Đóng vai trò trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh Khánh Hòa (mới), Nha Trang còn nằm trong top 8 vịnh đẹp nhất thế giới và một trong những địa phương đáng sống. Sau sáp nhập, vùng lõi trung tâm được dự báo sẽ đón làn sóng dịch chuyển dân cư từ Ninh Thuận về sinh sống và làm việc. Đô thị cũng nắm lợi thế hút dân "du mục kỹ thuật số", tương tự nhiều thành phố lớn trên thế giới.
Động lực từ định hướng mới
Nha Trang có thời tiết ôn hòa, người dân thân thiện, ẩm thực phong phú từ nhiều thập niên qua, là điểm đến yêu thích của khách du lịch trong lẫn ngoài nước. Theo thống kê, mỗi năm Nha Trang đón khoảng 9-10 triệu lượt du khách với doanh thu hàng chục nghìn tỷ đồng.

Sự kiện chào cờ đầu tiên mừng sáp nhập Khánh Hòa và Ninh Thuận ngày 1/7 tại quảng trường 2/4. Ảnh: Khoa Trần
Việc hợp nhất hai tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận mở ra không gian phát triển rộng lớn với tiềm năng du lịch đa dạng, kinh tế đa ngành và hạ tầng hiện đại. Theo chuyên gia, bước tiến này sẽ thúc đẩy đô thị biển phát triển nhanh, bền vững và trở thành cực tăng trưởng tại miền Trung.
Tại Dự thảo định hướng phát triển giai đoạn 2025-2030, chính quyền tỉnh xác định sau sáp nhập, Khánh Hòa trở thành cực tăng trưởng mới của cả nước và sớm đạt mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030. Tăng trưởng kinh tế kỳ vọng duy trì ở mức hai con số. Trong tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh xác định ba trụ cột chiến lược: công nghiệp công nghệ cao, du lịch biển đẳng cấp quốc tế và năng lượng tái tạo bền vững - những lĩnh vực phù hợp với tiềm năng tự nhiên, bắt kịp xu thế phát triển toàn cầu.
Tỉnh Khánh Hòa mới đặt mục tiêu tăng trưởng 12% mỗi năm, thu ngân sách cuối nhiệm kỳ tăng gấp đôi, tổng vốn đầu tư trên 1 triệu tỷ đồng. Với hơn 4.000 ha đất công nghiệp, tỉnh ưu tiên thu hút dự án điện tử, công nghệ thông tin, cơ khí chính xác và công nghiệp sạch. Khánh Hòa chú trọng phát triển điện gió, điện mặt trời quy mô lớn, hướng tới nhà máy điện hạt nhân - nguồn năng lượng ổn định, sạch, bền vững. Đây là cơ sở để tỉnh trở thành trung tâm dữ liệu quốc gia, quốc tế. Du lịch biển tiếp tục phát huy vai trò kinh tế mũi nhọn với việc phát triển du lịch kiểu mới kết hợp đô thị ven biển.
Theo giới chuyên gia, việc tỉnh Khánh Hòa phát triển kinh tế biển, thu hút nhà đầu tư trong các lĩnh vực giàu tiềm năng sẽ là cú hích mới cho cơ sở hạ tầng. Định hướng cũng gia tăng cơ hội việc làm và phát triển các ngành, nghề, dịch vụ mới, kéo theo làn sóng di dân cơ học về an cư, khởi nghiệp. Chỉ riêng phường Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa (mới), dự báo quy mô dân số đến năm 2030 sẽ khoảng 630.000-640.000 người và đến năm 2040 sẽ đạt khoảng 750.000-780.000 người (tăng 26-30% so với hiện tại), theo Quyết định 259/QĐ-TTg.
Tiềm năng của thị trường
Sự phát triển du lịch và nền kinh tế đa dạng, mở ra nhiều cơ hội mới cho nguồn lao động tại tỉnh Khánh Hòa. Thực tế, tỉnh có nhu cầu lao động cao trong các lĩnh vực khách sạn, nhà hàng, vui chơi giải trí, lữ hành và dịch vụ như ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, bán lẻ... Tỉnh cũng khát nguồn nhân lực chất lượng phục vụ ngành công nghiệp công nghệ cao. Vị trí, cơ sở hạ tầng, chính sách hút đầu tư còn giúp địa phương thành điểm đến của nhiều hoạt động đổi mới sáng tạo.

Một góc bãi biển Nha Trang với cát vàng, biển xanh. Ảnh: Khoa Trần
Vịnh Nha Trang đang chứng kiến làn sóng di cư khi ngày càng nhiều các người trẻ thậm chí là thế hệ U60, U70 "bỏ thành phố lớn" về khởi nghiệp.
Theo nhiều người trẻ, là điểm du lịch nhưng Nha Trang vẫn giữ được mức sống bình dân, phù hợp với thu nhập. Đồ ăn ngon, phong phú, chi phí thuê nhà bằng khoảng một nửa TP HCM và Hà Nội trong khi nhịp sống vẫn sầm uất không kém. Trung bình hai tháng sẽ có ba hoạt động như show nhạc mời ca sĩ nổi tiếng, sự kiện lớn của các nhãn hàng quốc tế, các hoạt động Festival du lịch, hội chợ, bắn pháo hoa, thả diều khổng lồ, bay dù lượn... Song song, giới trung lưu, trung niên cũng chọn vịnh Nha Trang để nâng cao chất lượng cuộc sống. Chỉ số AQI (mức độ ô nhiễm không khí) của nơi đây hiếm khi vượt ngưỡng 100.
Theo các chuyên gia, Nha Trang có tốc độ hiện đại hóa đô thị cao, cơ sở hạ tầng và kết nối giao thông ngày càng đồng bộ, hạ tầng đô thị đã tiệm cận các đô thị quốc tế. Đây chính là điều kiện thu hút làn sóng di cư cơ học, kéo theo nhu cầu về nhà ở, dịch vụ thương mại, du lịch.
Theo khảo sát của Hội môi giới Bất động sản Khánh Hòa, ngay khi có thông tin sáp nhập tỉnh, nhu cầu tìm kiếm nhà đất tại Nha Trang tăng cao, đặc biệt từ các tỉnh lân cận như Ninh Thuận, Phú Yên và vùng Tây Nguyên. Nhiều cá nhân chủ động tìm đất để ổn định nơi ở, chuẩn bị cho kế hoạch công việc trong tương lai. Trong đó khu vực Bắc Nha Trang là nơi đang hút nhiều sự quan tâm, trở thành điểm trọng yếu của làn sóng dịch chuyển dân cư mới về Nha Trang.
Hoài Phương