Hội chứng hậu Covid-19 là tình trạng xảy ra ở những người tiền sử nhiễm nCoV đã khỏi bệnh trong vòng ba tháng và có triệu chứng bệnh kéo dài ít nhất hai tháng mà không thể giải thích bằng chẩn đoán thay thế.
Nguyên nhân
Các triệu chứng phổ biến gồm: mệt mỏi, khó thở, rối loạn chức năng nhận thức và một số triệu chứng khác. Hậu Covid-19 kéo dài khiến sức khỏe người bệnh suy giảm, gây khó khăn trong công việc và cuộc sống, tốn kém thời gian và tiền bạc để chữa trị.
![Hậu Covid-19 nhiều người bị khó thở, đau tức ngực. Ảnh: Shutterstock](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2022/03/20/di-chung-hau-covid-19-4140-1647781913.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=70TAdwSEYguNEdRoXm7mMw)
Hậu Covid-19 nhiều người bị khó thở, đau tức ngực. Ảnh: Shutterstock
Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện nay có trên 200 biến chứng hậu Covid-19 được phát hiện, những triệu chứng thường gặp nhất: mệt mỏi, di chứng tâm thần kinh, di chứng tim mạch, hệ hô hấp bất thường...
Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) có 33% người bệnh sau nhiễm Covid-19 gặp triệu chứng hậu Covid-19 kéo dài ít nhất sáu tháng sau khi khỏi bệnh; 20% người phải tái nhập viện, 80% người bệnh cần theo dõi tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu trong vòng 2 tháng từ khi xuất viện. Tình trạng mệt mỏi kéo dài tùy theo mức độ thời gian khác nhau. Người bị nhiễm Covid-19 nặng, nhập viện, thở máy thì tình trạng này có thể kéo dài từ 2-6 tháng.
Theo nghiên cứu trên 309 người nhiễm trong vòng 2-3 tháng sau khi khỏi bệnh của Tiến sĩ Yapeng Su và các cộng sự ghi nhận có 4 yếu tố khiến người nhiễm Covid-19 dễ mắc chứng Covid-19 kéo dài hơn. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới hậu Covid-19:
Do virus EBV: khi tấn công con người, Covid-19 có thể kích hoạt loạt virus EBV, gây ra các triệu chứng bệnh Covid-19 kéo dài. EBV tồn tại trong cơ thể của khoảng 95% dân số thế giới, chúng ở dạng bất hoạt và không có triệu chứng.
Mắc Covid-19 nặng: người nhiễm Covid-19 nặng phải thở máy, hoặc thở oxy kéo dài, nhiễm trùng phổi, viêm phổi nặng thì di chứng hậu Covid-19 nặng và kéo dài gấp 4 lần so với người bệnh nhẹ.
![Bệnh nhân nhiễm virus nặng, phải nhập viện điều trị thì nguy cơ mắc di chứng Covid-19 càng cao. Ảnh: Shutterstock](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2022/03/20/di-chung-covid-6951-1647781913.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Vxic980j1yPSWL7_W0DiYA)
Bệnh nhân nhiễm virus nặng, phải nhập viện điều trị thì nguy cơ mắc di chứng Covid-19 càng cao. Ảnh: Shutterstock
Người mắc Covid-19 có bệnh nền: những người có bệnh viêm phổi làm tăng nguy cơ kéo dài Covid-19 lên 6 lần, người hen suyễn có nguy cơ hậu Covid-19 lên 10 lần. Ngoài ra những người mắc bệnh tim mạch, huyết áp, tiểu đường, suy giảm miễn dịch... đều dễ xảy ra tình trạng rối loại chỉ số sinh học cơ thể sau khi khỏi Covid-19 như: rối loạn nhịp tim, tăng/giảm huyết áp, tăng/giảm chỉ số đường huyết.
Chưa tiêm vaccine Covid-19: So sánh giữa người nhiễm Covid-19 thời điểm thế giới chưa phát minh ra vaccine ngừa Covid-19 và nhóm người được tiêm ngừa vaccine đã cho thấy: yếu tố chưa tiêm chủng, bệnh nền làm tăng nặng hội chứng để lại sau khi mắc Covid-19. Trong khi đó, tiêm chủng giúp giảm đáng kể nguy cơ mắc chứng Covid-19 kéo dài. Nếu người mới tiêm 1 liều vaccine nếu có nhiễm Covid-19, cũng giảm nguy cơ mắc di chứng hậu Covid-19.
