Các bác sĩ nhi khoa và nhân viên y tế ở Indonesia, quốc gia đông dân thứ tư thế giới, cho biết số trẻ em tử vong cao vì loại dịch bệnh hầu như chỉ đe dọa tính mạng người cao tuổi là do các yếu tố nền, đặc biệt là tình trạng suy dinh dưỡng, thiếu máu và các cơ sở chăm sóc y tế trẻ em lạc hậu.
Một tài liệu được Bộ Y tế Indonesia ban hành ngày 22/5 cho biết nước này đã phát hiện tổng cộng 715 người dưới 18 tuổi nhiễm nCoV, trong đó 28 người đã chết.
Tài liệu cũng cho thấy hơn 380 ca tử vong trong số 7.512 trẻ em được xếp vào diện "bệnh nhân đang theo dõi", nghĩa là những trẻ em có triệu chứng nghiêm trọng của Covid-19 nhưng chưa được xác nhận nhiễm virus bằng xét nghiệm. Số liệu này có thể khiến Indonesia trở thành một trong những nơi có tỷ lệ tử vong vì Covid-19 ở trẻ em cao nhất thế giới.
"Covid-19 chứng minh rằng chúng ta phải chống lại tình trạng suy dinh dưỡng", Achmad Yurianto, một quan chức cấp cao Bộ Y tế Indonesia, nói.
Ông cho hay trẻ em nước này mắc kẹt trong một "vòng tròn quỷ dữ", khi tình trạng suy dinh dưỡng và thiếu máu khiến các em dễ bị nhiễm nCoV. Ông so sánh những đứa trẻ suy dinh dưỡng với các công trình yếu ớt đổ sập sau một trận động đất.

Anh Iyansyah, 45 tuổi, có con trai 9 tháng tuổi tử vong do Covid-19 ở một bệnh viện tử tại Mataram, tỉnh Tây Nusa Tenggara, Indonesia. Ảnh: Reuters
Kể từ khi ghi nhận ca nhiễm nCoV đầu tiên hồi tháng ba, Indonesia đến nay đã báo cáo 2.000 ca tử vong, chỉ xếp sau Trung Quốc ở khu vực Đông Á.
Với số liệu được công bố chính thức 28 trẻ dưới 18 tuổi tử vong do Covid-19, Indonesia vẫn là nước có tỷ lệ tử vong ở trẻ em ở mức cao, 2,1%. Các quốc gia khác nhau áp dụng những nhóm tuổi khác nhau trong thống kê nhưng số bệnh nhân tử vong dưới 24 tuổi ở Mỹ chỉ chiếm hơn 0,1%. Tại Brazil, số người nghi chết do Covid-19 dưới 19 tuổi là 1,2%. Tại Philippines, số người chết dưới 19 tuổi là khoảng 2,3%.
Indonesia, một quốc gia đang phát triển với 270 triệu dân, đang chịu đựng 3 gánh nặng về dinh dưỡng, bao gồm còi cọc, thiếu máu ở mẹ và béo phì, theo Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc. Gần 1/3 trẻ em Indonesia dưới 5 tuổi bị còi cọc, cơ quan này cho biết.
"Tình trạng dinh dưỡng tác động đến chức năng miễn dịch của trẻ", bác sĩ Nastiti Kaswandani, chuyên khoa phổi ở trẻ em tại thủ đô Jakarta, nói. "Điều này rất quan trọng trong việc giảm thiểu khả năng lây nhiễm Covid-19".
Các bác sĩ nhi cho biết hệ thống chăm sóc sức khỏe không được trang bị tốt cũng là một vấn đề. Bộ Y tế Indonesia từ chối cung cấp dữ liệu về các cơ sở chăm sóc sức khỏe trẻ em và một quan chức cấp cao nói rằng hệ thống này không bị quá tải. Tuy nhiên, các bác sĩ nói rằng Indonesia rất thiếu các bệnh viện nhi.
Tình trạng thiếu thốn trang thiết bị rõ rệt hơn ở những địa phương ngoài thủ đô Jakarta. Bác sĩ nhi Dominicus Husada cho hay bệnh viện mà ông làm việc trên đảo Madura tại tỉnh Đông Java không có máy thở cho trẻ em. Một trẻ 11 tuổi đã tử vong vì Covid-19 tại đây hồi tháng 3.
Iyansyah, người có con trai 9 tháng tuổi tử vong vì Covid-19 trên đảo Lombok, tỉnh Tây Nusa Tenggara, kể rằng bệnh viện không có khoa nhi. "Nếu bệnh viện mà tôi đến có đầy đủ trang thiết bị, thằng bé có thể đã sống sót", anh nói.
Anh Ngọc (Theo Reuters)