Căn cứ khoản 2 Điều 3, điểm b khoản 1 và điểm a khoản 7 Điều 4 Nghị định 115/2018/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 38/2021/NĐ-CP và Nghị định 124/2021/NĐ-CP), trường hợp tổ chức sản xuất, chế biến, cung cấp thực phẩm mà sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ sẽ bị phạt tiền từ 1 đến 2 lần giá trị sản phẩm vi phạm (nếu cá nhân vi phạm thì mức phạt là từ 0.5 đến 1 lần giá trị sản phẩm vi phạm) và buộc tiêu hủy nguyên liệu, thực phẩm vi phạm.
Do đó, trường hợp cá nhân, tổ chức nhập hàng se điếu không rõ xuất xứ (mà không biết đó là hàng kém chất lượng), cứ tin tưởng đó là hàng thật thì sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định nêu trên.
Trường hợp cá nhân, tổ chức biết rõ hàng se điếu đó là giả (có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của thực khách) nhưng vẫn nhập hàng về bán để kiếm lợi nhuận thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm theo Điều 193 Bộ luật Hình sự năm 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Theo đó, khung hình phạt thấp nhất của tội này đối với cá nhân là bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm; khung hình phạt cao nhất là bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Trường hợp pháp nhân thương mại phạm tội này thì bị phạt tiền từ 1 tỷ đồng đến 18 tỷ đồng; có thể bị đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Ngoài ra, pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 300 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 1 năm đến 3 năm.
Luật sư Phạm Thanh Hữu
Đoàn luật sư TP HCM