Teaser phim "Mưa đỏ", dự kiến ra rạp ngày 22/8. Video: Điện ảnh Quân đội Nhân dân
Trong buổi giới thiệu tác phẩm chiều 23/7 ở Hà Nội, một số nhân chứng từng tham gia cuộc chiến Quảng Trị năm 1972 có mặt, ôn kỷ niệm thời chiến. Ông Nguyễn Văn Hợi, 77 tuổi, Trưởng ban liên lạc Tiểu đoàn K3 - Tam Đảo, nhớ ban đầu, tiểu đoàn của ông 325 người, sau đó được tiếp viện quân bổ sung gấp bốn lần, nhưng cuối cùng chỉ còn 39 người sống sót.
"Trong 81 ngày ấy, hơn 1.000 người trong tiểu đoàn chúng tôi đã vĩnh viễn nằm lại nơi cổ thành. Thành cổ rộng nhưng đồng đội tôi nằm chật", ông Hợi nói.
Ông Nguyễn Văn Hợi xúc động khi nhắc về ký ức chiến tranh. Video: Hà Thu
Hình ảnh khiến ông xúc động nhất là phân đoạn người lính vượt sông Thạch Hãn, bởi nó gợi nhắc những gì từng xảy ra ngoài đời: "Có những ngày, Bộ Tư lệnh thông báo sẽ bổ sung cho tiểu đoàn 50-70 tân binh. Mỗi người lính được cấp một chiếc áo mưa hai mét rưỡi để bó quân tư trang và súng. Chúng tôi chờ từ đêm đến gần sáng thì thấy một vài cái phao nổi lên. Tôi và đồng chí liên lạc mừng quá, định nhảy khỏi công sự ra đón anh em, thì một bầy pháo đã trùm lên họ. Chơi vơi trên dòng sông Thạch Hãn, chỉ còn lại tiếng kêu 'Mẹ ơi', 'Chị ơi'. Khi ấy, họ còn trẻ lắm, chưa biết tình yêu là gì".

Từ trái sang: Thiếu tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Trần Trọng Can, Đại tá Đào Văn Phê - Phó trưởng ban liên lạc Tiểu đoàn K3 - Tam Đảo, ông Nguyễn Văn Hợi, 77 tuổi, Trưởng ban liên lạc Tiểu đoàn K3 - Tam Đảo. Ảnh: Ban tổ chức cung cấp
Đại tá Đào Văn Phê - Phó trưởng ban liên lạc Tiểu đoàn K3 - Tam Đảo - hồi tưởng khí thế của ông và đồng đội: "Chúng tôi khi ấy xác định trước sau mình sẽ hy sinh, những ai còn sống sót đều nhờ may mắn. Hàng nghìn chiến sĩ đã ngã xuống, không được hưởng không khí ngày 30/4/1975. Hôm ấy, anh em chúng tôi nhảy lên, ôm nhau khóc và nói: 'Con sống rồi mẹ ơi'".
Nhà văn Chu Lai - người viết kịch bản phim, từng là lính đặc công miền Nam, tri ân các đồng đội đã đến xem phim, đưa ra các góp ý trong suốt quá trình thực hiện tác phẩm. Kịch bản được ông viết từ năm 2010, theo lời gợi ý của một người bạn, có người nhà là liệt sĩ ở Quảng Trị.
Ông nói: "Với tôi, 81 ngày ở thành cổ là một trong những trận đánh khốc liệt nhất trong lịch sử nhân loại. Cuộc chiến có hai giai đoạn, một là sa mạc chiến, khi tòa thành đã bị san bằng, các chiến sĩ quần áo rách bươm, lăn lộn trên mặt đất. Giai đoạn thủy chiến cũng cam go không kém. 328.000 tấn bom đạn đã rải xuống. Có những người chết đi chết lại nhiều lần. Thi thể họ khi vừa chôn xuống lại bị pháo dập bom dồn. Bộ phim này dù 'vạm vỡ' đến mấy cũng chỉ là một lát cắt mà thôi".

Đạo diễn Đặng Thái Huyền (hàng trên, thứ hai từ trái sang) và các diễn viên. Ảnh: Ban tổ chức cung cấp
Đạo diễn Đặng Thái Huyền tiếp xúc kịch bản từ năm 2012. Trải qua nhiều lần chỉnh sửa, năm 2023, dự án được phê duyệt. Năm ngoái, êkíp bắt đầu xây dựng bối cảnh, tuyển diễn viên, tiến hành quay. Phim trường rộng 50 ha bên bờ Thạch Hãn - nơi diễn ra 85% thời lượng - được hàng trăm người chăm chút từng chi tiết. Tác phẩm có nhiều đại cảnh, lột tả sự khốc liệt của cuộc chiến.
Các pha cháy nổ do chuyên gia Thái Lan và Binh chủng Công binh thực hiện. Phân đoạn khó nhất là các cảnh vượt sông. Đoàn phim huy động lực lượng chiến sĩ đặc công, một số diễn viên quần chúng. Với các cảnh vượt sông đêm, êkíp dựng sạp dưới mặt nước, nhằm hạn chế sự cố.

Một cảnh trên trận địa chiến tranh trong phim "Mưa đỏ". Ảnh: Đoàn phim cung cấp
Dàn diễn viên gồm nhiều gương mặt trẻ như Đỗ Nhật Hoàng, Hạ Anh, Steven Nguyễn, Phương Nam, Lâm Thanh Nhã, Đình Khang, Hoàng Long, Nguyễn Hùng. Họ được tuyển chọn từ hàng nghìn người, qua các buổi casting ở Hà Nội, TP HCM.
Hai năm nay, dòng phim chiến tranh được khán giả quan tâm, đón nhận hơn. Hồi tháng 2 năm ngoái, Đào, phở và piano của đạo diễn Phi Tiến Sơn tạo ra "cơn sốt" săn vé, thu về 21 tỷ đồng, hòa vốn sau ba tháng công chiếu. Theo Cục Điện ảnh, đây là hiện tượng "chưa từng có" với các phim do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đặt hàng, chỉ phát hành ở một số rạp Nhà nước. Phim Địa đạo của Bùi Thạc Chuyên, ra mắt dịp 30/4, thu 172 tỷ đồng.
Hà Thu