Sau khi Tổng thống Donald Trump trở lại Nhà Trắng, các lãnh đạo châu Âu đã liên tục kêu gọi ông ủng hộ Ukraine mạnh mẽ hơn. Những tuần gần đây, vài người đã thử cách tiếp cận mới trong các cuộc trò chuyện riêng tư với ông Trump, người yêu thích những lời ca ngợi.
Theo hai quan chức châu Âu, khi trao đổi với ông Trump, các lãnh đạo này đã ca ngợi ông vì điều oanh tạc cơ Mỹ giáng đòn mạnh vào chương trình hạt nhân Iran. Họ nói rằng Tổng thống Trump hoàn toàn có thể làm điều tương tự ở Ukraine, không phải bằng bom đạn, mà thông qua loạt biện pháp trừng phạt mới nhằm làm tê liệt nền kinh tế Nga.

Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc họp với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ở Nhà Trắng hôm 7/7. Ảnh: AP
Thủ tướng Đức Friedrich Merz cùng các lãnh đạo Pháp, Anh, Italy đã công khai nói với Tổng thống Trump rằng các biện pháp trừng phạt mới từ Mỹ có thể buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin phải đàm phán nghiêm túc về chấm dứt chiến sự. Họ lập luận rằng nếu không có chúng, ông Putin sẽ tiếp tục leo thang những cuộc tấn công nhằm phá vỡ hệ thống phòng thủ Ukraine.
Tổng thống Trump đang thể hiện ông mất kiên nhẫn với Nga, sau nhiều lần hai lãnh đạo Nga - Mỹ đối thoại nhưng không tìm được tiếng nói chung. Hôm 8/7, sau cuộc điện đàm mà ông Trump bày tỏ rõ thái độ không hài lòng, Tổng thống Mỹ tuyên bố đang "rất nghiêm túc" xem xét ủng hộ dự luật "Trừng phạt Nga 2025" tại Thượng viện.
Dự luật đề xuất áp thuế 500% đối với hàng nhập khẩu từ các quốc gia mua dầu mỏ, khí đốt tự nhiên, các sản phẩm dầu mỏ hoặc uranium của Nga, như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và thậm chí một số thành viên Liên minh châu Âu (EU). Dự luật nhắm vào các quan chức, tổ chức tài chính Nga, các đơn vị giao dịch với ngân hàng Nga bị trừng phạt. Văn bản yêu cầu cấm Mỹ mua trái phiếu chính phủ Nga; cấm niêm yết, giao dịch chứng khoán với các tổ chức liên quan chính phủ Nga tại các sàn Mỹ, cấm đầu tư vào các tổ chức hoặc doanh nghiệp do chính phủ Nga sở hữu hoặc kiểm soát.
Dầu mỏ là động lực của nền kinh tế Nga và là nguồn doanh thu quan trọng cho chiến dịch tại Ukraine. Các lãnh đạo phương Tây đã tìm cách cắt đứt nguồn doanh thu này kể từ khi xung đột bùng phát hồi năm 2022. Tuy nhiên đến nay, họ vẫn chưa thành công như mong đợi.
Dự luật của Thượng viện, do thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham và thượng nghị sĩ Dân chủ Richard Blumenthal đề xuất, là một nỗ lực mới nhằm vào ngành dầu mỏ Nga. Thượng viện chưa đưa dự luật ra bỏ phiếu nhưng 84 trong số 100 nghị sĩ đã bày tỏ sự ủng hộ.
Một số nhà phân tích cho rằng nếu được thông qua, dự luật có thể giáng đòn mạnh hơn nhiều so với bất kỳ lệnh trừng phạt nào trước đây đối với Nga.
"Tác động kinh tế của dự luật khá rõ ràng và sâu rộng", Ben Harris, phó chủ tịch kiêm giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế tại Viện Brookings, trụ sở tại Washington, cho biết. Ông từng giúp soạn thảo một biện pháp trước đó nhằm kiềm chế doanh thu dầu mỏ của Nga dưới thời chính quyền cựu tổng thống Joe Biden.
"Cuối cùng sẽ chỉ có ba kết quả: Quân đội Nga rút lui, thị trường năng lượng toàn cầu sụp đổ hoặc suy thoái kinh tế toàn cầu do thương mại thế giới lao dốc", Harris nói. "Không có kết quả nào khác, vì thế, dự luật nên được coi là vừa dũng cảm vừa rủi ro".
Tuy nhiên, một số nhà phân tích khác cảnh báo sẽ mất thời gian để các biện pháp trừng phạt của dự luật tác động đủ mạnh, đến mức có thể khiến Tổng thống Putin phải ngồi vào bàn đàm phán, trong khi Tổng thống Trump có khả năng sẽ từ chối thực hiện nhiều biện pháp trong đó.
Janis Kluge, chuyên gia về Nga tại Viện Các vấn đề Quốc tế và An ninh Đức, dự đoán hầu hết các biện pháp trừng phạt Nga trong dự luật là "phi thực tế và sẽ không bao giờ được thực hiện".