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí The Lancet vào tháng 1/2022 cho thấy đối tượng được tiêm 2 liều vaccine nếu mắc Covid-19 sẽ giảm khoảng một nửa nguy cơ mắc biến chứng hậu Covid-19.
Hệ sinh vật đường ruột kém: Ở người trưởng thành, tổng lượng vi khuẩn trong đường tiêu hóa ước tính có khoảng 100.000 tỷ, tương đương 1,5kg vi sinh vật. Nếu cơ thể khỏe mạnh, hệ vi sinh đường ruột có khoảng trên 500 loài khác nhau, bao gồm vi sinh vật có lợi (chiếm 85%) và vi sinh vật gây bệnh (chiếm 15%). Nhờ cơ chế điều hòa miễn dịch tại ruột, dù có sự góp mặt của vi khuẩn gây bệnh nhưng cơ thể vẫn ở trạng thái khỏe mạnh vì hệ vi sinh cân bằng.
Người bệnh nhiễm Covid-19 có vi khuẩn đường ruột khỏe mạnh và hệ vi sinh vật khỏe mạnh sẽ giảm biến chứng sau khi khỏi SARS-CoV-2 trong khi đó, những bệnh nhân Covid-19 có hệ vi sinh vật kém hơn, dễ bị chứng Covid-19 kéo dài hơn.
Kháng thể IgM và IgG3 thấp: Hai loại kháng thể này mức độ thấp cũng khiến bạn dễ mắc di chứng hậu Covid-19. Giáo sư Mukaetova-Ladinska, Đại học Leicester (Anh) đã đưa ra nghiên cứu giải thích rằng mức độ thấp hơn của kháng thể immunoglobulin IgM và IgG3, khi kết hợp với các yếu tố nguy cơ lâm sàng, cũng có thể làm tăng nguy cơ phát triển Covid-19 kéo dài.
Khắc phục hậu Covid-19 cách nào?
Để khắc phục các triệu chứng hậu Covid-19, bác sĩ khuyên bạn nên thực hiện các bài tập thở, đi bộ 30 phút mỗi ngày để phục hồi chức năng phổi, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, thường xuyên luyện tập thể dục thể thao.
![Kiểm tra sức khỏe toàn diện ở giai đoạn hậu Covid-19 nhằm sớm phát hiện các vấn đề và điều trị kịp thời. Ảnh: Shutterstock](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2022/03/20/di-chung-hau-covid-191-8655-1647781913.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=zdehQhKHtiPi98Hc7OWzLQ)
Kiểm tra sức khỏe toàn diện ở giai đoạn hậu Covid-19 nhằm sớm phát hiện các vấn đề và điều trị kịp thời. Ảnh: Shutterstock
Đồng thời, sau khi khỏi Covid-19 nếu người bệnh thường xuyên bị khó thở nên đi thăm khám tại các cơ sở y tế, nhất là những bệnh nhân Covid-19 nặng phải thở máy, có tiền sử bệnh mãn tính. Thông qua kiểm tra, bác sĩ xác định những tổn thương nếu có và đưa ra phương pháp điều trị dự phòng. Phương pháp điều trị cho người bệnh mệt mỏi kéo dài hậu Covid-19 chủ yếu tăng cường thể thao vận động, bổ sung dinh dưỡng, làm việc nhẹ nhàng, tăng cường thời gian thư giãn để cơ thể phục hồi.
Theo các bác sĩ, những người không có chống chỉ định tiêm phòng Covid-19, hãy tiêm vaccine Covid-19. Riêng nhóm người dị ứng, suy giảm miễn dịch không thể tiêm vaccine ngừa Covid-19 hoặc dù đã tiêm nhưng không có khả năng tạo đủ kháng thể để bảo vệ cơ thể thì có thể đăng ký tiêm kháng thể đơn dòng của AstraZeneca. Đây là thuốc kháng thể đơn dòng điều trị dự phòng Covid-19 trước phơi nhiễm đầu tiên trên thế giới được FDA cấp phép.
Anh Chi