tư... Về giáo dục, ngoài hệ thống trường phổ thông, Nha Trang còn có các trường đại học lớn như Đại học Nha Trang, Đại học Khánh Hòa và Cao đẳng Du lịch Nha Trang.
Nguồn cung việc làm cũng duy trì ổn định nhờ sự phát triển của các lĩnh vực như dịch vụ, du lịch, giáo dục, y tế và thương mại. Một số doanh nghiệp ghi nhận xu hướng gia tăng ứng viên từ các thành phố lớn chuyển về làm việc và sinh sống lâu dài.

Nhiều dự án được phát triển tại Nha Trang. Ảnh: Trang Đặng
Định hướng phát triển bền vững
Theo quy hoạch tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn 2050, địa phương này đặt mục tiêu trở thành trung tâm du lịch biển quốc tế, đồng thời đẩy mạnh phát triển kinh tế biển và khoa học công nghệ. Nha Trang được xác định là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và là cửa ngõ hội nhập quốc tế của khu vực duyên hải miền Trung.
Đô thị vịnh đang phát triển theo mô hình đa cực, giảm tải khu vực trung tâm bằng cách mở rộng không gian sống ra phía bắc và tây. Nhiều dự án như Libera Nha Trang, The Forest Hill, Vinpearl Phú Quý... tạo động lực mới cho đô thị hóa bền vững.
Ngoài ra, các chính sách bảo vệ môi trường biển, kiểm soát chiều cao và mật độ xây dựng cũng được chú trọng. Nha Trang đang nỗ lực gìn giữ cảnh quan tự nhiên trong khi từng bước hiện đại hóa.
Giới chuyên gia nhận định, với nền tảng sẵn có và định hướng phát triển rõ ràng, Nha Trang đang trở thành hình mẫu đô thị ven biển cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và bảo tồn môi trường sống. Đô thị vịnh không chỉ hấp dẫn du khách mà còn là nơi được nhiều người chọn để gắn bó lâu dài.
Sau sáp nhập, thành phố Nha Trang cũ được chia làm 4 phường: Bắc Nha Trang, Nha Trang, Tây Nha Trang, Nam Nha Trang. Trong đó, phường Bắc Nha Trang được đánh giá là khu vực có nhiều dư địa phát triển, quỹ đất còn nhiều, lượng dân cư tương đối, địa thế nằm gọn giữa vịnh và núi, do đó thừa hưởng trọn vẹn điều kiện tự nhiên và khí hậu - môi trường sống của đô thị vịnh Nha Trang.

Hạ tầng kết nối về khu vực Bắc Nha Trang. Ảnh: Khoa Trần
Hiện, tỉnh Khánh Hòa đẩy mạnh quy hoạch Bắc Nha Trang, thu hút dân cư và nguồn lao động. Đặc biệt, hạ tầng giao thông kết nối đến khu vực này đang được chú trọng, trong đó công trình Cầu Phú Kiểng với tổng mức vốn gần 600 tỷ đồng sẽ thực hiện trong giai đoạn năm 2024-2027. Mục tiêu của dự án nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân được thuận lợi, phát triển hạ tầng khung, kết nối giao thông khu vực phía Nam với Bắc Nha Trang, thúc đẩy phát triển đô thị.
Hoàng Đan