"Thành tựu chính của nó là duy trì cuộc đối thoại về các lệnh trừng phạt mới đối với Nga", ông nói. "Tuy nhiên, nó sẽ không thay đổi được cuộc xung đột và các lãnh đạo châu Âu không nên giữ quá nhiều kỳ vọng".
Các quan chức Nga dường như không lo ngại về khả năng ông Trump ủng hộ một vòng trừng phạt mới. Tổng thống Mỹ chưa ban hành bất kỳ biện pháp trừng phạt mới nào lên Nga liên quan đến xung đột Ukraine trong năm nay.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei A. Ryabkov cáo buộc các thượng nghị sĩ ủng hộ dự luật đang cố gắng "phá hoại nền tảng tương tác bình thường giữa Mỹ và Nga", nhấn mạnh họ có nguy cơ "gây hại cho chính Mỹ".
Ông cho hay Nga sẽ cần phân tích để hiểu rõ hơn tác động từ bất kỳ lệnh trừng phạt tiềm tàng nào, nhưng với 30.000 biện pháp hạn chế đã được thực hiện đối với Moskva, điều này "sẽ không thể thay đổi cục diện" cuộc xung đột.
Dù vậy, thượng nghị sĩ Graham đã khơi dậy bầu không khí lạc quan ở Berlin và khắp châu Âu khi ông đến thăm Thủ tướng Merz, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) cùng các lãnh đạo khác của khu vực vào tháng trước để thảo luận về dự luật trừng phạt Nga.
Ngay sau đó, ông Merz đã bay đến Washington và thúc giục ông Trump ủng hộ dự luật, phát biểu tại Phòng Bầu dục rằng Tổng thống Mỹ là "người giữ vai trò then chốt" trong nỗ lực chấm dứt xung đột ở Ukraine.
Tổng thống Trump lúc bấy giờ đã nói với các phóng viên rằng ông có "một thời hạn trong đầu" về thời điểm có thể ủng hộ các lệnh trừng phạt mới, gợi ý rằng các nghị sĩ Mỹ cuối cùng sẽ làm theo ý ông. Hôm 10/7, Ngoại trưởng Marco Rubio tuyên bố trong chuyến công du châu Á rằng chính quyền đang làm việc với các nghị sĩ để định hình dự luật.
Những tuần gần đây, thượng nghị sĩ Graham và Blumenthal đã cố gắng điều chỉnh dự luật để khiến nó trở nên dễ chấp nhận hơn đối với Tổng thống Trump, Họ có kế hoạch trao cho ông Trump quyền quyết định trong việc xác định cách thức và thời điểm áp dụng các biện pháp trừng phạt tài chính đối với Nga, bên cạnh một số thay đổi khác.

Lực lượng cứu hộ dập tắt đám cháy tại một ngôi nhà dân bị hư hại nặng do cuộc tập kích của Nga ở thủ đô Kiev, Ukraine, ngày 10/7. Ảnh: AP
Đồng thời, các lãnh đạo châu Âu vẫn tiếp tục thúc đẩy ông Trump về vấn đề này, cả công khai lẫn riêng tư. Họ đưa ra các biện pháp trừng phạt mới của riêng mình trong EC, cũng như tăng thêm viện trợ Ukraine.
Chủ tịch EC Ursula Von der Leyen hôm 10/7 công bố thành lập một quỹ mới nhằm hỗ trợ tái thiết Ukraine sau chiến sự. Bà cho biết quỹ này sẽ được hỗ trợ bởi EC, Pháp, Đức, Italy và Ba Lan. Vốn ban đầu của quỹ, khoảng 250 triệu USD, chỉ là một phần rất nhỏ so với số tiền cần thiết để tái thiết Ukraine mà Ngân hàng Thế giới ước tính có thể lên đến hơn 500 tỷ USD.
Các nhà lãnh đạo châu Âu đã nhấn mạnh với ông Trump rằng những biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn từ Mỹ sẽ tạo ra đòn bẩy lợi thế trước Nga mà không quốc gia nào khác làm được.
Sau hội nghị thượng đỉnh NATO tại Hà Lan vào cuối tháng trước, Thủ tướng Merz cho biết ông đã thêm một lần nữa truyền đạt với Tổng thống Trump rằng ông là người có vị thế tốt nhất để giúp đỡ Ukraine. Thủ tướng nói ông đã thúc giục Tổng thống Trump tận dụng đà từ các cuộc tập kích của Mỹ vào Iran, "không phải về mặt quân sự, mà về chính sách thương mại".
Dù vậy, Thủ tướng Merz thừa nhận Tổng thống Trump vẫn chưa thực sự bị lay chuyển. "Tổng thống đang dần định hình quan điểm về vấn đề này nhưng theo tôi, quá trình đó vẫn chưa hoàn tất", ông nói.
Vũ Hoàng (Theo AFP, Reuters, AP)