Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 14/7 tuyên bố sẽ áp dụng mức thuế "rất nghiêm khắc", khoảng 100%, lên Nga nếu nước này không đạt thỏa thuận ngừng bắn với Ukraine sau 50 ngày.
Ông cho biết cũng sẽ áp "thuế thứ cấp", nhắm tới các đối tác thương mại của Nga, từ đó làm suy yếu khả năng của Moskva trong việc ứng phó với các lệnh trừng phạt nghiêm khắc từ phương Tây.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng ngày 14/7. Ảnh: AP
Tổng thống cũng đề cập tới kế hoạch cung cấp vũ khí cho Ukraine, trong đó các đồng minh châu Âu sẽ mua "hàng tỷ, hàng tỷ" USD thiết bị quân sự từ Mỹ để chuyển tới Ukraine nhằm giúp Kiev chống lại sức ép ngày càng tăng từ Moskva trên chiến trường.
Nổi bật trong số vũ khí Mỹ hứa hẹn cung cấp có hệ thống phòng không Patriot, ưu tiên hàng đầu của Ukraine nhằm vô hiệu hóa máy bay không người lái (UAV) và tên lửa Nga.
Tuyên bố từ Tổng thống Trump ngay lập tức gieo hy vọng cho Kiev. Trong bài phát biểu cùng ngày, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bày tỏ biết ơn ông chủ Nhà Trắng vì "đã sẵn lòng bảo vệ tính mạng người dân của chúng tôi".
Một số người cho rằng bước ngoặt về lập trường này là bằng chứng cho thấy nỗ lực của Kiev nhằm cải thiện quan hệ với Washington từ sau cuộc khẩu chiến nảy lửa giữa lãnh đạo hai nước tại Phòng Bầu dục hồi đầu năm đã được đền đáp.
Theo chuyên gia phân tích Dan Sabbagh từ báo Guardian, những phát biểu mới nhất của Tổng thống Trump thực sự là bước thay đổi đáng chú ý. Khi mới nhậm chức nhiệm kỳ hai, Tổng thống Trump tin rằng ông có thể đạt được thỏa thuận với Nga để chấm dứt xung đột ở Ukraine. Tuy nhiên, như ông đã nói rõ trong những phát biểu gần đây, các cuộc nói chuyện với lãnh đạo Nga dần dần khiến ông đi đến kết luận rằng Moskva vẫn chưa nghiêm túc về thỏa thuận hòa bình.
Tổng thống cho hay có tới 4 lần ông nghĩ mình đã đạt được thỏa thuận với Nga, nhưng việc Moskva ngay sau đó tấn công Kiev cùng các thành phố lớn khác của Ukraine đã khiến ông phải suy nghĩ lại.
Trong một dấu hiệu tích cực khác với Ukraine, tại cuộc gặp ở Phòng Bầu dục, Tổng thống Trump đã cùng Tổng thư ký NATO Mark Rutte ca ngợi Kiev vì có thể đẩy lùi các cuộc tập kích không ngừng của Moskva giữa lúc các nguồn lực đều cạn kiệt.
Khi mới nhậm chức, ông Trump từng đổ lỗi cho Ukraine khơi mào cuộc xung đột, cáo buộc Tổng thống Zelensky muốn kéo dài nó. Nhưng hôm 14/7, Tổng thống lại nói về việc Ukraine đã "chiến đấu với lòng dũng cảm phi thường".
Tổng thống ca ngợi kế hoạch cấp vũ khí mới là minh chứng cho thành công của ông trong việc khiến NATO tăng chi tiêu quân sự và khuyến khích châu Âu đóng vai trò lớn hơn nhằm giải quyết xung đột.
Tổng thống bày tỏ vui mừng vì vai trò của châu Âu đã được "hồi sinh". "Tôi phải nói với ngài, châu Âu rất quyết tâm trong cuộc xung đột này", ông Trump nói với ông Rutte. "Khi tôi mới tham gia, tôi không nghĩ như vậy, nhưng giờ thì có".
Tuy nhiên, vẫn có những hoài nghi rằng gói viện trợ mới, cùng với lời đe dọa trừng phạt nền kinh tế Nga của Tổng thống Trump, chưa đủ để khiến Moskva ngừng chiến dịch. Một cựu sĩ quan quân đội Ukraine cho rằng điều này khó có thể tạo ấn tượng đáng kể với Điện Kremlin hoặc đóng vai trò răn đe mạnh mẽ.
Jennifer Kavanagh, nghiên cứu viên cao cấp tại Defense Priorities, tổ chức tư vấn ủng hộ Mỹ duy trì chính sách quân sự kiềm chế ở nước ngoài, nhận định Moskva liên tục từ chối đề nghị hòa bình từ Washington vì họ "chưa muốn ngừng chiến đấu".
