Viện Robert Koch Institute (RKI), cơ quan phụ trách kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Đức, cho biết thêm 254 người chết vì nCoV hôm 7/4, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 1.861.
Liên tiếp 4 ngày từ 2/4 đến 5/4, số ca nhiễm mới hàng ngày tại Đức giảm, đến 6/4 lại tăng 3.834 ca và 7/4 tăng 4.003 ca, nâng tổng số lên 103.228. Với số liệu này, Đức là vùng dịch lớn thứ năm thế giới, lần lượt sau Mỹ, Tây Ban Nha, Italy và Pháp.
![Người dân đeo khẩu trang ở thủ đô Berlin, Đức hôm 7/4. Ảnh: Reuters.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2020/04/08/Germany-3412-1586328919.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=YggeJVitIOjMw6WQRYPreQ)
Người dân đeo khẩu trang ở thủ đô Berlin, Đức hôm 7/4. Ảnh: Reuters.
Lệnh đóng cửa trường học và các cơ sở kinh doanh thiết yếu, gồm nhà hàng, quán bar, rạp chiếu phim và các hoạt động giải trí tại Đức được kéo dài ít nhất đến 20/4. Người dân được yêu cầu ở nhà, chỉ ra ngoài nếu có lý do đặc biệt, bị cấm tập trung quá hai người và được yêu cầu luôn giữ khoảng cách 1,5 m với người khác. Những người vi phạm các biện pháp phòng chống dịch sẽ bị phạt tiền.
Trước đó, số ca nhiễm mới giảm 4 ngày liên tiếp khiến giới chức Đức bày tỏ lạc quan về tình hình dịch bệnh, song Thủ tướng Angela Merkel cảnh báo còn quá sớm để nhận ra xu hướng diễn biến của đại dịch cũng như nới lỏng các biện pháp ứng phó.
Giám đốc RKI Lothar Wieler cho rằng các biện pháp hạn chế Covid-19 của chính phủ bước đầu có hiệu quả, nhưng cũng thừa nhận còn quá sớm để tuyên bố chiến thắng. Ông Wieler khuyến cáo cần tiếp tục duy trì "hạn chế cộng đồng", kêu gọi dân chúng tuân thủ các biện pháp ứng phó dịch của chính phủ.
209 quốc gia, vùng lãnh thổ đã xuất hiện Covid-19 sau khi dịch khởi phát ở Trung Quốc tháng 12/2019, khiến hơn 1,4 triệu người nhiễm, hơn 82.000 người chết và hơn 300.000 người hồi phục. Mỹ và châu Âu hiện là những vùng dịch lớn nhất thế giới.
Mai Lâm (Theo Reuters)