Tổng thống Putin "tin rằng Nga đang có lợi thế trên chiến trường và Mỹ hay châu Âu không thể làm gì nhiều để gây áp lực hay tổn thất lớn cho họ", bà nói. "Việc viện trợ thêm cho Ukraine khó có khả năng thay đổi đáng kể cán cân quân sự và Nga đã chuẩn bị để sẵn sàng đương đầu với những lệnh trừng phạt bổ sung".
Kavanagh tin rằng chiến lược trang bị vũ khí cho Ukraine của Mỹ là "không bền vững". Bà cho rằng kho vũ khí ở châu Âu và Mỹ đã giảm sút, nên khó có thể viện trợ nhiều thêm cho Ukraine trong tương lai gần. Châu Âu, với nền công nghiệp quốc phòng nhỏ hơn nhiều so với Mỹ, có thể đặt mua vũ khí mới, nhưng việc giao hàng sẽ mất nhiều tháng, thậm chí nhiều năm.
Ngoài ra, tính khả thi trong những lời đe dọa về trừng phạt kinh tế của Tổng thống Trump cũng chưa rõ ràng.
Dù ông tuyên bố sẵn sàng áp đặt mức thuế 100% lên Nga, động thái này được cho là sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế Nga.
Theo Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, năm 2024, Mỹ chỉ nhập khẩu khoảng 3 tỷ USD hàng hóa từ Nga, chủ yếu là phân bón, sắt, thép và uranium cho các lò phản ứng hạt nhân. Không rõ liệu ông Trump có ý định hạn chế những mặt hàng này hay không.
Ở chiều hướng ngược lại, Mỹ chỉ xuất khẩu 500 triệu USD hàng hóa sang Nga.
Việc Tổng thống Trump đe dọa áp đặt "thuế thứ cấp" lên bất kỳ quốc gia nào giao dịch với Nga có thể tạo ra tác động lớn hơn, đặc biệt đối với lĩnh vực năng lượng của Moskva. Nền kinh tế Nga đã vượt qua các lệnh trừng phạt khắc nghiệt phần lớn nhờ vào việc tiếp tục xuất khẩu dầu khí sang các quốc gia không nằm trong cơ chế trừng phạt do phương Tây dẫn đầu.
Trung Quốc và Ấn Độ là hai nước nhập khẩu năng lượng lớn nhất từ Nga, tận dụng mức giá thấp mà Nga đưa ra sau khi mất khách hàng phương Tây vì xung đột. Cả hai nước đã đổ hàng chục tỷ USD mỗi năm vào ngân khố Nga.
Trước năm 2022, dầu Nga chỉ chiếm 1% lượng dầu Ấn Độ nhập khẩu, hiện tại mức này tăng lên gần 40%. Trong khi đó, Moskva là đối tác thương mại lớn của Bắc Kinh và từ trước năm 2022, dầu Nga đã chiếm hơn 15% tổng lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc.
Edward Fishman, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ và chuyên gia về các lệnh trừng phạt Nga, lưu ý rằng Tổng thống Trump từng rút lại lời đe dọa áp thuế hơn 125% đối với hàng xuất khẩu Trung Quốc.
"Vì thế, nếu mục tiêu là giảm xuất khẩu năng lượng của Nga, nó sẽ không hiệu quả", Fishman viết trên mạng xã hội.

Tổng thống Trump gặp Tổng thư ký NATO Mark Rutte tại Phòng Bầu dục, Nhà Trắng, ngày 14/7. Ảnh: AP
Mặt khác, nhiều đồng minh thân cận của Mỹ, trong đó có cả Nhật Bản và thành viên Liên minh châu Âu (EU), cũng có các hoạt động thương mại đáng kể với Nga.
"Đó là một bước thay đổi đáng mừng trong giọng điệu", thượng nghị sĩ Dân chủ Jeanne Shaheen, bình luận, đề cập tới Tổng thống Trump. "Nhưng liệu nó có kéo dài lâu không thì vẫn chưa rõ".
Theo nhà phân tích Nick Paton Walsh từ CNN, thời hạn 50 ngày khiến Tổng thống Putin có thời gian đến tháng 9 để thuyết phục người đồng cấp Mỹ đổi ý hoặc tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch mùa hè nhằm đạt được nhiều lợi thế hơn nữa trên bàn đàm phán.
"Tổng thống đưa ra hạn chót có lẽ nhằm thúc ép Nga đi đến thỏa thuận. Nhưng chúng ta từng chứng kiến điều này trước đây và Moskva đã để thời gian trôi qua mà không có bất kỳ động thái đáng chú ý nào", Walsh nói.
Vũ Hoàng (Theo CNN, Guardian, AFP, Reuters)